Biển đảo

Bài 4: Hành động để “đẩy lùi” rác thải nhựa

Thực hiện: Nguyễn Dũng – Thanh Tùng – Lan Anh – Đỗ Vương 06/08/2024 10:57

(TN&MT) - Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sinh kế, cuộc sống, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức cùng chính quyền địa phương khu vực miền Trung đang có nhiều hoạt động thiết thực đẩy lùi tình trạng “ô nhiễm trắng” vùng biển, đảo bằng nhiều mô hình, việc làm thiết thực. Những hành động này đã tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, góp phần hồi sinh môi trường biển, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển xanh tại Việt Nam

bai-4.jpg

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sinh kế, cuộc sống, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức cùng chính quyền địa phương khu vực miền Trung đang có nhiều hoạt động thiết thực đẩy lùi tình trạng “ô nhiễm trắng” vùng biển, đảo bằng nhiều mô hình, việc làm thiết thực. Những hành động này đã tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, góp phần hồi sinh môi trường biển, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển xanh tại Việt Nam.

sutit-1(1).jpg

Cách đô thị cổ Hội An khoảng 15 hải lý về phía Đông, từ lâu, Cù Lao Chàm không chỉ được biết đến là hòn đảo với cảnh sắc thiên nhiên thuần phác, nguyên sơ mà còn nổi danh với câu chuyện xã đảo nói không với túi nilon.

Ngay từ bến cảng Cửa Đại để xuất phát ra đảo, những tấm panô in đậm dòng chữ to “Cù Lao Chàm nói không với túi nilon”, “Không dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần để biển Cù Lao Chàm mãi xanh” khiến nhiều du khách không khỏi cảm thấy bỡ ngỡ. Không ít người đang cầm trên tay những chai nước hay những túi nilon nhựa đựng đồ phải loay hoay sắp xếp để lại bờ nhưng tuyệt nhiên không một ai thấy khó chịu, phàn nàn với những quy định có phần khắt khe này. Trong khi đó, những du khách nước ngoài lại tươi cười và luôn miệng hô “Good Good” với các nhân viên kiểm soát.

anh-b4-2.jpg
Các tiểu thương chợ Tân Hiệp đều vui vẻ dùng các vật dụng thay thế rác thải nhựa. Ảnh: Lan Anh

“Nếu ai trót đựng đồ cần thiết trong túi nilon mà không thể không mang theo, họ sẽ được nhân viên hỗ trợ đổi miễn phí túi nilon khó phân huỷ sang túi giấy, túi nilon sinh học thân thiện với môi trường. Như vậy mới giữ cho Cù Lao Chàm không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa”, anh Sơn – nhân viên của tàu cao tốc Đại Dương Xanh nói vội với chúng tôi trong âm thanh phành phạch của tàu ca nô đang bắt đầu rời cảng.

Tháng 6 ở Cù Lao Chàm, nước biển xanh trong đến tận đáy, cát trắng trải dài và gió thổi lồng lộng mang vị mặn mòi của biển. Dạo một vòng quanh đảo, từ bãi Ông đến bãi Làng, từ bến tàu, âu thuyền đến những bãi tắm đông người đều sạch bóng, chỉ có cát trắng biển xanh, sóng vỗ lao xao đêm ngày.

Dừng chân ở chợ Tân Hiệp, nơi đang diễn ra cảnh bán buôn sôi nổi, từ lối nhỏ cho đến lối lớn dẫn vào chợ, “vạch lá tìm sâu” cũng không tìm ra được chiếc túi nilon nào. Vừa ngơi tay sau khi gói ghém mớ rau xanh cùng cá tươi cho vào giỏ của khách, bà Mai Thị Nga - chủ sạp thực phẩm tổng hợp trong chợ, hướng cặp mắt về bảng nội quy buôn bán. Ngoài những điều lệ giống với bao ngôi chợ khác, bà Nga chỉ ra điều đặc biệt “có một không hai” ở xã đảo nhỏ bé này.

anh-b4-4.jpg
Cả người bán và người mua đều vui vẻ hưởng ứng. Ảnh: Lan Anh

“15 năm nay, những người buôn bán như tôi chỉ dùng giấy báo hoặc túi lát để gói thịt cá, rau cho khách. Không chỉ riêng trong chợ mà cả xã đảo này ai nấy cũng nói không với túi nilon. Trước đây phải thực hiện vì sợ bị phạt 500 ngàn, còn bây giờ thành thói quen rồi, không thấy khó khăn chi trơn” - bà Nga cho hay.

Giảm thiểu rác thải đã không chỉ là khẩu hiệu ở Cù Lao Chàm. Cứ sau mỗi chuyến ra khơi mang về khoang tàu đầy ắp tôm cá còn có những bao tải phế liệu được ngư dân Cù Lao Chàm phân loại, buộc gọn gàng để đợi đến ngày hội “Đổi rác lấy quà”. Những món quà dù nhỏ như rổ đựng hải sản, cà mèn, giỏ đi chợ… nhưng đầy niềm vui và quan trọng đó là cách mà họ làm để trả ơn đối với biển cả.

box1(1).jpg

Không giấu diếm niềm tự hào khi được hỏi về xã đảo “nói không với túi nilon”, anh Mai Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp chia sẻ: Tất cả là nhờ sự đồng lòng của cán bộ xã đảo cũng như sự ủng hộ từ mỗi người dân. Cán bộ xã xác định tuyên truyền giảm thiểu rác thải nhựa trong cộng đồng là hoạt động thường xuyên, liên tục với phương châm “mưa dầm thấm lâu” để người dân thực hiện. Chính tại trụ sở UBND từ lâu không được sử dụng các sản phẩm nhựa một lần như kẹp tài liệu, chai nước… Đến nay, Tân Hiệp là địa phương cấp xã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất tỉnh.

“Chúng tôi đã xác định mình phải nỗ lực để giữ gìn và phát huy thành quả “xã đảo nói không với túi nilon” từ thế hệ các cha chú để lại. Thời gian tới, bên cạnh việc hướng đến không sử dụng phát nhựa dùng một lần, chúng tôi còn thực hiện biến rác thải thành tài nguyên, làm phân bón, nước rửa chén hoặc các vật liệu khác, góp phần giảm nhẹ gánh nặng xử lý rác tại Cù Lao Chàm, đưa nơi đây trở thành đảo không rác”, anh Mai Quốc Bảo chia sẻ.

sutit-2(1).jpg

Nhận thức được lợi ích từ bảo vệ môi trường biển không chỉ là để bảo vệ sức khỏe của người dân mà còn là sinh kế bền vững, nhiều năm nay, tại xã đảo Nhơn Châu (Cù Lao Xanh) ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, chính quyền và người dân đã chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa để phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, khâu phân loại rác thải tại nguồn được xem là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền và người dân đảo xanh nơi đây.

Nhơn Châu giờ đây đã có 80% số hộ dân thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, rác thải sinh hoạt hàng ngày được phân loại theo 3 loại: rác hữu cơ, rác tái chế và rác khó phân hủy, được 2 tổ thu gom rác ở 3 thôn phân loại và vận chuyển đến địa điểm xử lý. Riêng rác thải khó phân hủy được thu gom và thuê đò từ Nhơn Châu chuyển về Cảng cá Quy Nhơn để Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định vận chuyển về khu xử lý rác của thành phố Quy Nhơn xử lý (hàng tháng thực hiện vận chuyển rác 3 - 4 chuyến). Mô hình làm phân compost tại hộ gia đình được triển khai, đến nay có 50 hộ triển khai thực hiện, phân bón làm ra được dùng để bón cho các loại rau xanh trên địa bàn xã.

anh-b4-5.jpg
Người dân Cù Lao Chàm tự giác thực hành phân loại rác tại nguồn. Ảnh: Lan Anh

Có hiệu ứng lan tỏa nhất là mô hình "Đảo thanh niên xanh không rác thải nhựa" với lực lượng nòng cốt triển khai là Đội Thanh niên xung kích. Định kỳ 2 lần/tuần (thứ 5 và Chủ nhật), các thành viên đi tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn người dân dọc các bờ biển, điểm khách du lịch tham quan bỏ rác đúng nơi quy định; phân loại rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa; ra quân làm sạch biển và các hoạt động bảo vệ môi trường trên đảo... Mô hình này hướng đến mục tiêu nhân rộng ra toàn quốc, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”.

Theo lãnh đạo UBND xã Nhơn Châu, thông qua các hoạt động tuyên truyền, người dân trên đảo từ các tầng lớp nhân nhân đến các em học sinh tại trường học đều nhận thức được lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn, tác hại của rác thải nhựa và mong muốn về một hòn đảo Cù Lao Xanh xanh - sạch - đẹp không rác thải nhựa.

Việc thực hiện tốt tiêu chí về môi trường cũng đã giúp xã Nhơn Châu phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng sống của người dân, tự tin thu hút du khách về tham quan, lưu trú. Chỉ tính riêng quý I năm 2024 đã có hơn 3.000 lượt khách đến xã đảo này du lịch, trải nghiệm tại đảo Cù Lao Xanh.

anh-b4-6.jpg
Tuyên truyền không dùng rác thải nhựa tại Cù Lao Chàm. Ảnh: Lan Anh

Với mong muốn giảm rác thải nhựa đại dương để Lý Sơn xanh – sạch – đẹp trong mắt du khách, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Lý Sơn đã thực hiện chương trình “Giám sát rác thải ngầm trên hệ sinh thái rạn san hô Khu Bảo tồn biển Lý Sơn” hay nói nôm na là dọn rác dưới đáy biển. Câu chuyện tưởng chừng như không có thật vậy mà từ năm 2021 đến nay, các thợ lặn đã lặn biển để vớt rác bị kẹt ở các rạn san hô như lưới, dây ống thở, vỏ lon nước ngọt, dây cước câu, lưỡi câu,… thải ra từ nghề khai thác, đánh bắt hải sản và các hoạt động vận tải trên biển.

anh-b4-11.jpg
Vợ chồng “chúa đảo” Trịnh Minh Đại Anh thu dọn rác thải trên bãi cát

Ông Huỳnh Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Lý Sơn cho biết, dọn vệ sinh đáy biển góp phần quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên vô cùng đa dạng ở vùng lõi Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Trong đợt làm sạch đáy biển vào tháng 5/2024, đội đã vớt và xử lý được hơn 116 kg rác thải biển. “Công việc của đội lặn vớt rác hết sức ý nghĩa. Không chỉ làm đẹp các rạn san hô, bãi biển Lý Sơn trong mắt du khách, mà quan trọng hơn là góp phần giải thoát các sinh cảnh này khỏi mối đe dọa suy thoái do tác động của rác thải nhựa”, ông Huỳnh Ngọc Dũng chia sẻ.

sutit-3(1).jpg

Trong hành trình chung để “chống” lại ô nhiễm rác thải nhựa thì cộng đồng có vai trò rất lớn. Điều này đã được minh chứng rõ ràng từ vai trò của Tổ hợp tác Quản lý và bảo vệ san hô Hòn Yến (Phú Yên). Từ khi Tổ hợp tác này hình thành và đi vào hoạt động, môi trường ở Hòn Yến đã không còn là “điểm nóng” ô nhiễm rác thải như trước đây. Ngoài thực hiện bơi thuyền trực tiếp ra vớt rác trên biển, tổ hợp tác còn hướng dẫn người dân phân loại rác vô cơ, hữu cơ; áp dụng phương pháp ủ rác hữu cơ và phương pháp tái chế chất thải thành những sản phẩm có ích. Nhờ đó, người dân dần thay đổi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày.

anh-b4-7.jpg
Hoạt động thu dọn rác thải nhựa trên đảo Cù Lao Xanh

Chính nhờ họ mà lượng rác ở Hòn Yến đã giảm khoảng 80% so với trước đây. Không chỉ người dân trên đảo mà các hộ nuôi trồng thủy sản ven bờ cũng đã có ý thức thu gom và hạn chế sử dụng rác thải nhựa, nhất là các loại nhựa dùng một lần.

“Hòn Yến là niềm tự hào của người dân xã đảo An Hòa. Tôi muốn chung tay để mọi người khi đến với Hòn Yến sẽ được ngắm nhìn những bãi biển xanh ngắt, không rác thải, không ô nhiễm và được hít thở bầu không khí trong lành” - bà Nguyễn Thị Sáu, người dân xã An Hòa chia sẻ.

anh-b4-9.jpg
Vẻ đẹp đảo Điệp Sơn

Còn ở đảo Điệp Sơn (Khánh Hòa), từ 8 năm nay, ngoài thời gian làm du lịch, vợ chồng “chúa đảo” Trịnh Minh Đại Anh lại tranh thủ dọn rác thải trên các bãi cát. Việc dọn rác là công việc đều đặn thường xuyên trong sinh hoạt của họ, hướng tới bảo vệ môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái biển xung quanh hòn đảo. Đến Điệp Sơn bây giờ ngắm nhìn vẻ đẹp nên thơ với nước biển trong xanh, bãi cát trắng mịn và môi trường sạch đẹp trong lành ít ai biết rằng 8 năm trước thủy đảo này vốn là một bãi rác khổng lồ.

Tâm sự với chúng tôi, anh Trịnh Minh Đại Anh, Chủ khu du lịch tại đảo Điệp Sơn cho biết: Gần 10 năm trước, đảo Điệp Sơn là một khu đảo hoang đầy rác và ô nhiễm. Trên bờ khu vực nào rác cũng ngập đầy, nào là túi nilon, chai lọ, rác thải dân cư. Biết bao doanh nghiệp lớn nhỏ về đây khảo sát để làm du lịch nhưng đều “lắc đầu” lo ngại trước rác thải và ô nhiễm môi trường. Vậy mà chúng tôi đã “phải lòng” đảo và quyết tâm làm sạch đảo.

box-2.jpg

Ông Nguyễn Ngọc Mẫn, Trưởng thôn Điệp Sơn cho rằng, công sức và tâm huyết của vợ chồng “chúa đảo” đã góp phần giúp cuộc sống của người dân có thêm thu nhập ổn định. Ngoài ra, người dân cũng đang dần thay đổi về nhận thức bảo vệ môi trường, bảo vệ đảo. “Ngày trước, bà con trong thôn mưu sinh bằng việc câu mực, mò tôm, bắt ốc… Từ khi du lịch trên đảo phát triển, bà con được tham gia hoạt động đón, phục vụ khách du lịch. Nhờ có thu nhập, ai cũng phấn khởi và nhắc nhau bảo vệ môi trường để giữ miếng cơm manh áo”, ông Nguyễn Ngọc Mẫn cho biết.

Cùng với cộng đồng cư dân, lực lượng thanh niên, các cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị quân đội đang đóng chân ở những đảo quân sự cũng đang góp phần không nhỏ để xanh hóa đảo, giảm nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa bằng những hành động, việc làm cụ thể. Điển hình như ở các Đảo Nẹ (Thanh Hóa), từ khi được các chiến sĩ thuộc Đại đội hỗn hợp Đảo Nẹ hướng dẫn cách bỏ rác, thu gom rác, vấn đề rác thải, nhất là rác thải nhựa đã được người dân thực hiện rất tốt. Cán bộ, chiến sỹ Đảo Nẹ còn triển khai “Ngày Chủ nhật xanh”, “Mô hình ngôi nhà xanh”… nhặt rác các nơi trên đảo, giúp làm sạch môi trường biển. Với họ, bảo vệ quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc còn là giữ cho không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam được xanh – sạch – đẹp.

anh-b4-12.jpg
Các chiến sỹ trên đảo Nẹ dọn rác thải nhựa trên bờ biển. Ảnh: Nguyễn Dũng

“Từ khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020 ra đời, được chính quyền tuyên truyền nên bà con ngư dân xã Ngư Lộc chúng tôi không bỏ rác bừa bãi, các anh chị chưa biết đấy thôi, nếu như trước kia để đi xuống tàu ra đảo thì phải đi trên rác, rác ngập ngụa, nay thì không còn cảnh đó nữa. Ngay cả ngoài đảo, các chú bộ đội cũng tuyên truyền, chỗ nào cũng có thùng rác…” – lão ngư ở Đảo Nẹ chia sẻ.

Biển là một ngôi nhà lớn với tất cả chúng ta mà mỗi người đều phải cố gắng giữ gìn. Nhiều mô hình giảm thiểu rác thải nhựa hiệu quả đã được các cộng đồng cư dân và chính quyền các đảo thực hiện thời gian qua cho thấy ý thức bảo vệ môi trường nói chung, chống rác thải nhựa biển nói riêng đã chuyển biến tích cực. Đáng quý hơn còn có những người dân lặng thầm nhặt rác ở đảo mà chẳng cần ai đốc thúc, giám sát như giữ gìn chính cuộc sống của họ. Tin rằng, có sự chung tay của cộng đồng, biển sẽ ngày một thêm xanh…

Thực hiện: Nguyễn Dũng – Thanh Tùng – Lan Anh – Đỗ Vương

Trình bày: Trần Dũng Thi

Bài 5: “Mọi người phải có trách nhiệm chăm sóc đại dương xanh”

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Hành động để “đẩy lùi” rác thải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO