Môi trường

Sơn La: Nhiều hoạt động thiết thực phòng chống rác thải nhựa

Nguyễn Nga 19/11/2024 - 11:25

(TN&MT) - Hưởng ứng phong trào Chống rác thải nhựa, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã cụ thể hóa, ban hành các chủ trương, quy định, chính sách về quản lý chất thải nhựa, bảo vệ môi trường phù hợp thực tiễn địa phương, hướng tới phát triển bền vững.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, để thực hiện phong trào phòng, chống rác thải nhựa, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025; Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh…

img_8426.jpg
Bình thủy tinh đựng nước được sử dụng thay thế chai nhựa trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo.

Phát động thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông”, thực hiện “nói không với sản phẩm từ nhựa và túi ni lông sử dụng một lần”, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường đến toàn thể các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên toàn tỉnh. Hướng tới hình thành thói quen không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm.

Đến nay, đa số các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước đã chuyển dần sang sử dụng các bình thủy tinh, chai đựng nước bằng giấy và các vật liệu khác thân thiện với môi trường trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, các hoạt động ngoài trời. Không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa, giảm tối đa việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc.

Nhiều mô hình về phòng, chống rác thải nhựa đã được các tổ chức chính trị, đoàn thể cùng các địa phương triển khai hiệu quả. Nổi bật trong đó là Mô hình Ngôi nhà xanh gây quỹ từ rác thải nhựa của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã được lan tỏa đến 12/12 huyện, thành phố, không chỉ góp phần thực hiện thu gom, phân loại rác thải nhựa, mà còn gây quỹ hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Phát huy tinh thần xung kích vì cộng đồng, Tỉnh đoàn Sơn La đã triển khai nhiều mô hình, chương trình hưởng ứng phong trào như: Trưng bày giới thiệu 10 gian hàng, sáng kiến giảm thiểu, tái chế rác thải của các cá nhân, tập thể thanh niên trên địa bàn tỉnh; Chương trình "Đổi giấy, vỏ lon, nhựa lấy cây xanh" của Thành ủy Sơn La, Huyện đoàn Thuận Châu, Mai Sơn, Phù Yên; Chương trình "Thiết kế bao bì, túi đựng từ báo, bìa cũ" của Đoàn phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La;

Chương trình hướng dẫn thiếu nhi sáng chế đồ chơi, đồ lưu niệm từ vỏ lon, chai nhựa của Đoàn phường Quyết Tâm - thành phố Sơn La, Huyện đoàn Mộc Châu, Bắc Yên; Chương trình vẽ tranh tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa tại các liên đội huyện Thuận Châu, Mường La, Phù Yên, Mộc Châu, Mai Sơn;

z6044499909225_b1f73b98657a5c0e9f3261f04d66569c.jpg
Huyện đoàn Mai Sơn tuyên truyền về phân loại rác thải nhựa cho các tiểu thương tại tiểu khu chợ ngã Ba, xã Chiềng Mai.

Mô hình "Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa" , đã trao tặng túi sinh học làm từ tinh bột, làn sinh học cho các tiểu thương kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố; ra mắt đội tình nguyện thu gom rác thải nhựa tại thành phố, Mai Sơn; xây dựng "Khuôn viên, trụ sở làm việc xanh” của đoàn viên khối hành chính tỉnh...

Thông qua các hoạt động, góp phần lan tỏa nhiệm vụ phòng, chống rác thải nhựa, nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần đến cộng đồng dân cư; hình thành thói quen thu gom, phân loại rác thải trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên và người dân.

Tuy nhiên, do tính tiện lợi nên việc sử dụng các sản phẩm nhựa, nhất là nhựa dùng một lần vẫn còn phổ biến. Qua thống kê, tổng lượng chất thải nhựa phát sinh ở Sơn La khoảng trên 10.600 tấn/năm. Trong đó, lượng chất thải nhựa được thu gom ước đạt trên 8.300 tấn/năm, lượng không thu gom là 2.106 tấn/năm.

Rác thải nhựa chủ yếu phát sinh từ các hộ gia đình, chiếm 68,85%; từ các hộ kinh doanh là 10,8%; từ các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại 10,1%; còn lại là các nguồn phát sinh đến từ các cơ sở y tế, điểm du lịch, khu, cụm công nghiệp, hoạt động nông nghiệp…Cũng theo kết quả khảo sát thống kê năm 2023, thành phố Sơn La và thị trấn Mộc Châu huyện Mộc Châu là những địa phương có lượng chất thải nhựa phát sinh lớn.

Tiếp tục cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tập trung tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích thực hiện các dự án đầu tư thu gom, vận chuyển, xây dựng khu xử lý chất thải nhựa tập trung; các hoạt động tái sử dụng, tái chế từ rác thải nhựa; dự án tái chế, xử lý chất thải nhựa; dự án sản xuất túi ni lông phân hủy sinh học, bao bì thân thiện với môi trường.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần đối với môi trường sống, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy; không xả chất thải, thải nhựa bừa bãi ra đường phố, hệ thống thoát nước, sông, suối, kênh mương, các địa điểm công cộng.

Lồng ghép, đưa nội dung giáo dục nhận thức tác hại của chất thải nhựa nói chung, túi ni lông khó phân hủy nói riêng vào chương trình ngoại khóa, tuyên truyền ở các cấp học theo các hình thức, nội dung phù hợp.

Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, kinh doanh sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học chuyển sang sản xuất, phân phối, kinh doanh các sản phẩm thân thiện môi trường.

Tuyên truyền, vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà sách, chợ dân sinh, nhà hàng, quán nước, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ… hạn chế và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy. Ký cam kết hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân hủy giữa các tòa nhà, khu dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ với UBND phường, xã, thị trấn.

Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; khuyến khích việc phân loại tại nguồn đối với chất thải nhựa riêng biệt với các chất thải có thể tái chế khác để tăng cường hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa. Bố trí thiết bị thu gom, phân loại chất thải nhựa tại các cơ sở y tế, trường học, khu vực công cộng như bến xe, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, công viên, quảng trường, khu du lịch…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Nhiều hoạt động thiết thực phòng chống rác thải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO