Cuốn sách dày 208 trang, tập hợp 47 bài viết về văn hóa, nghệ thuật của họa sĩ Lê Thiết Cương trong 5 năm trở lại đây kèm theo nhiều hình ảnh của các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế như: Dương Minh Long, Hữu Bảo, Ngọc Thái, Trần Huy Hoan, Nguyễn Quốc Dũng, Đặng Xuân Trường, Eva Lindskog, Lawrence D’Attilio, John Ramsden …và một số do tác giả chụp. Phần lớn bài viết đã được đăng trên hai báo là Nhân Dân hàng tháng (chuyên mục Thấy) và Nghệ thuật mới.
Giới mời tham dự buổi ra mắt sách ảnh |
Lấy chất liệu từ đời sống hiện thực: từ một cái cổng làng, một ngôi chùa, một món ăn đến những bức ảnh, những bức tranh, những triển lãm… nhưng câu chuyện họa sĩ muốn gợi ra, nói tới lại chạm đến một hiện thực khác rộng hơn - hiện thực của lòng người, tâm tính con người trong sự đổi thay của đời sống. Ở đó những được- mất, sống còn, quá khứ- hiện tại cùng hiện ra. Mỗi bài viết là một câu trả lời đi đến một chân lý “Tất cả mọi con đường đều hướng tới một cái đích cao cả là sự thánh thiện”.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cuốn sách “giống như một cỗ máy thời gian” đưa người ta trở về với quá khứ… Họa sĩ Lê Thiết Cương nhìn thấy từ hiện thực cuộc sống những lãng quên, vô cảm, nông cạn, những tàn phá đối với vẻ đẹp trong đời sống văn hóa Việt.
Đây là cuốn sách thứ ba của họa sĩ Lê Thiết Cương, sau hai cuốn in chung “Ba người”- in cùng Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiến Dũng năm 2009, và “Nơi chốn đi và về”- in cùng Trần Tiến Dũng năm 2016.
Khải Minh