Ông Đỗ Thanh Bái - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Trách nhiệm tự nguyện của các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam (VRCC) |
PV: Là người nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này, ông có thể cho biết thực trạng bức tranh tái chế rác thải nhựa hiện nay của Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng?
Ông Đỗ Thanh Bái:
Nhựa cũng như nhiều vật liệu khác, cơ bản làm từ dầu mỏ, tài nguyên hữu hạn, khác với tài nguyên vô hạn, chúng ta cần làm thế nào để tận dụng các giá trị của nó mà không gây tác động tới môi trường.
Hiện nay, quy trình tái chế nhựa ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng phổ biến là mang sản phẩm nhựa về ép ra sản phẩm mới. Nhưng với quy mô lớn thì chưa có. Tôi đã được Sở TN&MT giới thiệu nhiều cơ sở, họ đều đảm bảo quy trình nhất định. Ví dụ như nếu muốn chuyển từ chai nhựa ra sợi polyester thì cần công nghệ khác với công nghệ đưa chai nhựa đốt ra hạt. Mục đích khác nhau thì đòi hỏi công nghệ khác nhau.
Chính phủ, Bộ TN&MT và các Bộ chuyên ngành khác đang tạo ra cơ sở pháp lý cho các công nghệ mới phát triển. Chúng ta đã có gần 10 năm ban hành tiêu chuẩn túi ni lông. Đây thực chất là màng plastic, càng dầy thì càng sử dụng nhiều lần, nhưng đồng nghĩa với chi phí sản xuất lớn. Để sản xuất ra 1 kg túi ni lông, ước tính chi phí là 30 - 40.000 đồng. Sản xuất càng mỏng thì làm được càng nhiều túi, trở nên phổ biến với các gia đình, túi rác ni lông thải ra cũng tăng. Do đó, cần tiêu chuẩn sản xuất túi ni lông với độ mỏng nhất định, giúp túi được sử dụng nhiều lần hơn và ít thải ra môi trường hơn.
Hiện, Hà Nội và nhiều nơi tại Việt Nam đang chuyển từ 3R sang 5R, trong đó có 1R là trách nhiệm của nhà sản xuất, của người tiêu dùng. Sắp tới đây, luật môi trường mới sẽ đưa vào khái niệm kinh tế tuần hoàn, với công cụ chính sách buộc người tiêu dùng, nhà sản xuất có trách nhiệm hơn trong việc tận dụng các vật liệu đã qua sử dụng.
Cần tiêu chuẩn sản xuất túi ni lông giúp túi được sử dụng nhiều lần và ít thải ra môi trường hơn. Ảnh: MH |
PV: Hiện nay đang có những công nghệ tái chế nhựa nào được sử dụng phổ biến, thưa ông?
Ông Đỗ Thanh Bái:
Hiện chúng ta đang có 3 công nghệ tái chế chính. Công nghệ tốt nhất như các nước tiên tiến đang làm là thu gom, làm sạch, phân loại theo từng loại nhựa và chuyển hoá thành hoạt chất căn bản, ví dụ như từ chai nhựa thành sợi polyester.
Thứ hai là làm sạch lại, băm ra thành mảnh nhựa nhỏ, nhựa nguyên sinh, sau đó cho vào máy đùn để ép ra sản phẩm khác. Nhưng với nhựa y tế sẽ khó khăn hơn, khi cho vào máy đun thì mức nhiệt có thể không đủ để diệt hết vi trùng, mầm bệnh, nên cần có sự kiểm soát chặt.
Công nghệ thứ 3 là biến chất thải nhựa thành một phần của vật liệu xây dựng, trong đó có bê tông, hiện, TP.HCM đang áp dụng công nghệ này.
PV: Làm thế nào để người dân nắm rõ tác hại của chất thải nhựa và thay đổi thói quen sử dụng, thưa ông?
Ông Đỗ Thanh Bái:
Tôi thấy ở nước ngoài làm đơn giản hơn mình, ví như khi mua bia uống hết người dân chỉ cần thả vào các thùng của siêu thị để lấy lại tiền đặt cọc. Điều này cũng tương tự như giấy báo hay các vật liệu khác. Vậy làm thế nào để khuyến khích người dùng, chúng ta phải giúp người dân nắm rõ tác hại của chất thải nhựa với môi trường và sức khỏe con người.
Người dân có thể không biết tác động của rác thải nhựa với môi trường, nhưng người dân rất quan tâm tới tác động sức khỏe, người bán hàng sẽ giải thích cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng cần quy định các mức độ trên nhãn sản phẩm nêu rõ tác hại và tác động của vật liệu nhựa đối với môi trường.
Các cơ quan quản lý cần nâng cao ý thức cho người dân. Nhưng để truyền tải cho học sinh, người dùng thì chúng ta không thể sử dụng từ ngữ khoa học mà bằng hình ảnh dễ hiểu dễ nhớ. Để làm điều đó cần hệ thống, từ Bộ Khoa học và Công nghệ, tới Bộ Công Thương liên kết để làm việc này.
PV: Theo ông, Nhà nước đóng vai trò như thế nào trong việc triển khai các giải pháp chống rác thải nhựa?
Ông Đỗ Thanh Bái:
Nhà nước nên đóng vai trò điều tiết, trong đó kiểm soát tiêu chuẩn, bởi người tiêu dùng chỉ biết nghe bên phân phối sản xuất và cơ quan chức năng. Do đó, chúng ta cần minh bạch trong xây dựng tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, đặc biệt đối với hàng tái chế.
Ngoài ra, khi Nhà nước đồng ý cho sản phẩm bán ra, thì phải có chính sách để khuyến khích và nâng cao nhận thức người tiêu dùng.
Tôi cho rằng chúng ta đang quá chú trọng khi nhìn vào mặt xử lý chất thải, trong khi vấn đề chính là quản lý sản phẩm từ nhựa. Điều này đòi hỏi Chính phủ, các cơ quan truyền thông, các nhà bán lẻ... cần tuyên truyền cho người sử dụng hiểu rõ cách sử dụng hiệu quả sản phẩm từ nhựa, trong đó, trước tiên là hạn chế thải sản phẩm nhựa.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!