Sức sống mới ở một xã anh hùng
(TN&MT)- Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) được biết đến là một trong những cái nôi của cách mạng vùng Tây Nam Bộ. Khi xưa, nơi đây đã ghi dấu nhiều chiến công vẻ vang của quân và dân tỉnh Cần Thơ cũ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Hôm nay, trong không khí rộn ràng, náo nhiệt, háo hức chuẩn bị đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu đầu tiên của huyện, lại thấy đâu đây sức sống mới trên quê hương lịch sử anh hùng
những cung đường thay áo mới
Vào những ngày cuối tháng tám, tôi có dịp về thăm xã Thạnh Xuân. Hòa vào không khí đón Tết Độc lập năm nay, chính quyền xã cùng người dân đang tất bật quét dọn, cắt tỉa chỉnh chu từng líp hàng rào cây xanh, hoa kiểng; treo cờ Tổ quốc trên các trục đường, ngõ xóm để tạo không khí vui tươi phấn khởi trong ngày trọng đại ý nghĩa của Quốc gia và cũng là dịp xã nhận quyết định đạt danh hiệu NTM kiểu mẫu.
Đang loay hoay hướng dẫn trang trí hội trường, khu trưng bày các thành tựu nổi bật của xã để chuẩn bị cho buổi lễ công bố xã NTM kiểu mẫu, gặp chúng tôi, sau vài câu chào hỏi xã giao, ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân phấn khởi cho biết: “Một trong những điểm nổi bật của xã Thạnh Xuân trong quá trình về đích xã NTM kiểu mẫu là cảnh quan môi trường nơi đây đã có sự chuyển biến rõ rệt thể hiện qua từng khu dân cư xóm, ấp cho đến những cung đường sáng, xanh, sạch, đẹp. Vào thời điểm này, dọc hai bên tuyến đường So Đũa Lớn dẫn vào trung tâm xã Thạnh Xuân nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc thắm, nổi bật nhất là những khóm hoa quỳnh anh đang vào độ trổ bông vàng rực.
Dưới ánh nắng ban mai, bà Hoàng Ngọc Lan (ấp So Đũa Lớn, xã Thạnh Xuân) vừa cặm cụi nhổ cỏ ven đường vừa chia sẻ: “Cách nay vài năm, hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền xã, bà và nhiều người dân đã ra sức trồng các loại cây xanh, hoa kiểng dọc theo tuyến đường So Đũa Lớn. Khi hoa kiểng đơm bông, chính quyền xã lắp đặt thêm hệ thống đèn chiếu sáng công cộng và các bảng phano tuyên truyền trực quan về xây dựng nông thôn kiểu mẫu. Giờ đây, tuyến đường So Đũa Lớn đã đáp ứng đủ các tiêu chí về sáng, xanh, sạch, đẹp và là điểm nhấn đối với du khách thập phương mỗi khi đến với xã Thạnh Xuân”.
Theo bà Lan, tuyến đường ấp So Đũa Lớn hiện nay giống như bộ mặt của xã, do đó chính quyền và người dân luôn quan tâm, chăm chút chỉnh sửa từng tí một để làm sao cho cây xanh, hoa kiểng phát triển xanh tốt. Hàng ngày người dân trên tuyến đường này thường xuyên tưới nước, bón phân, nhổ cỏ dại và cứ khoảng một tháng lại cùng nhau quét dọn, rải vôi diệt rong rêu bám mặt đường, cắt tỉa cây xanh đảm bảo cho tuyến đường luôn sáng, xanh, sạch, đẹp, thông thoáng, an toàn cho các phương tiện lưu thông.
Không chỉ quan tâm làm đẹp các tuyến đường mà người dân nơi đây còn chú trọng bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động thu gom, phân loại, xử lý rác thải trong sinh hoạt hàng ngày cũng như chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Trước đây, các loại rác thải phát sinh hầu hết người dân đều vứt xuống kênh rạch hay gom lại đốt phía sau nhà, nhưng nay, nhờ tham gia các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường, người dân không những biết phân biệt từng loại rác thải mà họ còn biết tận dụng rác thải ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Những năm trước đây, ông Nguyễn Ngọc Hà cũng như bao người dân khác không để ý đến những tác hại của rác thải là chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường đất, nước, không khí, nên sau khi sử dụng thường vứt bên bờ kênh hoặc bụi cây. Tuy nhiên, với sự tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền xã, Hội Nông dân, ông Hà biết được những tác hại của bao gói thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường nếu không xử lý đúng cách. “Khoảng 4 năm trở lại đây, mỗi khi sử dụng xong thuốc bảo vệ thực vật tôi thường gom lại bỏ vào hố lưu chứa. Không chỉ thế, ngày nào đi ra thăm vườn tôi cũng mang theo một cái bao để nhặt những chai lọ, bao gói đã sử dụng còn sót trên bờ, dưới kênh rạch góp phần bảo vệ môi trường”- ông Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ.
Từ no ấm đến xanh, sạch cho tương lai
Hiện nay, người dân xã Thạnh Xuân đang đẩy mạnh áp dụng các biện pháp canh tác thân thiện với môi trường. Hầu hết diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Thạnh Xuân đều canh tác theo phương thức “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Điều này không chỉ hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí mà còn giúp người dân giảm chi phí đầu tư, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Theo ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân: Trong thời gian qua được quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Hậu Giang cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị xã Thạnh Xuân trong việc triển khai các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, qua đó chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện. Nếu như năm 2020 thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 68,1 triệu đồng/người/năm thì sau khi về đích xã NTM kiểu mẫu (8/2023) thu nhập của người dân đã tăng lên hơn 72,5 triệu đồng/người/năm. Không chỉ thế, 6/9 ấp thuộc xã đã xóa trắng hộ nghèo; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đến đầu năm 2023 chỉ còn 1,81% (tương đương 51 hộ) và không có trường hợp nào tái nghèo.
Theo kế hoạch của UBND xã Thạnh Xuân, trong năm 2023, địa phương này sẽ giúp 18 hộ dân thoát nghèo bền vững và kiên quyết không để hộ dân nào tái nghèo. “Để hoàn thành mục tiêu này, từ đầu năm đến nay, UBND xã đã chỉ đạo cho các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tập trung hỗ trợ cây, con giống cho các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình đồng thời mở các lớp đào tạo nghề giúp hộ nghèo có việc làm ổn định, tăng thu nhập hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững” - ông Việt cho biết thêm.
Huyện Châu Thành A đang ra sức thực hiện các tiêu chí để được công nhận huyện NTM nâng cao vào cuối năm 2024. Để nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ này, ưu tiên hàng đầu của huyện là tập trung giảm nghèo bền vững. Theo báo cáo của UBND huyện Châu Thành A, năm 2022, huyện đã giúp 395 hộ thoát nghèo, vượt hơn 0,7% so với chỉ tiêu được giao. Đầu năm 2023, toàn huyện còn 648 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, chiếm tỷ lệ 2,42%. Đến cuối năm 2023, địa phương này phấn đấu sẽ giúp 209 hộ thoát nghèo.
Ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A phấn khởi cho biết: Thạnh Xuân là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Với những thành tựu đã đạt được, Thạnh Xuân trở thành tấm gương tiên phong đồng thời cũng là động lực để xã khác trên địa bàn huyện phấn đấu sớm hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu.