Khoáng sản

Giải quyết hồ sơ hoạt động khoáng sản đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình

Lan Chi 20/07/2024 12:08

(TN&MT) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Khoáng sản Việt Nam đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 3 Giấy phép thăm dò, 14 Giấy phép khai thác khoáng sản (trong đó có 4 giấy phép gia hạn), 3 Quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ và 5 Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản (trong đó có 2 Quyết định cho phép trả lại một phần diện tích khai thác, đóng cửa mỏ đối với diện tích trả lại).

Đó là một trong những kết quả của công tác quản lý cấp phép khoáng sản trong 6 tháng đầu năm nay.

Theo ông Trần Phương, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, công tác thẩm định, giải quyết hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản luôn bám sát và tuân thủ theo quy định của Luật Khoáng sản, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; đảm bảo chặt chẽ, tuân thủ quy định của pháp luật.

khoang-san.jpg
Giải quyết hồ sơ hoạt động khoáng sản đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình

Việc cấp phép hoạt động khoáng sản căn cứ vào quy hoạch, chiến lược khoáng sản; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khoáng sản trong việc lấy ý kiến bằng văn bản về khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản; hiện trạng quy hoạch, quản lý rừng tự nhiên, đảm bảo quy định về bảo vệ, phát triển rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp và chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Cũng trong 6 tháng qua, công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép tiếp tục thực hiện theo Quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường được ban hành tại Quyết định số 1807/QĐ-BTNMT ngày 4/7/2023.

Bên cạnh đó, việc công khai, minh bạch hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản được thực hiện tại Văn phòng “Tiếp nhận và Trả kết quả” của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả đối với các hồ sơ hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo hình thức dịch vụ công trực tuyến một phần.

Thực hiện nhiệm vụ do Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường giao triển khai thực hiện các cơ chế đặc thù về khai thác vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án giao thông trọng điểm theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ, Cục Khoáng sản Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các địa phương có dự án để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Công văn đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và triển khai các dự án khai thác khoáng sản.

Lãnh đạo Cục đã tham gia Tổ công tác do Bộ Giao thông vận tải chủ trì làm việc với các một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để trực tiếp giải quyết các khó khăn vướng mắc. Trường hợp các địa phương phát sinh thêm các khó khăn, vướng mắc, Cục sẽ xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời.

Trong thực hiện thẩm định hồ sơ hoạt động khoáng sản, Cục đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường Công văn báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ liên quan đến vướng mắc trong việc sử dụng Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để cấp phép hoạt động khoáng sản than; Công văn báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc chồng lấn giữa ranh giới cấp phép thăm dò than với quy hoạch rừng phòng hộ, rừng trồng trong việc cấp phép thăm dò khoáng sản than tại tỉnh Quảng Ninh.

Ngoài ra, báo cáo toàn diện về hoạt động khoáng sản tại mỏ than Uông Thượng và kiến nghị của Công ty Vietmindo Energitama theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 1555/GP-BTNMT năm 2009 gửi Văn phòng Trung ương Đảng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hiện trạng khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam và khảo sát tại tỉnh Lai Châu; đồng thời trả lời Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu về việc khai thác thử nghiệm công nghệ đất hiếm mỏ Đông Pao và trả lời Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện Kim, Công ty CP đất hiếm Lai Châu - Vinacomin về việc lấy mẫu quặng đất hiếm tại mỏ Đông Pao.

Đánh giá về kết quả thực hiện công tác quản lý cấp phép khoáng sản trong 6 tháng qua, Phó Cục trưởng Trần Phương cho biết, Lãnh đạo Cục đã phân công nhiệm vụ cụ thể và quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, trong đó có cấp phép hoạt động khoáng sản. Công tác tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ hoạt động khoáng sản đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, đảm bảo tiến độ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết hồ sơ hoạt động khoáng sản đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO