Trước thực trạng rác thải nhựa de dọa đại dương và nghề cá, nhiều năm qua, tỉnh Bình Định đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp thông qua các chương trình dự án nhằm giải thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy kinh tế xanh tại địa phương.
Hơn 10 năm qua (từ năm 2010 - 2022), được sự hỗ trợ của các Tổ chức phí chính phủ và các đơn vị liên quan như Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng động (MCD), Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản,... tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều dự án, mô hình bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên sinh thái biển.
Thông qua các chương trình, các hoạt động truyền thông với đa dạng hình thức như pano, áp phích, báo, đài, hội thảo, tập huấn, cuộc thi sáng kiến, sân khấu hóa… về bảo vệ môi trường và chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, bảo vệ rạn san hô, rùa biển… được triển khai; 220 ngư dân làm nghề khai thác, nuôi trồng và du lịch được giao quản lý bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô ở 46ha khu vực biển Vịnh Quy Nhơn theo mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017.
Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định nhận định thông qua các hoạt động trên năng lực quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương ven biển từng bước được nâng cao. Cộng đồng đã có ý thức và trách nhiệm khi được giao quyền quản lý, bảo vệ rạn san hô tại vùng biển ven bờ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương; một bộ phận nhỏ các chủ tàu và thuyền viên đã có ý thức hơn về bảo vệ môi trường đại dương.
Tuy vậy, quản lý rác thải ngành thủy sản, đặc biệt là rác thải trên tàu cá đang là vấn đề khiến các ban ngành đoàn thể của tỉnh Bình Định băn khoăn, trăn trở. Được dự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chi cục Thủy sản và Ban quản lý Cảng cá Bình Định (Sở NN&PTNT Bình Định) đã phối hợp với UBND TP. Quy Nhơn cùng triển khai phi dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại TP. Quy Nhơn”, giai đoạn 2022 - 2024, trong đó có triển khai thí điểm mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ cho 200 tàu cá trên toàn tỉnh thường xuyên cập cảng Quy Nhơn. Đây là hoạt động nhằm khuyến khích ngư dân hạn chế xả rác thải nhựa xuống biển, dần hình thành thói quen tốt đối với việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa trên tàu cá.
Được biết người đưa ra sáng kiến về quản lý rác thải nhựa trên tàu cá và chế tạo ra “sọt rác” chuyên dụng cho tàu cá là TS. Trần Văn Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định. Ông Vinh cho biết “trong quá trình nghiên cứu về quản lý rác thải, tôi nhận thấy một lượng lớn rác thải nhựa được tạo ra từ đời sống sinh hoạt hằng ngày của ngư dân trên biển. Vì vậy ngoài việc ngăn chặn nguồn rác thải từ bờ, phải tiếp cận ngay với ngư dân để hoạt động trên tàu giảm phát thải rác, trước mắt phải làm sao để ngư dân dễ dàng thu gom lưu giữ rác thải nhựa trên tàu cá để đưa về bờ sau chuyến đi biển”.
Là người đầu tiên được sử dụng “sọt rác” từ túi lưới lúc mới vừa ra sản phẩm dùng trải nghiệm, ông Phan Thanh Trưởng - chủ tàu cá BĐ-91052-TS ở phường Đống Đa, làm nghề vây ngày chia sẻ: “Chúng tôi rất thích sọt rác do TS Vinh thiết kế vì tính tiện lợi và thông dụng. Sọt rác bằng túi lưới có thân và miệng túi được nâng đỡ bởi 3 vòng inox giúp tạo hình dạng cố định như cái phễu có thể xoay tự do và chịu được tác động ngoại lực bởi sóng gió khi tàu hoạt động trên biển mà không bị biến dạng, có thể xếp lại tùy theo nhu cầu sử dụng, không chiếm nhiều diện tích trên tàu cá như các thùng rác bằng nhựa. Trong quá trình bà con ngư dân sử dụng sọt rác bị hư hỏng thì có thể dùng cước để vá lại, rất tiện lợi, hiệu quả”.
Bà Hoàng Thị Diệu Linh - cán bộ về Chất thải và Kinh tế tuần hoàn của UNDP tại Việt Nam cho biết, để có thể triển khai mô hình được hiệu quả, UNDP đã hỗ trợ xây dựng chương trình thí điểm, nhà thu gom, và cung cấp các trang thiết bị phục vụ phân loại, đóng gói như máy ép, xe đẩy rác, thùng rác, giỏ đựng rác, túi lưới đựng rác trên tàu cá và đồ bảo hộ lao động cho đội thu gom rác thải nhựa tàu cá; Đồng thời thành lập Cơ sở phục hồi vật liệu (MRF) được đặt tại Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, thôn Thanh Long, TP. Quy Nhơn. Cơ sở có diện tích 1.000m2, với công suất xử lý 2 - 4 tấn nhựa một ngày. Các hoạt động trên giúp tạo thành chuỗi giá trị phế liệu nhựa thu hồi từ tàu cá (túi lưới, mô hình, hình thành tổ thu gom, nhà kho cảng cá) kết nối với MRF.
Song song đó, Chi cục Thủy sản Bình Định đã phối hợp Ban Quản lý Cảng cá Bình Định đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân nắm bắt, nâng cao nhận thức của ngư dân đối tác hại của rác thải nhựa đại dương đối với môi trường và nguồn lợi thủy sản. Đồng thời tổ chức kí cam kết thực hiện đối với 200 tàu cá tham gia mô hình đưa rác thải về bờ. Mỗi tàu cá được trang bị một “sọt rác” là túi lưới thiết kế chuyên dụng, sổ tay hướng dẫn thu gom, phân loại rác tại nguồn; xây dựng quy trình khai báo, tiếp nhận, xác nhận rác thải nhựa thu gom từ tàu cá vào bờ; theo dõi và giám sát quá trình thực hiện mô hình.
Ông Đào Xuân Thiện - Giám đốc BQL Cảng cá Bình Định chia sẻ, BQL đã thành lập đội thu gom rác thải nhựa từ nhân viên và đội công nhân vệ sinh môi trường cảng cá, vừa kiểm tra vừa thu mua rác của ngư dân... Kết nối với cơ sở thu mua sản phẩm nhựa, nhôm tái chế; Phối hợp với doanh nghiệp xây dựng cơ chế khuyến khích tàu cá thu gom rác thải nhựa về bờ; hỗ trợ vận hành ban đầu cho Đội Thu gom làm kinh tế tuần hoàn.
Là doanh nghiệp đồng hành cùng phi dự án hỗ trợ ngư dân thực hiện mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá tại cảng cá Quy Nhơn, Công ty Hiệp lực phát triển Việt (SDVICO) đã tặng 3 xô nhớt cho 3 chủ tàu cá đầu tiên mang 100% rác về bờ. Ngoài ra hỗ trợ miễn phí phần mềm Nhật ký rác điện tử, được cài đặt trên điện thoại thông minh của ngư dân. Dữ liệu (rác nhựa mang đi, rác mang về) trên ứng dụng sẽ cập nhật đồng bộ cho 3 cấp phân quyền người dùng, bao gồm thuyền trưởng, nhân viên kiểm đếm và cán bộ quản lý. Bên cạnh đó còn hỗ trợ vận hành ban đầu cho Đội thu gom rác mỗi tháng 5 triệu đồng, thực hiện trong năm đầu tiên (từ tháng 1 - 12/2024).
Có thể thấy, thí điểm mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ tại TP. Quy Nhơn bước đầu thực hiện hiệu quả đang góp phần hình thành chuỗi liên kết các khâu nghề cá, là sự nỗ lực của chính quyền, người dân và các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm với môi trường biển. Trong bối cảnh rác đang đe dọa biển, một người mang rác về bờ đã thấy vui, nhiều người cùng mang rác về bờ và hỗ trợ ngư dân mang rác về bờ thì niềm vui đã nhân lên gấp bội.
Bài: NGUYỄN THỊ ÁI TRINH
Chi cục Thủy sản Bình Định,110 Trần Hưng Đạo,
TP. Quy Nhơn, Bình Định
Trình bày: TÙNG QUÂN