Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường, nguồn nước trong chế biến cà phê
(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa có công văn số 5614/UBND-KT ngày 4/12/2024, về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước đối với hoạt động chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các phòng, Đội nghiệp vụ và Công an cấp huyện, xã tăng cường triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến cà phê, đặc biệt tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La.
Giao Sở TN&MT, UBND cấp huyện tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước đối với hoạt động chế biến nông sản, cà phê.
Sở TN&MT tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở chế biến nông sản, cà phê quy mô lớn. Đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ UBND các huyện, thành phố và các cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến nông sản, cà phê.
UBND các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp và thành phố Sơn La tăng cường hoạt động Đoàn kiểm tra/giám sát đối với hoạt động sản xuất và việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn.
Đặc biệt, thực hiện tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn, cương quyết đình chỉ hoạt động sản xuất, xử lý theo đúng quy định đối với các cơ sở không có các hồ sơ thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường, không có các công trình biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải đảm bảo quy định.
Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm từ hoạt động chế biến cà phê; tiếp tục rà soát, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường phù hợp tình hình thực tế; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Trường hợp xảy ra ô nhiễm, khẩn trương triển khai ngay các giải pháp ứng phó sự cố, khắc phục tình trạng ô nhiễm, phục hồi môi trường. Trường hợp xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, thiệt hại về môi trường, yêu cầu phải thực hiện trách nhiệm bồi thường, chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.
Đồng thời, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân (nếu có), đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến cà phê trên địa bàn quản lý. Thường xuyên theo dõi các kiến nghị, phản ánh về ô nhiễm môi trường do hoạt động chế biến cà phê trên các trang mạng xã hội (facebook, zalo...), kịp thời xác minh, xử lý nội dung phản ánh.