An ninh trật tự

Quảng Nam: Phá rừng làm đường dây điện cao thế

Lan Anh 29/02/2024 18:17

Để thi công Công trình Đường dây 110kV (giai đoạn 2) Thủy điện Tr’Hy xây dựng trên địa bàn hai huyện miền núi Tây Giang và Đông Giang (tỉnh Quảng Nam), đơn vị thi công đã tự ý chặt hạ cây rừng khi chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép.

Ngày 29/2, Công an xã Mà Cooih, huyện Đông Giang cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ chuyển Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Giang vụ việc có dấu hiệu hủy hoại rừng để thi công dự án 110kV (giai đoạn 2) Thủy điện Tr’hy.

Trước đó, trong quá trình tuần tra, kiểm tra tổ tuần tra rừng của Trạm quản lý bảo vệ rừng (Ban Quản lý rừng phòng Đông Giang) phối hợp với tổ cộng đồng thôn A Sờ, Kiểm lâm địa bàn xã Mà Cooih, Công an xã Mà Cooih dọc tuyến điện của dự án đường dây 110kV (giai đoạn 2) thủy điện Tr’hy đã phát hiện tại khoảnh 1, tiểu khu 157 thuộc thôn A Sờ, xã Mà Cooih có 15 cây gỗ bị chặt hạ trái pháp luật trong rừng sản xuất, thuộc lâm phận của UBND xã Mà Cooih quản lý.

pha-rung-1.jpg
1,7ha rừng tự nhiên với hơn 400 cây rừng tại Tây Giang (Quảng Nam) đã bị đơn vị thi công đường dây điện cao thế 110kV (thủy điện Tr'Hy) đốn hạ.

Sau đó, lực lượng chức năng tiếp tục mật phục và theo dõi và phát hiện nhóm đối tượng 16 người là công nhân của Công ty thủy điện Tr’hy, huyện Tây Giang đã lén lút vào rừng để chặt hạ cây trái pháp luật tại 3 vị trí. Tổng cộng nhóm đối tượng đã khai nhận có chặt hạ trái pháp luật 79 cây với khối lượng gỗ hơn 10,5m3 tại 3 địa điểm.

Cũng liên quan đến việc thi công dự án đường dây 110kV (giai đoạn 2) thủy điện Tr’hy tại các xã Atiêng, Dang, Lăng thuộc địa phận huyện Tây Giang, lực lượng chức năng đã phát hiện đơn vị thi công đã phá rừng với tổng diện tích bị thiệt hại hơn 1,7 ha, trong đó quy hoạch rừng phòng hộ hơn 9.850m2; quy hoạch rừng sản xuất gần 8.062m2. Tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại lên đến hàng trăm mét khối với hơn 400 cây rừng bị chặt hạ.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Tây Giang cho rằng, để xảy ra vụ phá rừng này, trách nhiệm thuộc về BQL rừng, Hạt kiểm lâm huyện và UBND các xã nơi xảy ra vụ việc (3 xã Atiêng, Dang, Lăng). Hiện vụ việc đang trong quá trình thụ lý, BQL rừng phòng hộ Tây Giang phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện xác định các vi phạm để xử lý.

“Diện tích rừng bị phá quy mô lớn, tính chất phức tạp nên Hạt kiểm lâm huyện Tây Giang đã hủy quyết định xử phạt hành chính, lập hồ sơ, chuyển cho cơ quan Công an điều tra vụ việc. Xử lý trách nhiệm của các cá nhân liên quan sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm và diện tích gây thiệt hại rừng.”- ông Sinh cho hay.

pha-rung-4-1-.jpg
Lực lượng chức năng kiểm đến số cây rừng bị đốn hạ

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: Qua làm việc với BQL nhà máy thủy điện Tr’Hy cho hay, mục tiêu không phải lấy gỗ mà khi làm con đường để vận chuyển nguyên vật liệu làm trụ điện thì có xâm hại đến rừng. Do đó, ông Lượm cho rằng đây là hành vi xâm phạm, hủy hoại rừng chứ không phải là khai thác rừng trái phép. Việc khai thác rừng để lấy gỗ là hoàn toàn không có. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.

Đây là vụ phá rừng quy mô lớn, xảy ra trên địa bàn rộng, hiện nay, cơ quan chức năng tiếp tục thống kê diện tích bị phá để thi công đường dây tải điện dù chưa được cấp thẩm quyền cho phép. Khu vực rừng bị phá đều là rừng phòng hộ, được giao khoán bảo vệ.

Dự án thủy điện Tr'Hy có công suất 30 MW, được khởi công năm 2008, đến nay đã hoàn thành phần cơ bản nhưng chưa được đưa vào vận hành, phát điện. Nguyên nhân là do chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tài chính và Phát triển Năng lượng đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi hơn 2.000m2 rừng tự nhiên sang đất khác để thi công đường dây truyền tải điện 110kV (giai đoạn 2), đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Phá rừng làm đường dây điện cao thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO