Phát triển Nhà máy nhiệt điện: Nhiều hệ lụy

29/07/2016 00:00

(TN&MT) - Theo kết quả khảo sát mới nhất của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), việc sử dụng nhiều nhiệt điện đốt than khiến cho Việt Nam đối mặt với những thách thức lớn về môi trường - xã hội như: ô nhiễm nguồn nước, không khí và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân xung quanh khu vực xây dựng nhà máy. Khí thải của các nhà máy nhiệt điện than là nguồn gây hại lớn góp phần làm gia tăng biến đổi khí hậu toàn cầu.

c
 

Nguy cơ ô nhiễm tiềm ẩn

Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh được đặt tại Hạ Long, trong khu vực có nhiều mỏ khai thác than và chế biến than đã tác động tích lũy tiêu cực tới môi trường nước và không khí của người dân xung quanh. 75% người dân được hỏi cho rằng, nguồn nước này đã ô nhiễm và nguyên nhân gây ô nhiễm là do nhà máy nhiệt điện than và quá trình khai thác than. Họ chỉ sử dụng nước mưa, nước giếng cho tắm giặt hoặc phun ẩm đường để dập bụi trước nhà. Ở các con suối, kênh, mương ở gần với các khu vực khai thác và chế biến than nước đen, sánh, mùi hôi, có váng, để khai thông dòng chảy phải móc bùn than lên bờ. Các hộ gia đình nơi đây phải thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày để thích nghi với thay đổi của môi trường. Tỷ lệ mắc các bệnh về hô hấp và mắt ở khu vực này xuất hiện thường xuyên, thậm chí, có người mắc quanh năm không khỏi hoặc đã trở thành mãn tính.

Trường hợp của Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, kết quả phỏng vấn các hộ gia đình cho rằng, môi trường không khí và môi trường nước của họ đang ô nhiễm từ việc vận hành Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, điều đó, dẫn đến gia tăng những căn bệnh về hô hấp, mắt, ngoài da và tiêu hóa của người dân địa bàn xung quanh nhà máy. Ông Phạm Văn Dũng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tam Hưng, cho biết, vài năm trở lại đây các bệnh hô hấp mãn tính, bệnh về mắt, ung thư phổi và ung thư vòm họng xuất hiện nhiều hơn. Kết quả khảo sát cho thấy, 56,8 hộ gia đình có người mắc các bệnh về hô hấp thường xuyên trong năm, 30% các hộ gia đình được hỏi bị mắc các bệnh liên quan tới mắt ít nhất 2 - 3 lần /năm; 13,6% các hộ được hỏi có người mắc bệnh ngoài da; 11,73% các hộ có người mắc các bệnh về tiêu hóa và 5,2% các hộ được hỏi có người mắc bệnh ung thư.

Còn tại Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Hà Tĩnh, mặc dù, mới được đi vào hoạt động từ tháng 3/2015, nhưng những tác động của nó với người dân xung quanh nhà máy là không nhỏ. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là ô nhiễm không khí,

Theo khảo sát của nhóm chuyên gia, 68,7% các hộ được hỏi cho rằng ô nhiễm không khí tác động trực tiếp tới tình hình sức khỏe và tinh thần của các thành viên trong gia đình. 26,3% các hộ được hỏi phải thay đổi thói quen sinh hoạt như đóng cửa kín suốt ngày, quét nhà thường xuyên hơn và thường xuyên tra, rửa mắt do bụi. Không những vậy, theo họ, khói bụi còn là nguyên nhân dẫn tới giảm năng suất mùa màng do bụi bám trên hoa, khiến hiệu quả thụ phấn giảm, bám trên lá khiến cây cối, hoa màu chậm phát triển.

Người dân mất sinh kế

Từ khi các Nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động ngoài ảnh hưởng về đời sống như: môi trường sống, không khí, nguồn nước không đảm bảo vấn đề sinh kế của người dân cũng ảnh hưởng lớn. Các hộ gia đình bị thu hồi đất nuôi trồng thủy hải sản không thể tiếp tục canh tác trên phần đất còn lại mà phải đi thuê đất ở nơi khác để tiếp tục sản xuất. Ngoài ra, chỉ có một bộ phận nhỏ lao động địa phương được tuyển dụng vào làm việc tại nhà máy còn lại người dân chỉ có thể làm công việc mùa vụ hoặc phải tìm kiếm công việc khác. Hiện nay, vấn đề sinh kế vẫn nhiều nan giải và cần được quan tâm giải quyết triệt để hơn.

Ông Nguyễn Văn Giới, Chủ tịch UBND xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh - nơi có Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải đóng trên địa bàn cho biết, toàn xã có 5 ấp với 8012 nhân khẩu, việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của ngưởi dân nơi đây. Cụ thể, các hộ gia đình bị thu hồi đất nuôi trồng thủy hải sản không thể tiếp tục canh tác trên phần đất còn lại mà phải đi thuê đất ở nơi khác để tiếp tục sản xuất. Ngoài ra, các hộ gia đình làm muối cũng giảm năng suất do khói bụi từ việc xây dựng và vận hành thử nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 vào tháng 7/2014.

Bà Ngô Thị Mỏng, 61 tuổi, người dân làm muối thuộc ấp Mù U, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh cho biết, năng suất ruộng muối của gia đình bà bị giảm một nửa do khói bụi của nhà máy nhiệt điện Duyên Hải. Bà cho biết, thông thường 1000 dạ muối cho thu hoạch là 30 tấn muối thành phẩm và người làm muối sẽ thu được khoản chi phí là 25 triệu đồng. Tại thời điểm vận hành thử NMNĐ Duyên Hải 1, khói bụi từ vận hành nhà máy đã khiến cho muối bị đen, làm giảm giá thành sản phẩm xuống còn 16 - 17 triệu đồng cho 1.000 dạ muối. Thậm chí, có ruộng muối thành phẩm bị đen quá không bán đi được hoặc bán với giá bằng 1/3 giá thị trường.

Theo kết quả phỏng vấn của người dân vùng ảnh hưởng của Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, 53 % các hộ được hỏi rơi vào tình trạng thất nghiệp sau khi bị thu hồi đất canh tác; chỉ có 19,7% các hộ được phỏng vấn tìm được cơ hôi việc làm mới hoặc có hướng chuyển đổi nghề nghiệp. Chỉ có một bộ phận nhỏ con em, người dân ở địa phương được làm việc trong Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng.

Ông Nguyễn Văn Phối, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cho biết,  hiện nay, xã Ngũ Lão có khoảng 120 công nhân đang làm các công việc trong Nhà máy nhiệt điện. Trong đó, những công nhân chính thức có mức lương ổn định, từ 7 - 9 triệu đồng, những công nhân mùa vụ có mức lương trung bình 4 - 5 triệu/tháng. Ngoài ra, người dân ở xã Ngũ Lão bị mất đất canh tác cũng được UBND xã tạo điều kiện để học nghề và trở thành công nhân của nhà máy da giày trên địa bàn xã.

Còn tại Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng (Hà Tĩnh), các tác động chủ yếu ở đây là vấn đề đảm bảo sinh kế cho người dân khi mất đất nông nghiệp và đất nuôi trồng thủy – hải sản. Một bộ phận nhỏ người dân bước đầu quan ngại tới việc giảm nguồn lợi thủy – hải sản khi nước xả thải của Nhà máy nhiệt điện đổ trực tiếp ra biển Mũi Dung – nơi người dân đang tiến hành khai thác. Ngoài ra, nhận thức của người dân về những tác hại tới môi trường nước – không khí và sức khỏe chưa cao.

Theo quy hoạch năng lượng quốc gia cho giai đoạn 2011 – 2020 tầm nhìn năm 2030, công suất phát điện của nhà máy nhiệt điện đốt than được Chính phủ quy hoạch tăng đáng kể và đạt mức 36.000 MW (chiếm 48% tổng số) vào năm 2020 và 75.000MW (tương ứng 52% tổng số) vào năm 2030.

Quốc Đạt

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển Nhà máy nhiệt điện: Nhiều hệ lụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO