Tháng 8.2001, UBND xã Cát Hải tổ chức xét giao 47,3 ha đất cho 69 hộ dân tại địa phương thực hiện Dự án trồng điều khu kinh tế trang trại xã Cát Hải. Trong đó, 35 hộ dân thôn Tân Thắng nhận 16,7 ha; 15 hộ dân thôn Chánh Oai nhận 15,6 ha; 19 hộ dân thôn Vĩnh Hội nhận 15 ha. Để được tham gia Dự án, các hộ dân cam kết trong thời gian 3 tháng kể từ khi nhận đất phải tiến hành trồng cây điều ghép theo quy định. Ngoài ra, phải nộp lệ phí xây dựng Dự án; có đủ lao động tham gia; chưa tham gia các chương trình như quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng dự án PAM…
Cũng trong năm 2001, UBND xã Cát Hải xin chủ trương của UBND huyện Phù Cát và ngành chức năng của tỉnh Bình Định lồng ghép chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ vào Dự án trồng điều khu kinh tế trang trại xã Cát Hải. Thực hiện chương trình này, Lâm trường Phù Cát (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Cát) tổ chức trồng mới 20 ha cây điều ghép tại thôn Tân Thắng (10,2 ha) và thôn Chánh Oai (9,8 ha). Chương trình có 6 hộ đại diện đứng tên tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ; tổng vốn đầu tư hơn 30 triệu đồng.
Sau khi nhận đất, các hộ thực hiện trồng cây điều ghép theo quy định. Tuy nhiên, khoảng năm 2006 - 2007 (sau khi hết khoản kinh phí hỗ trợ trồng, chăm sóc, bảo vệ), hầu hết các hộ tham gia Dự án tự ý chặt, rong cành để loại bỏ, hạn chế tán cây điều. Ngoài ra, các hộ tự chuyển sang trồng một số loại cây như mè, hành, đậu phụng trên diện tích đất được giao để trồng điều. Bên cạnh đó, một số hộ tự ý sang nhượng đất cho người khác. Đặc biệt, có trường hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, công trình nhà ở trên đất nông nghiệp được giao để trồng điều.
Theo thừa nhận của nhiều hộ tham gia Dự án, họ không tiếp tục trồng, chăm sóc cây điều là do cây này không có trái, hiệu quả kinh tế thấp. Họ sử dụng đất được giao để canh tác, sản xuất các loại cây hàng năm khác nhằm có thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Biết vậy là sai mục đích sử dụng đất, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên… làm liều.
Trong khi đó, theo UBND xã Cát Hải, thì: Quá trình triển khai Dự án trồng điều khu kinh tế trang trại xã Cát Hải, hầu hết các hộ không tuân thủ trình tự, yêu cầu và quy trình kỹ thuật; chỉ tập trung đầu tư canh tác các loại cây khác như mè, hành, đậu phụng. Đây là nguyên nhân chính khiến Dự án không đảm bảo kế hoạch đề ra; các hộ dân sử dụng đất sai mục đích.
Ông Đỗ Hoàng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hải, cho biết: Trước thực trạng này, năm 2007, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Cát đã thu hồi 9,4 ha trong số 20 ha trồng điều theo chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng và giao cho địa phương quản lý. Sau nhiều biến động, hiện nay, diện tích đất trồng điều thuộc Dự án và chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng là 28,1 ha; với 39 hộ đang quản lý, sử dụng đất. Tất cả các hộ đều sử dụng đất không đúng mục đích ban đầu; diện tích đất trồng điều đang được các hộ sử dụng trồng mè, đậu phụng, hành, bạch đàn. Đặc biệt, một số trường hợp xây dựng công trình nhà ở, gây dư luận không tốt tại địa phương.
“UBND xã đã có báo cáo gửi UBND huyện Phù Cát để xem xét, đưa ra hướng giải quyết dứt điểm đối với các hộ sử dụng đất sai mục đích tại Dự án trồng điều khu kinh tế trang trại xã Cát Hải. Quan điểm của xã là kiến nghị UBND huyện Phù Cát thu hồi diện tích đất thuộc Dự án để giao địa phương quản lý; đảm bảo trật tự, kỷ cương của pháp luật về đất đai, sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả”, ông Phong cho biết thêm.
Khoản 2, Điều 8 Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10.11.2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, quy định: Phạt tiền từ 1 triệu đồng - 2 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 ha; phạt tiền từ trên 2 triệu đồng - 5 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 ha đến dưới 3 ha; phạt tiền từ trên 5 triệu đồng - 10 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3 ha trở lên. |