Rừng lặng

Phương Anh| 26/08/2021 13:01

(TN&MT) - Hổ và nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm khác vẫn tiếp tục bị giết hại mỗi ngày và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng nếu những niềm tin mù quáng của con người vào tác dụng của chúng còn tồn tại. Những cánh rừng sẽ trở thành “rừng lặng” nếu các loài động vật bị tách khỏi tổ ấm, trở thành những món lợi quái gở của nhân loại.

Tại Tọa đàm trực tuyến “Từ vụ tịch thu hổ nhìn lại việc kiểm soát nuôi nhốt, buôn bán và cứu hộ, bảo tồn hổ tại Việt Nam” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức ngày 24/8, Cơ quan Quản lý Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam cho biết, thống kê sơ bộ Việt Nam hiện có hơn 300 cá thể hổ đang được nuôi nhốt hợp pháp tại các trang trại, cơ sở nuôi nhốt và hộ gia đình. Tuy nhiên, số lượng hổ thực tế đang được nuôi nhốt tại Việt Nam có thể lớn hơn nhiều con số được thống kê, bao gồm cả các cá thể nuôi bất hợp pháp.

Vụ tịch thu 17 cá thể tại 2 hộ dân ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An vào rạng sáng 4/8, và trước đó là vụ tịch thu 7 cá thể hổ con vận chuyển trái phép từ Hà Tĩnh sang ghệ An tiêu thụ là một phần của bức tranh về tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã bất hợp pháp này.

Nhiều loài động vật bị săn bắt, buôn bán vì lợi ích cá nhân 

Từ nhiều năm nay, hổ bị nuôi nhốt, săn bắt, buôn bán chủ yếu để lấy xương làm cao vì nhiều người vẫn mù quáng tin rằng, nó có thể chữa được nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh về xương khớp. Trong khi đó, các cơ quan quản lý đều khẳng định, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng chữa bệnh của cao hổ. Những niềm tin vô căn cứ này đã và đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ, sử dụng cao hổ và tạo điều kiện cho những đối tượng buôn bán cao hổ trái phép lợi dụng để trục lợi, đẩy loài hổ đến gần hơn với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên.

Số phận 24 cá thể hổ được nhắc tới này chỉ là một phần nổi của "tảng băng chìm" trong thế giới ngầm buôn bán động vật hoang dã. Bởi thực tế, một số lượng lớn các loài động vật hoang dã quý hiếm khác cũng bị săn bắn tương tự. Không ai có thể biết một cách đầy đủ các loài có tác động như thế nào tới nhau trong cùng một hệ sinh thái nhưng sự biến mất của một loài sẽ gây nên phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng tới rất nhiều loài khác. Mỗi loài đều có những giá trị ẩn sâu bên trong. Việc làm biến mất một loài sinh vật trong những cánh rừng giống như xé đi những trang sách ra khỏi cuốn sách quý.

Dưới bàn tay can thiệp thô bạo của con người, hầu như tất cả các hệ sinh thái trên Trái đất đều biến đổi. Hệ lụy làm suy thoái tài nguyên và môi trường, suy thoái đa dạng sinh học làm nghèo đói tăng lên, nghèo đói lại gây áp lực lên môi trường sinh thái. Và cứ thế tiếp tục, luẩn quẩn theo “đường xoắn ốc đi xuống” của suy thoái sinh thái, mất đa dạng sinh học dẫn đến nghèo đói - nghèo đói lại sống trước đe dọa an toàn tự nhiên, kinh tế và đặc biệt là sức khỏe.

Diện tích rừng ngập mặn ở ĐBSCL đang suy giảm nghiêm trọng

Hôm nay, cả thế giới đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. Khi bị nhiễm Covid-19, y học đã chỉ ra lá phổi của người bệnh bị tàn phá nghiêm trọng ra sao. Nếu xem rừng - lá phổi xanh cung cấp oxy cho sự sống thì hãy nhìn những cánh rừng bị tàn phá khủng khiếp sẽ thấy chúng ta đang tự cầm kéo cắt đi một phần lá phổi - một phần sự sống của chính mình.

Rừng "ngã" - hóa thân thành những ngôi nhà gỗ kỳ vĩ và quy thành những đồng tiền nhuốm mùi lợi ích nhóm, những dự án được phê duyệt bằng sự “bôi trơn” mềm mại. Hệ quả là lũ xuất hiện với tần suất cao. Lũ như những con “thú rừng” bị chọc giận, tấn công và phá hủy tất cả khi chúng đi qua...

"Ăn của rừng rưng rưng nước mắt", câu nói vẫn vẹn nguyên triết lý nhân quả. Bởi vũ trụ - tự nhiên luôn có sự cân bằng hoàn hảo. Bất cứ ai phá vỡ sự cân bằng đó đều phải trả giá. Những cường quốc số một thế giới, nhà băng đầy tiền, vũ khí đầy kho, khoa học phát triển như vũ bão, vẫn đang lấm lưng, trắng bụng bởi đối thủ vô hình SARS-CoV-2. Đứng trước đại dịch Covid-19 mới thấy, mọi toan tính ích kỷ, vô cảm vun vén cho riêng mình, hay một nhóm lợi ích, dù có khôn ranh đến mấy, cũng không thoát khỏi sự giáng trả của tự nhiên.

Đại dịch chắc chắn sẽ qua, vấn đề là sớm hay muộn. Nhưng những gì nó giáng xuống thực sự là bài học sâu cay buộc nhân loại phải nghiêm túc để đổi thay ngay từ cách ứng xử với tự nhiên, phương thức kinh doanh, bảo vệ sức khỏe…, đến chuyển biến nội tâm và xếp lại thang giá trị trong mỗi con người.

Sẽ là quá muộn nếu để rừng lặng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng lặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO