Thay đổi nhận thức
Bắt đầu từ thói quen, chị Nguyễn Thị Huyền, ở xóm 6, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn sử dụng lá chuối để gói thức ăn thay vì túi nilon như trước đây. Chị Huyền cho biết: “Cũng giống như nhiều hộ dân khác thường có thói quen sử dụng túi nilon để gói bọc thức ăn bỏ vào tủ lạnh, nhưng khi nhận thức ra tác hại của dụng cụ này nên đã bắt đầu thay thế bằng lá chuối. Không những đảm bảo vệ sinh mà việc sử dụng lá chuối để gói, bọc còn tiết kiệm được chi phí, không gây tác hại đến môi trường”.
Không chỉ riêng gia đình chị Huyền, nhiều hộ dân khác cũng thay đổi dần thói quen, thực hiện theo cách làm này. Phản ánh của người dân xã Sơn Trường từ khi phong trào nói không với rác thải nhựa được triển khai, qua các nội dung tuyên truyền do Hội thực hiện, được tai nghe, mắt thấy hậu quả mà những sản phẩm đồ nhựa như túi nilon…gây ra đã phần nào làm thay đổi nhận thức.
Bà Trần Thị Nhâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Trường cho biết: Ban đầu, khi mới triển khai phong trào chống rác thải nhựa, chúng tôi cũng gặp phải khó khăn là làm sao để thay đổi thói quen sử dụng túi nilon của mọi người. Trong các buổi sinh hoạt, các chi hội đã lồng ghép, đồng thời phân tích, chia sẻ cho hội viên hiểu tác hại của rác thải nhựa tới sức khỏe, môi trường. Đây cũng là nội dung mà Hội LHPN tỉnh, huyện quan tâm, hướng dẫn triển khai thực hiện”.
Được biết, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân hiểu về ý nghĩa của phong trào “chống rác thải nhựa”, xã Sơn Trường đã phối hợp các cấp Hội phụ nữ tổ chức hội nghị tuyên truyền, phát dụng cụ đựng rác tới các hộ dân. Qua chương trình, Hội LHPN huyện Hương Sơn cũng đã hướng dẫn các xã trên địa bàn triển khai nhân rộng cách làm.
Đánh giá hiệu quả từ phong trào do Hội LHPN thực hiện ở địa phương, ông Cao Mạnh Thường- Bí thư chi bộ thôn 6, xã Sơn Trường chia sẽ: “Nếu như trước đây chỉ qua tâm làm sao cho tiện lợi, nhanh gọn nhưng suy nghĩ đó giờ được thay đổi và người dân đã biết nghĩ cho sức khỏe, môi trường về lâu dài. Khu vực bờ suối thường là nơi xã thải, đặc biệt là các loại rác thải như bình thuốc bảo vệ thực vật, túi nilon…thì nay được tập trung theo hộ gia đình, phân loại rồi tổ chức thu gom…”
Bên cạnh đó, mô hình “Tổ liên gia thu gom rác thải” ở Hương Sơn đang được đánh giá là cách làm thiết thực, người dân thu gom túi nilon, rác thải nhựa trong các gia đình hội viên được tập hợp theo định kỳ để bán gây quỹ. Hội LHPN cũng hướng dẫn người dân tiết kiệm các nguyên vật liệu cũ để tái chế thành các sản phẩm có giá trị thay thế, hạn chế xả rác thải, phế liệu bừa bãi vừa gây vệ sinh môi trường, vừa lãng phí phế liệu.
Cần sự chung tay
Bà Dương Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi công dân, không ai có thể làm thay. Do vậy, để phong trào phát huy được hiệu quả ngoài sự nỗ lực của của các cấp hội còn cần sự chung tay của các sở ngành, địa phương và người dân. Việc làm trước tiên đó chính là thay đổi nhận thức về tác hại của rác thải nhựa, trách nhiệm của mỗi công dân đối với môi trường”.
Nói đi đôi với làm, Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu hành động từ chính cơ quan mình, ngoài nâng cao nhận thức về tác hại, Hội đã vận động cán bộ, hội viên xây dựng thói quen, hành vi sử dụng sản phẩm dễ phân hủy hoặc có thể tái chế, tái sử dụng để thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Cụ thể, việc thay thế các sản phẩm sử dụng thiết thực hàng ngày như bình đựng nước bằng nhựa nay thay bằng thủy tinh, đi chợ thường có thói quen sử dụng túi nilon thì nay thay bằng túi vải hoặc túi giấy, làn...
Giảm sử dụng tức là đang hạn chế được chất thải nhựa thải ra môi trường, từ suy nghĩ đến cách làm Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh dần xây dựng được những mô hình đạt hiệu quả. Cũng chính từ những mô hình này, qua phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc hội nghị đã tạo sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân, từ đó nhiều mô hình được nhân rộng.
Ban thường vụ Hội LHPN Hà Tĩng cũng đã tổ chức hội nghị phát động phong trào chống rác thải trong đội ngũ cán bộ 13 huyện, thành, thị và các đơn vị trực thuộc. Theo đó, các đơn vị đã triển khai kế hoạch tổ chức phát động trong cán bộ hội viên phụ nữ. Kết quả đến nay, đã triển khai đến tận 100% cán bộ hội từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay, các cấp hội đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn đến các đối tượng hội viên phụ nữ.
Báo cáo của Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, qua tổ chức đã đẩy mạnh, cũng cố, vận động, hỗ trợ thành lập trên 7.700 mô hình vận động hội viên, phụ nữ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan đường làng ngõ xóm như tổ/nhóm/ chi hội thực hiện các tiêu chí “3 sạch” như tổ “phụ nữ tự quản bảo vệ môi trường, thu gom rác thải”, mô hình “mười hộ liền kề”. Phải kể đến một số đơn vị tiêu biểu như Hội LHPN huyện Hương Khê, huyện Nghi Xuân với mô hình sử dụng làn đi chợ thay thế sản phẩm túi nilong.
Nổi bật như mô hình thu gom rác thải nhựa, xây dựng quỹ chi hội ở huyện Hương Sơn. Nói về tính hiệu quả của mô hình này, bà Dương Thị Hằng, phấn khởi chia sẽ: “Sạch sẽ sinh ra văn minh. Nhiều mô hình thu gom, phân loại rác thải nhựa được hoạt động theo tổ, hàng tháng lượng rác thải tập hợp sẽ đem bán và cho vào khoản quỹ rác thải. Không chỉ môi trường sống được sạch sẽ mà còn tạo ra những khoản tiền từ chính rác thải, được tích cóp, sử dụng vào việc giúp những hội viên có hoàn cảnh khó khăn”.