Sẻ chia kinh nghiệm đưa những bản làng vươn lên đổi mới

Tuyết Chinh| 03/12/2020 10:56

(TN&MT) - Những năm qua, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt kinh tế của các vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhân dịp Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam lần thứ II năm 2020, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến Gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội.

Gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II. Ảnh: NDO

Năm gương mặt có độ tuổi, giới tính và nghề nghiệp khác nhau, đại diện cho các dân tộc Mường, Chứt, Sán Dìu, Ngái và Cống đã có những chia sẻ chân thực về những đổi thay của dân tộc mình. Đồng thời, nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình đối với Đảng, Nhà nước, đề xuất thêm những chính sách, hỗ trợ mới giúp các dân tộc cùng phát triển trong sự phát triển chung của đất nước.

Từng bước “thay da đổi thịt”…

Ông Lê Quang Nghìn, dân tộc Ngái, hộ nông dân sản xuất giỏi xóm Hồng Thái, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, được mệnh danh là “tỷ phú người dân tộc Ngái” chia sẻ, gia đình ông có năm đời theo làm kinh tế từ cây chè, trải qua các thời kỳ từ thời bao cấp làm cho HTX lấy công điểm, sau đó, chuyển sang giao đất cho dân canh tác…

Trước đây, việc canh tác gặp nhiều khó khăn, không thể dùng các trạm bơm để phát triển chè vụ Đông. Nhưng bây giờ, luân phiên các vụ hái lá chè tươi, sau đó, khi không có nước tưới thì hái nụ,… tận dụng tối đa. Nên cây chè mang lại công việc ổn định cho nhà nông, đạt 8 vụ/12 tháng.

Hiện, gia đình ông có 1,5 ha đất trồng chè. Ông thuê thêm người lao động 10 - 15 người để hái thủ công. Chè được phân loại theo giá trị và mang lại thu nhập quanh năm.

Ông Lê Quang Nghìn, dân tộc Ngái, hộ nông dân sản xuất giỏi xóm Hồng Thái, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên. Ảnh: NDO

Theo ông Nghìn, nghề làm chè rất vất vả, phải thực sự yêu nghề mới làm được. Tuy nhiên, đây là đặc sản của Tân Cương, không những du khách trong nước mà khách du lịch quốc tế qua vùng đều ưa chuộng. Ở xã Tân Cương, các hộ dân đều chăm chỉ làm chè nên đều khá giả, đều phát triển ngành chè, không làm theo ngành nghề khác.

Trao đổi tại buổi giao lưu về quá trình “thay da đổi thịt” từ một xã đặc biệt khó khăn vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới, ông Bùi Văn Đông, dân tộc Mường, Chủ tịch UBND xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ cho biết, Phượng Mao được mệnh danh là “xứ Mường” của huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, nơi có gần 85% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Năm 2015, Phượng Mao đã ra khỏi danh sách xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đã trở thành xã miền núi của Phú Thọ đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Đông chia sẻ, bước vào năm 2015, năm đầu của nhiệm kỳ Đảng bộ xã, thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ. Thời điểm đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần 10%, thu nhập bình quân đầu người khi đó chỉ vào khoảng 22 triệu đồng/người/năm. Căn cứ vào đặc thù của địa phương, Đảng bộ, chính quyền đưa vào nghị quyết của Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 mục tiêu đưa xã Phượng Mao đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ về phát triển kinh tế, xã Phượng Mao đã thực hiện nhiều mô hình, đặc biệt dựa trên tiềm năng, thế mạnh của xã là một xã thuần nông.

“Chúng tôi đã thành lập các hợp tác xã, các nhóm liên kết như: hợp tác xã rau an toàn, hợp tác xã bưởi, hợp tác xã chăn nuôi… và một số hợp tác xã liên doanh, sản xuất liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Từ đó, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, có nguồn gốc xuất xứ, các sản phẩm chăn nuôi dễ dàng tiêu thụ được, tăng được thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp. Qua đó, nâng cao được đời sống người dân đồng thời phát triển được kinh tế - xã hội”, ông Đông nói.

Ông Thăng Văn Báo, dân tộc Sán Dìu, người có uy tín, hộ sản xuất giỏi thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NDO

Ngoài việc cải thiện sản xuất nông nghiệp, Phượng Mao cũng chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt đào tạo nâng cao tay nghề để có thể tiếp cận với lĩnh vực công nghiệp và làm công nhân làm việc tại các cụm, khu công nghiệp, từ đó có thu nhập ổn định. Bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, xã Phượng Mao cũng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng.

Trong giai đoạn trước, vì nằm trong diện đặc biệt khó khăn nên xã cũng được nhà nước ưu tiên đầu tư một số hạng mục. Giai đoạn năm 2015 - 2020, phát huy các nguồn lực tại địa phương như giao đất, đấu giá đất, kết hợp với tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Phượng Mao đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm. Đến hết năm 2017, xã Phượng Mao được thẩm định là xã nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ và chính thức được công nhận ngày 22/12/2017.

“Đạt được kết quả như vậy là nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mường”, ông Đông khẳng định.

Một điển hình khác trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số là thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Từ năm 2011 đến nay, bộ mặt của thôn đã có nhiều khởi sắc và tháng 9/2020, thôn Muối vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020 tiêu biểu về mô hình vườn hộ gia đình trồng cây ăn quả.

Trưởng thôn Thăng Văn Báo, dân tộc Sán Dìu, người có uy tín, hộ sản xuất giỏi thôn Muối cho biết, hiện nay, bình quân thu nhập đầu người các hộ trong thôn đạt 56 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo giảm nhanh chỉ còn 2,5%. Tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Hiện, sản phẩm vải thiều của gia đình ông nói riêng và thôn Muối trồng ra không đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường.

“Để phát triển kinh tế, bản thân mình cũng phải không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Từ đó, mới tạo được ra sản phẩm có chất lượng cao, được thị trường đón nhận”, ông Báo chia sẻ.

…nhờ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước

Những đổi thay bộ mặt kinh tế của các vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là thành quả của quá trình phát triển, kết quả của công tác dân tộc, chính sách dân tộc và những nỗ lực vươn lên trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt trong giai đoạn 2010 - 2020. Qua đó khẳng định, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đã phát huy hiệu quả.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Ảnh minh họa

Ông Nghìn, dân tộc Ngái bày tỏ: “Tôi cũng như các đồng bào dân tộc thiểu số khác xin được bày tỏ sự biết ơn đến những chính sách của Đảng, Nhà nước đã giúp chúng tôi có thể ổn định sản xuất và có thu nhập ổn định. Đầu tiên là được tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ không lãi suất thông qua Ủy ban Dân tộc. Tiếp đến là chính sách tuyên truyền qua các kênh truyền thông bằng tiếng dân tộc, giúp người dân không nói được tiếng Kinh có thế tiếp cận thông tin, kiến thức. Bên cạnh đó là chính sách tập huấn, nâng cao kiến thức cho người dân”.

Đánh giá về tác động của  các chính sách của Đảng, Nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch xã Bùi Văn Đông (xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, đại diện dân tộc Mường) cho hay, trong giai đoạn xã được hưởng chính sách hỗ trợ xã đặc biệt khó khăn, xã được đầu tư về cơ sở hạ tầng; cấp thẻ BHYT; con em đi học tại các trường đại học, cao đẳng, mầm non được hỗ trợ kinh phí học tập; hỗ trợ mô hình kinh tế đồng bào dân tộc ở cơ sở…

“Các chính sách làm thay đổi bộ mặt của thôn, hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gặp khó khăn, hộ cận nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Từng bước đưa người dân, hộ nghèo được xóa đói giảm nghèo, tạo thu nhập, nâng cao đời sống người dân”, ông Đông nhìn nhận.

Tuy nhiên, sau khi xã ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn thì không còn được đầu tư nữa, chỉ còn một số khu được quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà văn hóa, quan tâm đến chính sách hỗ trợ bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc, bảo tồn về chữ viết, các đồ dụng cụ sưu tầm. Ông Đông cho rằng, hiện nay, các chính sách được hỗ trợ, đầu tư về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ BHYT, đồng bào đi học chỉ mang tính giai đoạn.

Do vậy, nếu muốn bền vững, ông Đông đề xuất Nhà nước phải hỗ trợ đầu tư, thành lập quỹ để bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc nói chung như: sưu tầm tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán lâu bền. Về lâu dài, cũng cần có nhiều chính sách hỗ trợ để nhằm bảo tồn văn hóa tuyền thống của đồng bào dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẻ chia kinh nghiệm đưa những bản làng vươn lên đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO