Xây dựng lối sống xanh
Ông Lê Văn Phú - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tây Giang cho biết, trước đây, người dân thường có thói quen vứt rác bừa bãi xuống sông suối, kể cả những loại rác thải như túi ni lông, các đồ dùng phế thải khiến cho môi trường sống ô nhiễm, thì nay những hình ảnh đó đã không còn nữa.
Từ đầu năm 2021, ngành môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng thí điểm 15 lò đốt rác thủ công tại 15 khu dân cư trên địa bàn đang bức xúc về môi trường. Để triển khai thực hiện, cán bộ của phòng đã xuống tận thôn vận động người dân không vứt rác bừa bãi; hướng dẫn cách thu gom, phân loại rác thải trước khi đem ra lò đốt.
Theo ông Phú, để việc triển khai thu gom, đốt rác hiệu quả, các xã đã thành lập các tổ thu gom, xử lý rác ở từng thôn. Mỗi tổ khoảng 10 người và thay phiên nhau làm. Rác sau khi đốt được tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Những loại rác vô cơ (chai, lọ nhựa...) được tập hợp lại bán phế liệu.
Chính quyền các xã, thôn cũng vận động người dân thực hiện tốt việc đóng phí vệ sinh môi trường theo Quyết định số 22 ngày 19/9/2017 của UBND tỉnh. Số tiền này, một phần chi trả công cho các thành viên trong tổ thu gom, xử lý rác. Nhờ vậy, môi trường sống của bà con ở các bản làng của Tây Giang những năm qua có nhiều thay đổi đáng kể theo chiều hướng tích cực.
Thực hiện cuộc vận động “người Cơ Tu dùng đồ truyền thống - Nói không với rác thải nhựa”, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tây Giang phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” đến từng hội viên phụ nữ, người dân trên địa bàn 10 xã của huyện. Các cơ sở hội ở từng xã, thôn cũng chủ động xây dựng, đăng ký thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường và nhân rộng trên địa bàn, như Hội Liên hiệp phụ nữ xã A Vương với mô hình đan các túi, giỏ bằng mây tre; xã Dang trồng lá lớ, chuối rừng; xã Lăng với mô hình trồng lá dong… Khuyến khích hội viên là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, tiểu thương buôn bán tại các chợ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi ni long như túi giấy, túi vải, các loại giỏ bằng mây, tre...
Theo bà con, đồng bào Cơ Tu trước đây sống dựa vào thiên nhiên, tận dụng mọi nguyên liệu tự nhiên để làm ra nhà cửa, giường, kệ cả chiếc ly để uống nước… Khi kinh tế phát triển, đồ nhựa mới có, mới dùng. Chính vì thế, nói không với rác thải nhựa không chỉ bảo vệ môi trường mà còn vừa giữ được nét văn hóa truyền thống của đồng bào.
Ông A Lăng Sen, Trưởng thôn Ta Lang, xã Bha Lêê, huyện Tây Giang chia sẻ: Bà con đã ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường, để tạo thiện cảm với du khách ngay từ đầu, đồng thời giữ gìn cho thôn bản còn nét hoang sơ, trong lành vốn là thế mạnh để phát triển du lịch nơi đây. “Việc hạn chế, nói không với rác thải nhựa không chỉ tạo sự thiện cảm, đảm bảo môi trường sạch sẽ cho du khách khi đến với Tây Gang mà về lâu dài cũng là để giữ gìn, bảo vệ môi trường tự nhiên, hoang sơ, trong lành vốn là thế mạnh để phát triển du lịch nơi đây.”- già làng cho biết.
Hướng đến việc phân loại rác thải
Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBDN huyện Tây Giang cho biết, thời gian qua địa phương luôn tập trung cho công tác xây dựng môi trường xanh – sạch và bền vững để bảo vệ sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng cao. Hàng năm, địa phương đều xây dựng các phương án xử lý rác thải sinh hoạt ở các khu vực trung tâm, nơi có xe chuyên dụng vào được để thu gom đến khu vực xử lý rác của huyện. Còn những địa bàn không nằm ở trục đường chính, giao thông chia cắt, xe thu gom rác chuyên dụng không thể vào được thì xây dựng phương án xử lý tại chỗ.
Tây Giang là một trong những địa phương đang trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, mà cái khó thực hiện nhất là tiêu chí số 17 về môi trường. Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, các xã triển khai thực hiện tốt tiêu chí này. Vừa qua, địa phương đã triển khai hỗ trợ xây dựng 15 lò đốt rác thủ công tại 15 khu dân cư bước đầu đã mang lại hiệu quả trong việc phân loại, thu gom và xử lý tại chỗ.
Về lâu về dài, địa phương tính đến phương án nhân rộng các mô hình phân loại rác thải. Trước đây, địa phương đã có Trạm xử lý rác thải hữu cơ xã Atiêng để phục vụ việc phân loại rác thải tại nguồn. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tiến hành cấp phát 500 thùng rác (loại 20 lít) cho 250 hộ và 14 thùng rác (loại 200 lít) cho các cơ quan, đơn vị để phục vụ phân loại rác thải tại xã Atiêng và Trung tâm hành chính huyện. Tuy nhiên, phong trào không duy trì được lâu do bà con chưa thấy được lợi ích của việc phân loại rác thải tại nguồn.
Do vậy, thời gian tới, bên cạnh phong trào giảm thiểu rác thải nhựa, địa phương tiếp tục tuyên truyền, đổi mới nâng cao nhận thức cho bà con về phân loại rác thải tại nguồn. Tuy nhiên đây là chặng đường còn khá dài đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và các đoàn thể cũng như sự chung tay của bà con.
“Chúng tôi sẽ giao cho phòng Tài nguyên Môi trường và Hội Liên hiệp phụ nữ huyện phối hợp để quản lý vận hành các lò đốt rác nhưng quan trọng nhất vẫn là việc phân loại rác tại nguồn. Nếu không phân loại, không tính toán thì hoạt động xử lý rác thải cũng sẽ không hiệu quả. Hội liên hiệp phụ nữ các cấp phải đóng vai trò quan trọng trong công tác gần dân, bám dân từng bước thay đổi nhận thức của bà con về phân loại rác thải tại nguồn”- ông Linh cho hay.