PGS.TS Bùi Thị An – Nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & kỹ thuật Hà Nội chia sẻ tại buổi tọa đàm |
Buổi Tọa đàm do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp Hà Nội.
Hiện nay, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu, mỗi năm lượng rác thải được sản sinh ra đủ phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất.
Ở Việt Nam, lượng rác thải nhựa ngày càng gia tăng. Trên địa bàn TP Hà Nội, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ 5.500 - 6.000 tấn; trong đó, rác thải nhựa chiếm khoảng 8 - 10%. Các sản phẩm nhựa và túi nilon đã trở nên phổ biến trong cuộc sống người dân, nhưng lại để lại những hậu quả không nhỏ đến môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Tại Hà Nội, từ năm 2019, thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng về chống rác thải nhựa, Hà Nội đã có nhiều chính sách, lộ trình thực hiện chương trình chống rác thải nhựa trên địa bàn TP. Cụ thể, tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi ý thức của người dân trong việc chống rác thải nhựa như: Không dùng chai nhựa tại các công sở, giảm túi nilon khi đi chợ, giảm bớt sử dụng nhựa trong cuộc sống hàng ngày, tiêu hủy rác thải nhựa...
Ông Mai Trọng Thái – Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết: Thời gian qua, Chính phủ và Bộ TN&MT, TP Hà Nội đã ban hành các kế hoạch và những chương trình hành động cụ thể nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn. Trong đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 về “Phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Từ đó đến nay, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị trực thuộc UBND Thành phố không sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong các cuộc họp từ tháng 11/2019.
Bên cạnh đó, thông qua các buổi tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa nhằm thay đổi thói quen và giảm thiểu sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần, khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, ý thức người dân từng bước đã được nâng cao. Tại các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng cũng chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ông Mai Trọng Thái – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) |
Sở TN&MT Hà Nội cũng đã thực hiện chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa. Từ đó, chương trình đã tái chế và góp phần giảm thiểu được trên 244 tấn rác thải vào bãi chôn lấp tập trung của TP Hà Nội. Sở đã phối hợp với các chuyên gia thực hiện tuyên truyền thí điểm tại 5 trường tiểu học tại Hà Nội về tác hại của rác thải nhựa nhằm thay đổi thói quen và giảm thiểu sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, theo PGS.TS Bùi Thị An – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & kỹ thuật Hà Nội, trong cuộc chiến nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Đầu tiên, do thói quen của người dân khó thay đổi trong một thời gian ngắn; một số địa phương vào cuộc chưa thực sự quyết liệt.
Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội |
“Nhà nước cần có chính sách tăng thuế với các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa. Riêng Thành phố cần có chính sách khuyến khích các đơn vị giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa. Với các doanh nghiệp, nhà nước nên có những đánh giá tác động về phía doanh nghiệp, họ bị ảnh hưởng như thế nào khi chuyển sang sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường; bên cạnh đó, phải có sự lựa chọn thay thế cho người tiêu dùng để giảm thiểu sử dụng túi nilon”, PGS.TS Bùi Thị An nêu quan điểm.
Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho hay: Vai trò của doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách giảm thiểu chất thải nhựa thì yếu tố sản xuất chiếm tới 50%. Ví dụ như may và da giày có tới 90% chất thải là ni-lông. Cho nên việc thay đổi quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm không hề đơn giản. Về phía sản phẩm nhập khẩu, để thay thế phần đóng gói, bao bì, vận chuyển cần có sự trợ giúp từ chính sách cho việc thay đổi công nghệ. Do vậy những doanh nghiệp thay đổi công nghệ cần có sự trợ giúp của nhà nước thông qua chính sách hoặc ưu đãi thuế. Hoặc nhà nước có thể đứng ra mua công nghệ về lĩnh vực này từ nước ngoài để áp dụng cho doanh nghiệp trong nước.
Ông Phạm Cao Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị (URENCO) |
Với thực tế đó, bà Trịnh Thị Ngân đề xuất cơ quan quản lý cho phép doanh nghiệp đổi mới bao bì được vay ngân hàng không lãi suất; siêu thị dùng túi thân thiện môi trường được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; các đơn vị kinh doanh ăn uống không được sử dụng đồ nhựa dụng 1 lần. Bên cạnh đó, cần giám sát hàng hoá nhập khẩu, không cho phép các sản phẩm có sử dụng túi ni-lông.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Để triển khai đồng bộ, hiệu quả cần các giải pháp tổng thể, tuy nhiên với góc độ là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ VSMT, ông Phạm Cao Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị (URENCO) cho rằng, ngoài việc chỉ đạo quyết liệt từ phía chính quyền, sự tham gia vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội đoàn thể, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực từ phía người dân thì việc phân loại rác cũng phải phù hợp với công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt của địa phương. Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn phù hợp từ thấp đến cao: Ngăn chặn việc phát sinh chất thải; tiếp theo là tái sử dụng và tái chế chất thải; cuối cùng, nếu không thể tái chế, phải xử lý chất thải theo cách ít tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng nhất.