Môi trường

Quảng Nam: Trồng rừng gỗ lớn để thoát nghèo bền vững

Võ Hà 20/04/2023 - 15:02

Đối với địa phương có thế mạnh kinh tế rừng như tỉnh Quảng Nam, việc phát triển rừng gỗ lớn là hướng đi hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích, vừa giúp người dân phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường, phục hồi sự đa dạng sinh thái, điều hòa nguồn nước.

Tỉnh Quảng Nam có hơn 769.000 ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng. Hằng năm, số lượng gỗ rừng trồng phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu của tỉnh khoảng 1,45 triệu mét khối, góp phần tạo việc làm, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

go1.jpg
Việc phát triển rừng gỗ lớn là hướng đi hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích tại Quảng Nam

Ông Nguyễn Huy Cường (thôn Phú Quý 3, xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành) người có 4ha rừng gỗ lớn tại khu vực Gò Dúi với hơn 8.000 cây keo lai cho biết, gỗ rừng trồng đường kính còn nhỏ chỉ có thể bán để làm dăm gỗ cho nên giá trị khoảng 45 đến 50 triệu đồng/ha. Mức thu nhập này chỉ mới giúp người dân sống được với nghề trồng rừng chứ chưa thể làm giàu. Vì vậy, phải tìm cách nâng giá trị cây rừng để tương xứng với công sức, vốn đầu tư và tiềm năng của vùng đất.

“Ðược cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện tuyên truyền về trồng rừng gỗ lớn và từ kinh nghiệm trồng rừng của mình, tôi quyết định trồng rừng gỗ lớn có tỷ lệ sống cao, ít sâu bệnh, bán giá cao hơn”– ông Cường chia sẻ.

Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng bình quân hàng năm đạt khoảng 1.000.000m3, năng suất bình quân 70-75m3/ha/chu kỳ 5 năm. Trong khi đó, với chu kỳ rừng trồng gỗ lớn từ 10-12 năm, sản lượng bình quân có thể lên tới 250m3/ha, mang lại doanh thu bình quân từ 300-350 triệu đồng/ha, trong đó lợi nhuận tăng khoảng 18-25 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, trên cùng một diện tích rừng thì kinh doanh gỗ lớn với chu kỳ chỉ dài thêm 5-7 năm so với gỗ dăm nhưng mang lại giá trị rừng cao hơn gấp 2,5-3 lần.

Chính vì lợi ích này, những năm qua, song song với nhiệm vụ giữ rừng các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam như Nông Sơn, Nam Giang, Đông Giang…. tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn, xem đó là cơ hội để người dân cụ thể hóa chủ trương “lấy ngắn nuôi dài” trong phát triển lâm nghiệp. Điển hình tại huyện miền núi Nam Giang, năm 2022, ngoài cấp kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng cho các xã, thị trấn (380 triệu đồng/xã), địa phương huy động nguồn vốn, lồng ghép triển khai hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn nhằm đa dạng mục tiêu và hiệu quả phát triển lâm nghiệp bền vững, phát triển nền kinh tế xanh, đảm bảo thu nhập cho người dân vừa bảo vệ môi trường sống trước biến đổi khí hậu. Đến nay, tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn của Nam Giang đạt khoảng 669 ha.

Để thúc đẩy phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh Quảng Nam đã đã ban hành kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định 33/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ với kinh phí gần 600 tỷ đồng.

go2.jpg
Quảng Nam đang cung cấp số lượng lớn gỗ rừng trồng phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu

Thời gian tới, để việc trồng rừng gỗ lớn mang lại hiệu quả, giúp người dân có thu nhập từ rừng, tỉnh Quảng Nam tập trung một số giải pháp như: tuyên truyền nâng cao nhận thức; đẩy mạnh giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích quy hoạch là rừng sản xuất chưa được giao cho tổ chức, hộ gia đình tham gia trồng rừng gỗ lớn; nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ…

Ngoài ra, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, địa phương phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5 – 5,5%/năm; giá trị sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 5.600 tỷ đồng. Giá trị thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020 (bình quân 150 m3/ha/chu kỳ 10 năm); có ít nhất 20% diện tích (30.000 ha) rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của quản trị rừng quốc tế và phấn đấu đến năm 2030 diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng đạt ít nhất 30% diện tích, tương đương 45.000 ha.

Ông Hồ Quang Bửu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương sẽ có một chiến lược phát triển rừng gỗ lớn để phục vụ cho chế biến lâm nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh nghiên cứu xây dựng giống tốt, các địa phương và doanh nghiệp cần quan tâm đến việc nâng cao kiến thức và kỹ năng thâm canh, quy trình trồng rừng gỗ lớn, hướng đến mục tiêu tăng diện tích rừng trồng và diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Trồng rừng gỗ lớn để thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO