Ngôi biệt thự trên được xây dựng trên đất lâm nghiệp, cách đường Hồ Chí Minh chừng 2km. Đường vào ngôi biệt thự rộng 5m, được rải đá dăm dài khoảng 2km. Đây là con đường mà chủ ngôi biệt thự bỏ tiền nâng cấp từ lối mòn đi rừng của người dân xóm Trung Sơn. Chạy kẹp với đường là đường dây điện hạ thế cáp vặn xoắn được đầu tư bài bản để phục vụ cho trang trại nơi có ngôi biệt thự này. Cổng vào khu biệt thự được rào, khóa và treo biển “không phận sự miễn vào khu chăn nuôi”. Chúng tôi vừa đến gần đến cổng, thấy có người lạ đàn chó ở trong khu vực đã chạy ra sủa inh ỏi. Khu rừng xung quanh ngôi biệt thự cũng được rào bằng lưới thép B40 cao quá đầu người, với chu vi dài hàng ki lô mét.
Tại khu vực rộng hàng chục héc ta này, một chuồng chăn nuôi dê được xây dựng có diện tích khoảng 200m2, vài ba chuồng nuôi gà, lợn. Mặc dù được đầu tư nhiều vốn xây dựng trang trại nhưng quy mô chăn nuôi ở đây còn mang tính nhỏ lẻ, không mang yếu tố sản xuất hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn V. ở xóm Trung Sơn, xã Thanh Mai cho biết, diện tích rừng này hiện nay của một doanh nghiệp, cơ ngơi này được xây dựng từ cuối năm ngoái, mất nhiều tháng trời mới hoàn thành.
Một người phụ nữ chăn gia súc gần trang trại còn tiết lộ, bà có người thân được thuê xây dựng ngôi biệt thự theo thiết kế dự án khu du lịch sinh thái gia đình. Chủ trang trại đã thuê vợ chồng người ở xóm Trung Sơn trông coi và chăm sóc vật nuôi. Ở đây, thỉnh thoảng có nhiều cán bộ, lãnh đạo công tác ở TP Vinh cùng gia đình lên ăn uống, ngủ nghỉ vào các dịp cuối tuần và nghỉ lễ.
Một người là cán bộ của xóm Trung Sơn nói, ông đã được vào xem ngôi biệt thự, ở đó có 11 phòng ngủ, 2 phòng làm bếp và kho. Tầng 1 là nơi tiếp khách, có sân chơi rộng rãi. “Các phòng được bố trí nội thất khép kín, hiện đại hơn nhiều khách sạn ở TP Vinh. Sân bãi có đèn chiếu, sân rộng chứa được cả trăm chiếc ô tô con. Công nhân làm sao mà được ở phòng đó, chỉ ngày lễ, ngày nghỉ, những người khách ở nơi khác đến mới được mở các phòng. Nhà xây năm ngoái, họ thuê người ở địa phương làm”.
Đang tìm đường vào biệt thự, chúng tôi gặp một người tên là Hùng, tự giới thiệu là làm thuê, quản lý khu trang trại, anh này nói với chúng tôi: Đây là trang trại của ông Hồng để chăn nuôi bò, dê, gà. Ngôi nhà xây dựng chỉ là nơi để cho công nhân thu dọn thực bì, chăn nuôi gia súc nghỉ ngơi. Người lạ muốn vào trang trại phải có lệnh của ông chủ.
Phải rất khéo léo chúng tôi mới tiếp cận được “biệt phủ” được xây trên đất rừng xóm Trung Sơn. Ngôi biệt thự sơn màu trắng, kiến trúc kiểu nhà sàn được xây bằng bê tông cốt thép, được thiết kế 2 tầng, diện tích mặt sàn ước rộng hàng trăm mét vuông. Thời điểm chúng tôi có mặt, tất cả các phòng đều được khóa kín. Dưới chân ngôi biệt thự treo biển “nhà ở của công nhân chăn nuôi”.
Làm việc với chính quyền địa phương, ông Hà Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mai nói, đất rừng của ông Bảy ở xóm Trung Sơn nhưng sau đó chuyển nhượng lại cho ông Thực trú tại TP Vinh, sau đó chuyển lại ông Hồng, thủ tục đã đầy đủ hay chưa thì xã không rõ. Xã vào nhưng không gặp chủ chỉ gặp người làm thuê. Xã chưa kiểm tra việc xây nhà trái phép, chỉ lập biên bản xâm phạm đất rừng do san ủi mở đường. Họ làm nhà họ không báo cáo, chỉ nghe cán bộ địa chính nói xây lán trại để bảo vệ rừng và chăn nuôi.
“Mọi việc địa chính xã sẽ nắm rõ hơn. Tôi chỉ nghe thông tin, trang trại đó liên quan đến 1 cán bộ cấp phó Sở nhưng chưa biết tên và gặp mặt lần nào, còn biên bản lập về vi phạm đất rừng xã không lưu, cán bộ địa chính có thể nắm rõ hơn”- ông Nam nói.
Thế nhưng, khi chúng tôi làm việc với ông Bùi Văn Hoan, công chức địa chính - xây dựng xã Thanh Mai ông này cũng khẳng định chủ nhân đất rừng ở đó ông không biết vì mới nhận bàn giao công việc của địa chính cũ(?). Ông chỉ thấy họ làm đường giao thông, làm đường điện vào trang trại còn làm nhà thì ông không biết.
Sau đó, chúng tôi gặp ông Trần Công Bằng, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai và được ông Bằng cho biết: Đất rừng đó là của ông Hồng ở Nghĩa Đàn, làm nghề gì ông không biết, họ tên đầy đủ ông cũng không nắm được. Diện tích khu rừng của ông Hồng trên 30 ha. “Năm ngoái, khi làm ông Hồng có nói với địa chính xã là làm nhà ở cho công nhân để bảo vệ rừng. Từ khi xây dựng, tôi cũng chưa vào tận nơi. Vấn đất đai địa chính biết nhưng anh địa chính đi vắng không lấy hồ sơ ra được” - ông Bằng nói.
Ông Nguyễn Hữu Thắng - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thanh Chương và được biết: Tại thời điểm san ủi làm công trình, kiểm lâm địa bàn đã tham mưu cho xã đình chỉ việc xây dựng. Vì rừng này đã chuyển nhượng trao tay cho nhiều người, lãnh đạo Hạt đã giao cho kiểm lâm địa bàn tham mưu cho UBND xã Thanh Mai tìm chủ rừng hiện tại là ai, mọi thông tin khác ông sẽ kiểm tra, xác minh sau. Ông Thắng còn cho biết, đã đích thân vào kiểm tra và thấy nhà xây dựng kiên cố như nhà nghỉ, hơn 10 phòng là trái phép vì đây là đất rừng.
Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương khẳng định, huyện chưa nghe xã báo cáo việc xây dựng nhà trên đất rừng ở xã Thanh Mai. Còn việc xây nhà trái phép mà chính quyền xã Thanh Mai không biết là không đúng, huyện sẽ cho kiểm tra sự việc này.
Một công trình thuộc diện “khủng” được xây dựng trái phép trên diện tích đất thuộc xã Thanh Mai quản lý nhưng chính quyền ở đây lại tỏ ra thiếu thông tin về vụ việc cũng như không hề có báo cáo gửi lên cấp trên khi thấy sự việc vượt quá thẩm quyền là điều khó có thể chấp nhận được. Hiện, dư luận đang trông chờ các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ sự việc, tìm chủ nhân thực sự của căn biệt thự và xử lý theo quy định của pháp luật, tránh bức xúc, nghi ngờ trong dư luận.