Sơn La: Ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về khoáng sản

Nguyễn Nga| 26/05/2020 14:05

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định số 1021/QĐ-UBND ngày 20/5/2020, về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh để thay thế Quyết định số 1590/QĐ-UBND ngày 14/6/2017 trước đó.

Quản lý hoạt động khoáng sản của tổ chức, cá nhân, Sở TN&MT là cơ quan đầu mối, chủ trì thanh tra chuyên ngành về khoáng sản

Quy chế này quy định về nguyên tắc, phương thức, nhiệm vụ, trách nhiệm chủ trì và phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và các vấn đề liên quan đến hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Việc thực hiện quy chế phối hợp nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết nhanh, kịp thời thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, đảm bảo đúng quy định, tiết kiệm thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân, cơ quan chủ trì thực hiện thủ tục hành chính và các cơ quan phối hợp; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư hoạt động khoáng sản. Khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chỉ đạo chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ. Đảm bảo việc phối hợp nhanh, kịp thời trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, không tạo ra kẽ hở trong quản lý Nhà nước về khoáng sản, gây thất thoát khoáng sản và nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

UBND tỉnh giao cho từng sở, ngành liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để tham mưu thực hiện nhiệm vụ.

Việc thực hiện quy chế phối hợp nhằm đảm bảo việc phối hợp nhanh, kịp thời trong thực hiện nhiệm vụ, không tạo ra kẽ hở trong quản lý Nhà nước về khoáng sản

Theo đó, công tác tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực khoáng sản, Sở TN&MT là cơ quan chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến và tổng hợp trình UBND tỉnh ban hành; có trách nhiệm cập nhật và điều chỉnh kịp thời, phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương và phù hợp theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Sở Tư pháp là cơ quan thẩm định trước khi trình UBND tỉnh ban hành.

Công tác lập và thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan lập, tổ chức thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng ở khu vực được Bộ TN&MT khoanh định và công bố; bãi thải các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng đã đóng cửa mỏ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan lập, tổ chức thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản sau khi được phê duyệt theo thẩm quyền.

Đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, Sở TN&MT chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước với khoáng sản chưa khai thác. Chủ trì việc xác định và công bố các khu vực có tài nguyên khoáng sản gửi các đơn vị liên quan để lập kế hoạch giám sát, quản lý, bảo vệ. Chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức về quy định của pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản.

Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nắm tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng, mua bán, vận chuyển khoáng sản; lập biên bản vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, xử lý theo thẩm quyền; tham gia phối hợp để giải tỏa các hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

UBND cấp huyện chủ trì phổ biến và triển khai Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc được báo tin xảy ra trên địa bàn. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý trong trường hợp không ngăn chặn được. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài, gây bức xúc dư luận.

UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện và thực hiện các giải pháp ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện; trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo UBND cấp huyện để giải quyết theo quy định; định kỳ 6 tháng báo cáo tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác về UBND huyện. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản, các quy định của tỉnh đến thôn, bản, tổ dân phố và yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân thực hiện cam kết không tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép.

Công tác khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; khoanh định khu vực đấu giá và kế hoạch đấu giá quyền khai thác… do Sở TN&MT chủ trì thực hiện.

UBND tỉnh giao các đơn vị triển khai thực hiện quy chế, trước ngày 15/2 của năm sau, báo cáo kết quả thực hiện của năm trước.

Quản lý hoạt động khoáng sản của tổ chức, cá nhân, giao Sở TN&MT là cơ quan đầu mối, chủ trì thanh tra chuyên ngành về khoáng sản; kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền. Chủ trì kiểm tra các loại sổ sách, chứng từ, tài liệu làm căn cứ xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế. Kiểm tra lắp đặt trạm cân điện tử và camera giám sát tại mỏ…

Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; chủ trì kiểm tra hoặc phối hợp với Sở TN&MT thanh tra hoạt động khoáng sản; chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, công nghệ, an toàn vệ sinh trong khai thác mỏ và chế biến khoáng sản…

Sở Công thương chủ trì chịu trách nhiệm kiểm tra vật liệu nổ công nghiệp; giám sát kỹ thuật an toàn nổ mìn trong khai thác khoáng sản. Công an tỉnh có trách nhiệm kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; nắm tình hình hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản; kiểm tra công tác chấp hành bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khi có dấu hiệu vi phạm…

Trong công tác thanh, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và xử lý các vấn đề phát sinh trong hoạt động khoáng sản, Thanh tra tỉnh là cơ quan chủ trì xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra đối với các hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân.

Hàng năm các ngành xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực quản lý không quá 1 lần trong năm đối với 1 điểm mỏ hoạt động khoáng sản, trừ trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của tổ chức, công dân, cơ quan báo chí hoặc được cấp có thẩm quyền giao thanh tra, kiểm tra đột xuất.

UBND tỉnh giao Sở TN&MT theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện theo chức năng nhiệm vụ tại Quy chế. Trước ngày 15/2 của năm sau, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp năm trước, báo cáo kết quả với UBND tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO