Tiếng dân

Tiếp bài “Quận Hà Đông (Hà Nội) - Cần xử lý nghiêm việc sử dụng đất sai mục đích”: Luật sư đề nghị làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức

Anh Khôi 08/04/2024 - 11:03

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường đã có bài viết phản ánh về việc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ ô tô Trường Sơn (Công ty Trường Sơn) tại Cụm công nghiệp Yên Nghĩa sử dụng đất sai mục đích và xây dựng trái phép trên đất hành lang lưới điện cao áp, hành lang quốc lộ 6 và hành lang bảo vệ đường sắt trong thời gian dài nhưng chưa được các cấp chính quyền quận Hà Đông xử lý dứt điểm, khiến dư luận bức xúc.

Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T00705 do UBND tỉnh Hà Tây, cấp ngày 4/6/2008 cho Công ty Trường Sơn có địa chỉ tại số 202 -204 đường Quang Trung, phường Quang Trung, Tp. Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Địa chỉ thửa đất tại Cụm công nghiệp Yên Nghĩa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội, diện tích 1.865 m2, mục đích sử dụng đất xây dựng gara ô tô Trường Sơn, thời hạn đến 25/1/2058, nguồn gốc sử dụng đất nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.

724ae73c-4dbb-4a30-84ce-94bbc4f7d363.jpg
Công ty ô tô Trường Sơn "hô biến" đất xây dựng gara ô tô thành Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới

Tuy nhiên, trước đó ngày 31/1/2008, Ban Quản lý các dự án cụm điểm công nghiệp làng nghề Hà Đông có biên bản tạm giao 1.490m2 đất bảo vệ hành lang lưới điện cao áp thuộc Cụm công nghiệp Yên Nghĩa và 710 m2 đất nằm trong hành lang bảo vệ an toàn Quốc lộ 6 cho Công ty Trường Sơn để quản lý, không được phép xây dựng.

Đồng thời, Công ty Trường Sơn có trách nhiệm quản lý diện tích đất tạm giao để lấy đường vào thi công và trồng cây xanh theo quy hoạch, không được phép xây dựng, không để lấn chiếm, đổ rác thải ra khu vực đất tạm giao...

756e4b12-4e89-4581-9e17-8a9e8d7da02e.jpg
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông luật

Liên quan đến vụ việc, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông luật cho biết: Theo điểm đ, e khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 thì trong nhóm đất phi nông nghiệp gồm có đất sử dụng vào mục đích công cộng (đất hành lang lưới điện, đất giao thông...) và đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp (đất xây dựng gara ô tô, quán ăn...) thì pháp luật nghiêm cấm hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, đã được quy định rõ theo Điều 12 Luật này.

Đồng thời, theo khoản 7 Điều 19 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, về các trường hợp không được cấp GCN QSDĐ trong đó có bao gồm trường hợp tổ chức, UBND cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí, đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin, khu vui chơi giải trí ngoài trời, nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.

Do đó, hành vi sử dụng đất sai mục đích không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, cấp GCN QSDĐ đối với đất sử dụng vào mục đích công cộng khi không đủ điều kiện cấp GCN QSDĐ trong sự việc nêu trên có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật.

bd94e2a7-99b7-465a-998f-43d3546b1ad7.jpg
Công ty ô tô Trường Sơn sử dụng đất sai mục đích, cho thuê kho bãi trái phép

Bên cạnh đó đối với người sử dụng đất (cá nhân, tổ chức) sử dụng đất sai mục đích thì tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Theo khoản 3, 4 Điều 12 Nghị định số 14/VBHN-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, về sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, tùy vào diện tích đất sử dụng sai mục đích mà người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn. (đối với hành vi vi phạm tại khu vực đô thị thì mức phạt tiền bằng 02 lần quy định).

d157ce4c-1ff4-4d1f-870a-109058e546aa.jpg
Nhếch nhác khu vực chất đồ vật liệu xây dựng tiềm ẩn nguy cơ phòng cháy chữa cháy

Đồng thời, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được từ hành vi vi phạm; buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất.

Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần cá nhân vi phạm nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo điều 228 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về sử dụng đất đai. Theo đó, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến cao nhất là 07 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Luật sư Bình cho biết thêm: Nếu trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng kết luận có vi phạm trong việc cấp GCN QSDĐ, để xảy ra tình trạng sử dụng đất sai mục đích do lỗi của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong quản lý đất đai thì tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc, khai trừ ra khỏi Đảng...) thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 229, 360 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai và tội thiếu trách nhiệu gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã ban hành hàng loạt chỉ thị, văn bản chỉ đạo quyết liệt xử lý việc sử dụng đất đai sai mục đích, đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Tuy nhiên, tại quận Hà Đông tình trạng tư lợi từ việc chuyển đổi, sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất vẫn ngang nhiên diễn ra dù đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp bài “Quận Hà Đông (Hà Nội) - Cần xử lý nghiêm việc sử dụng đất sai mục đích”: Luật sư đề nghị làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO