Thái Bình: Xã Thái Thượng phát triển kinh tế biển giúp ngư dân vươn lên thoát nghèo
(TN&MT) - Là xã ven biển của huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình, xã Thái Thượng với 5km bờ biển, có 8 thôn, dân số gần 6.500 người, trong đó gần 50% sinh sống bằng nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, lãnh đạo địa phương đã xác định phát triển kinh tế biển là mũi nhọn, tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế địa phương, giúp người dân vươn khơi bám biển, vươn lên thoát nghèo.
Khai thác thế mạnh của biển
Xã Thái Thượng hiện có 5km đường bờ biển với gần 1.000ha bãi triều, 247ha ao đầm nằm ngoài đê biển, gần 100 tàu thuyền hoạt động khai thác thủy sản và làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Bao đời nay biển gắn bó với mảnh đất và con người Thái Thượng và cũng chính từ biển đang tạo nên thế mạnh cho địa phương. Với 70% lực lượng lao động tham gia các ngành nghề biển đã đóng góp trên 35% tổng số thu nhập chung của toàn xã.
Hiện xã duy trì 2 đôi tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 400CV, 3 đôi tàu hậu cần nghề cá công suất trên 600CV, 86 tàu thuyền khai thác tầm trung và ven bờ, giải quyết việc làm hơn 400 lao động địa phương, thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/người/tháng. Nhờ nâng cao năng lực đánh bắt nên sản lượng khai thác năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2023, sản lượng khai thác lộng ước đạt hơn 8.415 tấn, giá trị đạt 40.914 triệu đồng, tăng hơn 1.966 tấn so với năm 2022.
Từ đầu tư phát triển nghề biển, nhiều ngư dân “ăn nên làm ra” với mức thu nhập 300 - 500 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thay đổi diện mạo làng quê vùng biển.
Từ thế mạnh nuôi trồng và đánh bắt, các ngành nghề dịch vụ và chế biến cũng phát triển ở Thái Thượng. Hiện xã có hơn 15 hộ, cơ sở kinh doanh, chế biến thủy hải sản với các sản phẩm chính như: moi khô, cá khô, mực khô, nước mắm, chả cá, chả tôm, chả mực, tôm bóc nõn. Điển hình trong đó là xưởng chế biến mắm của công ty Dũng Thành Trung mỗi năm tiêu thụ khoảng một trăm tấn cá, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động của địa phương. Những cơ sở chế biến như thế đã thúc đẩy những cá nhân, đơn vị của xã đóng mới và cải hoán những con tàu có công suất lớn phục vụ cho bà con đi biển.
Trong phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản được coi là một trong những thế mạnh của Thái Thượng. Ông Bùi Bá Thán, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Thượng cho biết, đến nay, diện tích nuôi trồng thuỷ sản của xã đạt 196ha, trong đó hơn 150ha nuôi tôm, diện tích còn lại là nuôi cá vược, cá song, cua... Năm 2023, giá trị sản xuất nuôi trồng thuỷ sản ước đạt gần 60 tỷ đồng. Đặc biệt, hiện xã có 40ha nuôi tôm công nghệ cao, năm 2023 sản lượng nuôi trồng ước đạt 502 tấn, giá trị đạt trên 40 tỷ đồng.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà bạt được người dân xã Thái Thượng áp dụng rộng rãi trong thời gian gần đây. Phương thức nuôi tôm công nghệ cao trong nhà bạt tuy chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng lại sử dụng vật tư được 3 - 4 năm; có thể chống nóng, chống lạnh cho tôm, hạn chế sự chênh lệch nhiệt độ, sự thay đổi đột ngột của thời tiết.
Nếu nuôi tôm theo phương thức truyền thống, một năm chỉ được 2 vụ, còn nuôi tôm công nghệ cao trong nhà bạt được 4 - 5 vụ/năm. Tùy theo thời tiết về mùa đông, thời gian nuôi mỗi lứa khoảng 4 tháng, mỗi bể 500 - 800m2 cho sản lượng khoảng 3 tấn tôm thương phẩm. Trung bình 1ha nuôi tôm công nghệ cao doanh thu đạt 1,5 - 2 tỷ đồng/năm. Riêng về mùa đông, thường giá tăng gấp rưỡi đến gấp đôi so với các vụ khác trong năm, đồng nghĩa thu nhập của người dân cũng tăng đáng kể.
Đối với xã Thái Thượng, nếu như con tôm mang lại hiệu quả nhanh cho người dân thì con ngao cũng là một trong những chiến lược lâu dài của địa phương. Toàn xã có trên 200 ha ngao với trên 100 hộ tham gia. Do đặc điểm về địa hình và điều kiện tự nhiên, những chòi nuôi ngao của Thái Thượng vươn dài ra biển, cách đất liền từ 7 đến 8 cây số. Những chòi ngao trở thành những con mắt thức canh biển cùng với những con tàu đánh bắt của ngư dân.
Sự kết hợp giữa nuôi ngao và vấn đề bảo vệ an ninh biên giới biển được người dân của xã chú trọng. Nuôi ngao ngoài biển phải làm các nhà để bảo vệ, trông coi thì cũng coi như một tuyến phòng ngự ven biển. Các tin tức, các sự việc xảy ra từ ngoài biển cách bờ từ 7-8 cây số, bà con đều biết trước và báo về. Cùng với bà con nuôi ngao, bà con bạn thuyền cũng luôn ý thức được điều này. Đây là một hình thức vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo rất tốt.
Ðầu tư để phát triển
Theo ông Đỗ Khắc Bằng, Bí thư Đảng ủy xã Thái Thượng, xác định khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, xã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 từ khai thác, nuôi trồng thủy hải sản đạt trên 120 tỷ đồng/năm, chiếm 33 - 35% cơ cấu kinh tế của xã.
Để hoàn thành mục tiêu này, xã đang tiếp tục huy động nguồn vốn, tạo điều kiện, khuyến khích ngư dân nâng cấp, đóng mới các tàu cá có công suất từ 200CV trở lên. Vận động ngư dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác nhằm nâng cao năng suất, sản lượng. Đầu tư kho lạnh để nâng cao chất lượng sản phẩm khi vào bờ, từ đó nâng cao chất lượng nguyên liệu cho lĩnh vực chế biến thủy hải sản.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng, xã đang định hướng cho các hộ dân tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao. Nỗ lực tìm kiếm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thu mua, chế biến thủy hải sản... góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.