Khoáng sản

Đắk Nông ưu tiên khoáng sản làm VLXD cho công trình trọng điểm

Phạm Hoài (thực hiện) 23/07/2024 - 11:06

(TN&MT) - Trước những khó khăn trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường vì vướng quy hoạch bô xít, tỉnh Đắk Nông triển khai nhiều giải pháp và ưu tiên cho khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường theo đúng quy định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông.

a-yen-48-h2.png
Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

PV: Là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD thông thường đa dạng, ông có thể chia sẻ một số lợi thế về sự phân bố các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh?

Ông Lê Trọng Yên: Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 201 loại khoáng sản với trên 160 điểm và mỏ khoáng sản. Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đã có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo ra nguồn nguyên vật liệu phục vụ các dự án công trình trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật, góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Đắk Nông còn là tỉnh có tiềm năng tài nguyên khoáng sản đa dạng, trữ lượng lớn như bô xít, cao lanh, puzơlan, nước khoáng, đá quý...

Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng và ban hành các quyết sách lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tình. Điển hình là Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 15/11/2010 của Tỉnh ủy Đắk Nông về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Đắk Nông đến năm 2015, định hướng đến năm 2030.

PV: Quá trình triển khai thực hiện quy hoạch và cấp phép khoáng sản làm VLXD thông thường của địa phương có gặp khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

Ông Lê Trọng Yên: Theo Quy hoạch 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023, bô xít là khoáng sản đáng kể nhất của tỉnh Đắk Nông. Bô xít được phân bố trên 5 huyện, 1 thành phố, chiếm khoảng 1/3 diện tích tự nhiên của tỉnh - diện tích của Đắk Nông là gần 6.510km2. Tuy nhiên, do diện tích Quy hoạch bô xít quá rộng, chiếm đến hàng ngàn km2 nên luôn tồn tại, xen kẽ với các loại khoáng sản làm VLXD thông thường. Qua rà soát, tỉnh Đắk Nông đã xác định có 83/232 mỏ VLXD thông thường và đất làm vật liệu san lấp nằm lẫn trong vùng Quy hoạch bô xít (chiếm gần 36%).

Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền cấp phép các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường thuộc UBND cấp tỉnh. Trong khi đó, thẩm quyền cấp phép khai thác bô xít là của Bộ TN&MT. Hiện tại, phần lớn các mỏ VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh đều bị trùng với Quy hoạch bô xít ở các huyện: Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song và TP. Gia Nghĩa. Nếu không được quy hoạch cả mỏ VLXD thông thường tại các địa phương này thì 5/8 đơn vị cấp huyện không có vật liệu để phục vụ hoạt động xây dựng cơ bản.

Đáng kể nhất là các mỏ vật liệu san lấp, có tới gần 1/2 số mỏ nằm trong vùng Quy hoạch bô xít. Nếu các địa phương trên triển khai các dự án thì sẽ phải thu hồi bô xít, đồng thời, đưa đất từ nơi khác về đắp lấy mặt bằng. Nếu không khai thác các mỏ VLXD thông thường tại các địa phương này, sẽ dẫn đến gia tăng chi phí đầu tư xây dựng. Trước tình hình này, tỉnh Đắk Nông cũng đã họp bàn và xin ý kiến lãnh đạo các bộ ngành Trung ương cùng tìm phương án để sớm tháo gỡ cho địa phương có điều kiện để phát triển.

5b.jpg
Công tác quản lý, khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường luôn được tỉnh Đắk Nông chú trọng thực hiện.

PV: Hiện nguồn khoáng sản làm VLXD thông thường rất cần thiết để phục vụ các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Vậy, tỉnh có chính sách ưu tiên hay kế hoạch gì cho mục tiêu phát triển này?

Ông Lê Trọng Yên: UBND tỉnh Đắk Nông đã giao Sở TN&MT cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định, đáp ứng tiến độ, khối lượng của các dự án trên địa bàn; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn, không đủ điều kiện gia hạn, thiếu nguồn vật liệu cung cấp cho dự án; rà soát, nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công; thá´o gỡ cá´c khó´ khăn vướ´ng mắ´c liên quan đế´n dự án đầ`u tư và` khai thá´c vật liệu phục vụ cho dự á´n đố´i vớ´i cá´c khu vực có chồ`ng lấn bauxite.

Đồng thời, Sở TN&MT Đắk Nông khẩn trương rà soát, tổng hợp các dự án đang vướng mắc thủ tục pháp lý liên quan đến việc xác định giá đất cụ thể, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, để kịp thời giải quyết, tháo gỡ. Trong đó, ưu tiên cho dự án Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đang triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; tăng cường thanh, kiểm tra và quản lý chặt chẽ giá VLXD, đặc biệt là giá vật liệu tại các mỏ đang khai thác để không xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá, bán với giá cao hơn mức giá đã được các địa phương công bố. Trường hợp phát hiện tình trạng cố tình thông đồng, ép giá cao hơn so với giá đã công bố, Sở TN&MT phải có giải pháp mạnh như xử phạt, xem xét thu hồi giấy phép khai thác.

Việc khai thác, cung ứng VLXD thông thường cho các dự án đường bộ cao tốc, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu thực hiện nhất quán phương châm việc triển khai dự án đường cao tốc trên địa bàn là công trình của quốc gia, phục vụ lợi ích chung của cả nước và mang lại động lực, lan tỏa, thúc đẩy thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, các đơn vị, địa phương phải dành sự ưu tiên cao nhất về nguồn lực, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông, nhất là dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông ưu tiên khoáng sản làm VLXD cho công trình trọng điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO