Thị trường bất động sản Nam - Bắc diễn biến trái chiều

Thùy Linh| 09/11/2021 09:48

(TN&MT) - Sau thời gian gián đoạn do giãn cách xã hội kéo dài, thị trường bất động sản (BĐS) đã có sự phục hồi rõ rệt, nhất là phân khúc đất nền. Tuy nhiên, giao dịch có sự khác biệt giữa hai miền Nam - Bắc.

Giá đất nền miền Bắc tăng, miền Nam giảm

Báo cáo về thị trường BĐS quý III/2021 của Bộ Xây dựng, giá đất nền tại Hà Nội được đánh giá ở ngưỡng cao, hầu như chưa có sự sụt giảm. Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, thị trường đất nền có dấu hiệu giảm giá cục bộ ở một số dự án và khu vực tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh. Mức giảm khoảng 5 - 7% so với tháng 5. Lượng giao dịch đất nền trong quý III là 107.167 giao dịch. Trong đó tại miền Bắc có 10.421 giao dịch, tại miền Trung có 31.380 giao dịch, tại miền Nam có 65.366 giao dịch.

Tại Hà Nội, đất dự án tại Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công có giá khoảng 46 triệu đồng/m2, Khu đô thị Thanh Hà Mường Thanh có giá khoảng 34 triệu đồng/m2, Dự án Eurowindow Twin Parks có giá khoảng 94 triệu đồng/m2, Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch có giá khoảng 52 triệu đồng/m2.

Tại quận 2, TP.HCM, đất nền tại Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi có giá khoảng 114 triệu đồng/m2, Dự án An Phú - An Khánh có giá khoảng 211 triệu đồng/m2, Dự án Huy Hoàng có giá khoảng 212 triệu đồng/m2. Trong khi Dự án The Everich III tại quận 7 có giá khoảng 110 triệu đồng/m2, Khu dân cư Sở Văn hóa thông tin tại quận 9 có giá khoảng 72 triệu đồng/m2.

Tại Đà Nẵng, Dự án Làng Châu Âu (Euro Village) tại quận Sơn Trà có giá khoảng 84 triệu đồng/m2, Dự án One River tại quận Ngũ Hành Sơn có giá khoảng 52 triệu đồng/m2, Dự án Khu đô thị Nam Cầu Tuyên Sơn tại quận Ngũ Hành Sơn có giá khoảng 43 triệu đồng/m2.

 

Ông Bùi Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhìn nhận, giá bán nhà ở các phân khúc BĐS có xu hướng bị đẩy giá có phần nguyên nhân từ chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng do khó khăn, thậm chí đứt gãy trong sản xuất, cung ứng. Có thời điểm giá sắt thép đã tăng xấp xỉ 30 - 40% so với cuối năm 2020. Giá các vật liệu như xi măng, cát, gạch... cũng tăng. Điều này đã khiến việc giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp ngày càng khó khăn hơn.

“Thị trường BĐS sẽ không có chuyển biến mang tính đột phá, vì nền kinh tế phía Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản BĐS sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế trong khi nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… thì lại tăng” - ông Dũng nhấn mạnh.

“Chặn” các cơn sốt đất cục bộ

2021 là năm đầu kỳ quy hoạch, tại nhiều địa phương đã bắt đầu có tình trạng đẩy thông tin quy hoạch xây dựng các dự án lớn như sân bay, đô thị vệ tinh để “thổi” giá đất như khu vực Cam Lâm (Nha Trang), Hòa Lạc (Hà Nội), Củ Chi (TP.HCM)...

Để ngăn chặn “sốt” đất, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng thị trường cuối năm, Bộ TN&MT đã có văn bản đề nghị các địa phương công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá BĐS lên cao nhằm thu lợi bất chính; có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở TN&MT và các Sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt các dự án BĐS, nhất là BĐS hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa BĐS vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án BĐS phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh BĐS.

Luật sư Phạm Thanh Bình - Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc cho rằng, hiện tượng tăng nóng về giá BĐS gồm rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc các địa phương công bố ồ ạt quy hoạch về đất đai, quy hoạch về đô thị,  quy hoạch xây dựng… tạo ra tâm lý phát triển sôi động. Chính vì vậy, các địa phương cần sớm vào cuộc, công khai thông tin quy hoạch kịp thời, chính xác để mọi người cân nhắc rủi ro trong giao dịch.

Theo các chuyên gia bất động sản, các địa phương, cần quy hoạch, có kế hoạch sử dụng đất hàng năm và thông tin phải được công khai rõ ràng. Việc này nằm trong tầm tay của chính quyền các tỉnh, thành nên cần được triển khai hiệu quả, vừa tăng nguồn cung cho thị trường nhà đất, vừa kiểm soát được thị trường bất động sản.

“Để xử lý tình trạng đầu cơ đất đai, giao dịch bất hợp pháp, trước tiên phải có giải pháp mạnh với những người trong cuộc nắm thông tin quy hoạch. Các giao dịch không qua đấu giá hoặc có dấu hiệu bất thường cần phải được xem xét, xử lý một cách nghiêm minh và kịp thời. Đặc biệt, trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần tăng cường tính răn đe. Trường hợp đầu tư đầu tư đất đai không hiệu quả, để hoang hóa sẽ bị thu hồi, thậm chí không bồi hoàn”.

Luật sư Phạm Thanh Bình

Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bất động sản Nam - Bắc diễn biến trái chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO