Quảng Nam: Tiên phong trong tích tụ ruộng đất, giúp người dân thoát nghèo
Hợp tác xã Nông nghiệp (HTX NN) Bình Đào ở thôn Trà Đoá 1 (xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) là đơn vị tiên phong của tỉnh Quảng Nam thực hiện tích tụ ruộng đất (TTRĐ). Từ ngày thành lập đến nay, hợp tác xã đã phát huy vai trò trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn và thực hiện mô hình liên kết sản xuất. Không những hoạt động sản xuất hiệu quả, hợp tác xã còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động cho địa phương.
Đó là nhận xét của ông Mai Văn Ánh- Phó Chủ tịch xã Bình Đào (huyện Thăng Bình) về HTX NN Bình Đào khi tiếp xúc với PV Báo Tài nguyên và Môi trường.
Tiên phong trong việc tích tụ ruộng đất và liên kết sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu
Ghé HTX NN Bình Đào vào những ngày giữa tháng 7/2023, chúng tôi gặp ông Võ Tấn Sanh (53 tuổi) - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX NN Bình Đào. Theo ông Sanh, HTX NN Bình Đào trong các dịch vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) hiện nay, thế mạnh nhất của HTX là dịch vụ nông nghiệp phục vụ cho việc thực hiện TTRĐ và LKSX. HTX NN Bình Đào là đơn vị đầu tiên của tỉnh Quảng Nam thực hiện TTRĐ, sau 7 năm triển khai thực hiện Đề án với quy mô từ 20 ha ban đầu, đến nay HTX đã mở rộng lên trên 85 ha (Thuê đất: 20,5 ha; nông dân góp đất liên kết sản xuất 64,5 ha). Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư và LKSX, thu mua, chế biến tiêu thụ nông sản theo chuổi giá trị với 60 ha lúa giống; 15 ha cây Mè - Lạc và 15 ha sản xuất Nếp, lúa gạo chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để thực hiện việc TTRĐ, ngay từ vụ đông xuân 2015-2016, HTX đã kêu gọi các doanh nghiệp vào địa phương để LKSX lúa giống. Đây cũng là công việc mới mẻ mà HTX mạnh dạn áp dụng để nông dân - HTX - doanh nghiệp có cơ hội hợp tác với nhau tạo ra mối quan hệ, liên kết trong sản xuất nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, HTX đã tổ chức LKSX lúa giống với 3 công ty, LKSX và chế biến dầu Mè - Lạc với 1 HTX và 1 Tổ hợp tác. Doanh thu từ dịch vụ này mỗi năm trên 2,93 tỷ đồng.
Nói về thí điểm mô hình TTRĐ, ông Võ Tấn Sanh cho biết, thực hiện TTRĐ qua 2 hình thức là thuê đất của nông dân và nông dân góp đất LKSX theo mô hình cánh đồng tập trung để sản xuất lúa giống và chuyển đổi cây trồng. Mặc dù ban đầu còn gặp nhiều khó khăn do công việc TTRĐ còn quá mới mẻ, nông dân chưa quen với mô hình LKSX tập trung... Nhưng đến nay việc tích tụ, tập trung ruộng đất và LKSX đã phát huy tích cực và đóng vai trò nòng cốt trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương; đồng thời định hướng đúng đắn trong LKSX và sản xuất nông nghiệp theo chuổi giá trị hàng hóa. Trong quá trình TTRĐ và LKSX, HTX từng bước chỉnh trang, cải tạo đồng ruộng xây dựng cánh đồng tập trung để thu hút các doanh nghiệp vào LKSX theo hướng hàng hóa, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp tạo ra nhận thức, phương thức sản xuất mới cho người nông dân.
Tạo sinh kế cho người dân, giúp nông dân ổn định cuộc sống
Là một tổ chức kinh tế tập thể hoạt động trên địa bàn một xã thuần nông nghèo, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên trong quá trình tổ chức SXKD, HTX luôn chú trọng đến lính vực Nông nghiệp - Nông thôn và Nông dân, là nguồn động lực và là mục tiêu phát triển lâu dài của HTX.
Hầu hết các lĩnh vực SXKD của HTX hiện nay đều cung cấp dịch vụ đầu vào cho sản xuất và sinh hoạt của thành viên và nhân dân trong xã. Các dịch vụ có tính tương tác cao, kinh doanh với phương châm đôi bên cùng có lợi như: Dịch vụ nước sinh hoạt (1.247 hộ) - Dịch vụ thủy lợi (1.850 hộ) - Dịch vụ phân bón trả chậm hằng năm trên 105 tấn (1.630 hộ) - Dịch vụ cung ứng giống cây trồng hằng năm trên 27 tấn (1.630 hộ) - Dịch vụ cơ giới hóa trên 760 hộ - Dịch vụ liên kết sản xuất, thu mua chế biến nông sản trên 820 hộ…
Để đẩy mạnh hoạt động SXKD, HTX đã tập trung đầu tư vào hai lĩnh vực ưu tiên có tính đột phá đó là: Đầu tư cho con người và đầu tư cho phương tiện sản xuất. Tập trung củng cố đội ngũ quản trị điều hành trực tiếp các khâu dịch vụ, HTX đã tuyển dụng đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn phù hợp. Với đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, HTX đã mạnh dạn mở rộng các dịch vụ kinh doanh. Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, nhà kho, nhà xưởng và mua sắm máy móc, trang thiết bị, công cụ sản xuất...
HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/ tháng và trên 35 lao động thời vụ, với thu nhập mỗi lao động từ 220.000 đồng - 300.000 đồng/ngày.
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2020, HTX được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận 2 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Dầu mè đen nguyên chất Bình Đào và Nếp Hương Lân Trường Giang.
Với kết quả đạt được, năm 2023, HTX NN Bình Đào được Liên minh HTX Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể HTX giai đoạn 2020-2023 và vinh dự là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương.