Quản lý hoạt động khoáng sản ở Sơn La: Đẩy mạnh giám sát từ cơ sở

Nguyễn Nga| 13/01/2022 14:04

(TN&MT) - Để quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản. Song song đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra về hoạt động khoáng sản để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác trái phép.

Duy trì thường xuyên các Đoàn kiểm tra liên ngành

Trên địa bàn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La hiện có 22 điểm khoáng sản cát đã được quy hoạch. Trong đó, 9 điểm mỏ cát đã được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác bằng phương pháp lộ thiên; 5 điểm cát được cấp Giấy phép thăm dò; 8 khu vực cát chưa được thăm dò vừa được công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác.

Huyện Sông Mã từng là một trong những “điểm nóng” về khai thác cát trái phép. Chủ tịch UBND huyện Sông Mã Lò Văn Sinh cho biết: Ðể đảm bảo quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, huyện Sông Mã đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị liên quan thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp cứng rắn, quyết liệt. UBND huyện thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành chỉ đạo của các xã, thị trấn, đồng thời, duy trì Đoàn kiểm tra của huyện để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản trái phép; phát huy chức năng giám sát, quản lý và bảo vệ khoáng sản của các tổ chức chính trị - xã hội.

Qua đó, năm 2021, Sông Mã đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Trong năm, đã phát hiện, xử phạt 65 vụ việc với tổng tiền phạt trên 150 triệu đồng, với các hành vi vi phạm về khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản không rõ nguồn gốc…

UBND tỉnh Sơn La tổ chức ký cam kết giữa chủ các Giấy phép khai thác khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh.

Tại huyện Mai Sơn, hiện có 7 đơn vị khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Thị Hồng cho biết: Với quan điểm kiên quyết xử lý ngay từ khi mới phát hiện, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường.

Trong năm 2021, Đoàn liên ngành của huyện đã triển khai trên 30 lượt kiểm tra tại địa bàn các xã, thị trấn, tập trung tại các điểm tiềm ẩn nguy cơ khai thác khoáng sản trái phép tại xã Chiềng Lương, Chiềng Chung, Tà Hộc. Qua đó, kịp thời phát hiện, lập hồ sơ, trình Chủ tịch UBND huyện xử lý vi phạm hành chính 9 trường hợp lĩnh vực môi trường, nước, khoáng sản với số tiền trên 229 triệu đồng.

Năm 2021, Sở TN&MT đã tham mưu trình UBND tỉnh cấp 5 Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác với 7 điểm mỏ; xây dựng kế hoạch đấu giá với 13 điểm mỏ cát, đất sét, đá vôi. Đã kiểm tra, xử lý 4 vụ khai thác khoáng sản trái phép, gồm: khai thác mỏ sét Xum Côn - Nà Nghịu - Sông Mã; khai thác vàng tại Chiềng Chung - Mai Sơn, Mường Bám - Thuận Châu; khai thác talc tại Hồng Ngài - Bắc Yên. Trong đó, 1 vụ truy cứu trách nhiệm hình sự; 3 vụ xử phạt vi phạm hành chính với tổng tiền phạt trên 500 triệu đồng.

Tiếp tục siết chặt quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

Để tăng cường vai trò, trách nhiệm của các địa phương trong bảo vệ tài nguyên khoáng sản, năm 2021 là năm đầu tiên Sơn La triển khai ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh; đối thoại, ký cam kết giữa chủ các Giấy phép khai thác khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh. Đây được coi là một trong những giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả quản lý TN&MT trên địa bàn.

Theo Giám đốc Sở TN&MT Sơn La Nguyễn Đắc Lực, ngay sau khi ký cam kết, các huyện, thành phố đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản. Thành lập các tổ kiểm tra, đoàn thanh tra rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về khoáng sản; tiếp nhận, kiểm tra, xử lý các thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm pháp luật khoáng sản; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hoạt động khoáng sản trái phép hoặc có phép nhưng thực hiện chưa đúng/chưa đầy đủ các quy định.

Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Sơn La kiểm tra thực địa khu vực khai thác cát tại huyện Sông Mã.

Tại cấp tỉnh, Sở TN&MT cũng đã tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định về khoáng sản, bảo vệ môi trường, đất đai với tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản được cấp phép. Đồng thời, tập trung tháo gỡ, giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động khoáng sản như: khai thác than Suối Bàng - Vân Hồ, khai thác đồng bản Ngậm - Bắc Yên, khai thác đá trong quá trình san nền, tạo mặt bằng xây dựng công trình Khu công nghiệp Mai Sơn...

Qua đó, đã kịp thời phát hiện, xử lý một số hạn chế, vi phạm như: Khai thác không đúng trình tự, hệ thống khai thác; khai thác vượt ra ngoài ranh giới; vượt công suất được phép; lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác không đúng theo quy định; thực hiện quan trắc môi trường không đúng về tần suất, thông số đã được phê duyệt…

Năm 2022, tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai ký cam kết về tăng cường quản lý hoạt động khoáng sản giữa UBND tỉnh với UBND các huyện, thành phố và doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản. Cùng với đó, Sở TN&MT đang tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu điều chỉnh quy chế hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo hướng tăng cường trách nhiệm của các Sở, ngành, cấp huyện, cấp xã. Rà soát, khoanh định khu vực được phép khai thác, cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, hồ chứa… Tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý kiên quyết, triệt để các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép; mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản trong cán bộ, nhân dân địa phương.

Năm 2022, Sơn La đã triển khai ký 5 nội dung cam kết giữa chủ các Giấy phép khai thác khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, yêu cầu chủ các Giấy phép thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung theo Giấy phép; khai thác khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả. Chủ động khắc phục các hạn chế, vi phạm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong thực hiện thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản. Sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, vật liệu thân thiện với môi trường; ngăn ngừa giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; chủ động cải tạo phục hồi môi trường theo quy định...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý hoạt động khoáng sản ở Sơn La: Đẩy mạnh giám sát từ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO