Tập trung, tích tụ ruộng đất: Tìm phương thức ưu việt

11/05/2018 10:53

(TN&MT) - Chính phủ vừa yêu cầu Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi chính sách đất đai tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn...

(TN&MT) - Chính phủ vừa yêu cầu Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi chính sách đất đai tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Đây là một tín hiệu vui đối với phát triển nông nghiệp của đất nước. Tuy vậy, để triển khai, còn nhiều vấn đề cần được giải quyết một cách hợp lý.
Tập trung, tích tụ ruộng đất Tìm phương thức ưu việt
Chính sách đất đai tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Ảnh: MH
Hơn 10 năm trở lại đây, Đảng và Chỉnh phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy việc tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, nâng cao năng suất. Cụ thể là chính sách dồn điền - đổi thửa khắc phục sự manh mún về ruộng đất, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng về mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai, Quốc hội đã ban hành Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, để đảm bảo cho người sử dụng đất nông nghiệp Đảng và Nhà nước đã quyết định không chia lại đất nông nghiệp đã giao theo Nghị định 64 năm 1993 và thời gian giao đất nông nghiệp được tăng đến 50 năm, thay vì 20 năm như trước đây.

Đồng thời, để mở rộng quy mô sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại chuyên môn hóa, thì hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp (mua) hiện nay đã được nâng từ 2 lần tới không quá 10 lần.

Như vậy, một hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở là 3 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác (Điều 129, Luật Đất đai) tức là Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ không quá 30 ha; các tỉnh thành khác không quá 20 ha.

Riêng đối với các doanh nghiệp, để sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập trung quy mô lớn, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết thi hành có nhiều quy định khuyến khích, tích tụ đất đai đối với doanh nghiệp. Đó là, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án sản xuất, chế biến nông nghiệp tập trung; Không quy định về hạn mức sử dụng đất đối với doanh nghiệp; Nhà nước khuyến khích hộ gia đình, cá nhân góp vốn bằng quyền sử dụng đất với các chủ đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, Nghị định 01/2017 của Chính phủ mới đây đã bổ sung quy định liên quan đến chế độ quản lý, sử dụng đất, đặc biệt là đối với trường hợp tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.

Dù đã được nhiều địa phương triển khai thực hiện, song theo đánh giá của Tổng cục Quản lý đất đai, quá trình triển khai chủ trương tích tụ ruộng đất còn nhiều khó khăn. Nhiều hộ nông dân sử dụng đất hiệu quả thấp nhưng không cho thuê lại hoặc chuyển nhượng; nhiều doanh nghiệp, người dân có khả năng thâm canh, có thị trường tiêu thụ, có khoa học công nghệ chưa tiếp cận được với quỹ đất lớn để sản xuất, đầu ra của sản phẩm...

Đơn cử, cuối năm 2016, để “gom” được 140 ha đất bãi ở xã Xuân Hồng (Xuân Trường, Nam Định) phục vụ dự án sản xuất rau sạch, Tập đoàn Vingroup đã phải vận động, đàm phán việc thuê ruộng đất với tổng cộng 3.000 hộ nông dân ở địa phương. Trong số 3.000 hộ này, có hộ đồng ý cho thuê, có hộ không. Khi đó, chính quyền phải thực hiện thêm một thao tác rất khó khăn, phức tạp là dồn đổi ruộng đất của những hộ đồng ý cho thuê tập trung về một nơi, dồn đổi ruộng đất của những hộ không đồng ý về một nơi, sau đó, mới có mặt bằng bàn giao cho doanh nghiệp.

Tại Vĩnh Phúc, một trong những lá cờ đầu, tiên phong trào tích tụ ruộng đất hướng đến mục tiêu sản xuất lớn là Công ty TNHH Đầu tư và phát triển nông nghiệp DKC (khu 4, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng thất bại trong năm 2016. Nguyên nhân năm là do không tìm được đầu ra của sản phẩm và thiên tai.

Theo một số chuyên gia, mặc dù, rất ủng hộ chủ trương cho tích tụ ruộng đất vì thực trạng sản xuất nông nghiệp manh mún như hiện nay không thể nào cho phép đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao. Tuy vậy, vẫn cần xem phương thức nào để huy động doanh nghiệp tham gia, người dân cũng được hưởng lợi, đặc biệt tránh việc lợi dụng gom đất bỏ hoang, sản xuất không hiệu quả để tìm cách chuyển mục đích sử dụng…

Với khoảng 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, việc mở rộng hạn điền để tích tụ đất đai sẽ là một chính sách lớn tác động đến cuộc sống, tư liệu sản xuất của hàng triệu hộ gia đình. Do đó, Chính phủ cũng như các Bộ ngành rất cân nhắc khi thực hiện này. Gần đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị để thảo luận về các giải pháp cho vấn đề này tới đây nhằm huy động các ý kiến từ các Nhà quản lý, chuyên gia để đưa ra một phương pháp hiệu quản nhất.

Liên quan đến việc này, cách đây hơn 1 năm, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi việc này. Gần đây nhất, bàn về giải pháp thúc đẩy tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT và các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung hội nghị.

Một số vấn đề cần được tập trung, bao gồm: Tập trung đánh giá thực trạng, nhu cầu thực tiễn, kinh nghiệm và sự cần thiết phải tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội; xác định rõ các khó khăn, vướng mắc, các bất cập chủ yếu trong quá trình thực hiện tích tụ, tập trung đất đai; phân tích, đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách hiện hành và thực tế việc triển khai tích tụ, tập trung đất đai của các địa phương đến các vấn đề kinh tế - xã hội, môi trường; các Bộ cần đề xuất các giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách, cách thức tổ chức thực hiện...; xác định các nhiệm vụ cần phải tiến hành, cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện, thẩm quyền và lộ trình thực hiện.

Xác định tầm quan trọng tập trung ruộng đất nhằm thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn là phải phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp của nước ta và mục tiêu nâng cao đời sống người dân nông thôn. Chính vì vậy, đây là vấn đề lớn, xuyên suốt với nhiệm vụ phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân mà Đảng và Nhà nước hết sức chú trọng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung, tích tụ ruộng đất: Tìm phương thức ưu việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO