Quảng Nam: Gắn bảo vệ môi trường vào nếp sống người dân

24/07/2013 00:00

(TN&MT) - Những năm gần đây, Quảng Nam là một trong những địa phương luôn đi đầu trong việc bảo vệ môi trường (BVMT) ở nông thôn.

   
Những năm gần đây, Quảng Nam là một trong những địa phương luôn đi đầu trong việc bảo vệ môi trường (BVMT) ở nông thôn.
  Theo đề án Quản lý chất thải rắn các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, có 5 xã, thị trấn được triển khai thí điểm, gồm thị trấn Ái Nghĩa, Đại Hiệp (Đại Lộc), các xã Tam Hiệp (Núi Thành), Tiên Phong (Tiên Phước) và Phú Thọ (Quế Sơn). Mỗi tuần 2 lần, Công ty TNHH MTV Môi trường - đô thị Quảng Nam (đơn vị tổ chức thu gom) dùng xe cuốn ép rác chuyên dùng đến vận chuyển rác thải từ các điểm trung chuyển, tập kết của địa phương.
   
   
Quảng Nam phấn đấu đến năm 2015, sẽ nhân rộng mô hình quản lý chất thải rắn tại 50 xã điểm nông thôn mới.
    
   
  Đến nay, đơn vị thu gom xử lý rác thải nguy hại cho 1.750 hộ tại thị trấn Ái Nghĩa, xã Tam Hiệp 1.164 hộ, Đại Hiệp 1.700 hộ, Phú Thọ 1.200 hộ và xã Tiên Phong là 400 hộ. Bên cạnh đó, các địa phương còn đầu tư 474 thùng rác, xe kéo rác và bãi chứa rác thải nguy hại đồng ruộng… Tuy nhiên, lượng rác thải xả ra môi trường ngày càng nhiều, gây áp lực cho công tác thu gom. Tại thị trấn Ái Nghĩa có hơn 37 trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện quy mô 500 giường, 325 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, 19 trại chăn nuôi gia cầm, gia súc quy mô vừa, chưa kể các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. Ngoài ra, rác thải trên đồng ruộng định kỳ tuần/2 lần được thu gom. Mỗi hộ đóng 14 nghìn đồng/tháng cho chi phí thu gom rác thải. Ông Đinh Châu Trinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết, 100% lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn đã được xử lý, mô hình quản lý tổ hợp tác thu gom rác hoạt động hiệu quả. Đa số người dân đóng phí môi trường.
  Theo ông Trinh, mô hình xử lý rác thải đi vào nền nếp là nhờ địa phương đưa tiêu chí BVMT vào xét chọn gia đình văn hóa. Cuộc vận động “1 không, 3 có” ở xã Phú Thọ (“1 không” là không vứt rác thải, chất thải, súc vật chết ra môi trường; “3 có” là có thùng chứa rác hoặc dụng cụ đựng rác tại mỗi gia đình, xử lý rác thải, chất thải đúng quy định của Nhà nước; có hố xí hợp vệ sinh tại mỗi gia đình; có ý thức giữ gìn vệ sinh chung) có thể xem như một điển hình. Mặt khác, kết hợp với mô hình “5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. "3 sạch" là sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) của Hội Liên hiệp phụ nữ trong công tác BVMT. Đến nay, toàn xã Phú Thọ có 1.200/1.700 hộ và 8 tổ chức đăng ký tham gia phí BVMT.
  Các cấp chính quyền địa phương ở Quảng Nam cũng nhận thấy rằng, BVMT là một trong những tiêu chí quan trọng khi phát động xây dựng nông thôn mới. Quảng Nam cũng phấn đấu đến năm 2015, sẽ nhân rộng mô hình quản lý chất thải rắn tại 50 xã điểm nông thôn mới trong tỉnh.
  Bài và ảnh: Xuân Lam
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Gắn bảo vệ môi trường vào nếp sống người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO