Kinh tế

Phát triển hóa dầu - Mục tiêu quan trọng của Petrovietnam

PV 14/07/2023 - 11:12

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam) chia sẻ, thế giới đang chuyển dịch năng lượng theo xu hướng giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng cường năng lượng tái tạo, bắt kịp xu thế đó, Petrovietnam đã có những chiến lược, chính sách để chuẩn bị cho sự chuyển mình này, hướng tới phát triển bền vững trong tương lai.

PV: Ông nhận định thế nào về xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên thế giới? Tương lai của ngành Dầu khí sẽ ra sao, thưa ông?

02.jpg
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Hiện nay, thế giới đang chuyển mình, năng lượng đang chuyển đổi từ năng lượng truyền thống (than, dầu, khí) sang năng lượng tái tạo để giảm phát thải CO2. Nói “zero carbon” không có nghĩa là không phát thải CO2, mà là phát thải ra và thu hồi cân bằng; thu vào từ rừng núi, cây cối, mùa màng... và các biện pháp thu hồi CO2 để chuyển CO2 thành hóa chất hoặc nhiên liệu, rồi sau đó đốt.

Duy nhất chỉ có một nhiên liệu khi cháy không phát thải CO2 là hydrogen. Từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, một số nhà khoa học đã đề cập đến “Nền kinh tế hydrogen” (Hydrogen Economy). Tuy nhiên, do rất nhiều khó khăn về kỹ thuật vận hành (tàng trữ, vận chuyển...) cho nên hydrogen chưa thể được sử dụng như một nhiên liệu thực thụ. Ngày nay, cơ hội đang đến.

Đầu thế kỷ XXI, nhà hóa học người Mỹ gốc Hungary George A. Olah - người đoạt giải Nobel Hóa học năm 1994 - đưa ra học thuyết “Nền kinh tế methanol” (Methanol Economy). Học thuyết này có một điểm khó là hydrogen. Có một nguồn hydrogen cực kỳ phong phú, không bao giờ cạn là nước. Nhưng việc lấy hydrogen từ nước rất khó, phải có năng lượng. Phản ứng giữa hydrogen và oxygen thành nước tạo ra năng lượng, nhưng phản ứng ngược lại để nhận hydrogen thì phải được cung cấp năng lượng. Nhiều nhà hóa học đã tìm những chất xúc tác cho phản ứng này với hy vọng sản xuất được hydrogen mà tốn ít năng lượng hơn năng lượng hydrogen sẽ phát ra khi cháy nhưng chưa có ai thành công. Vậy năng lượng để phân hủy nước thành hydrogen phải lấy từ đâu?

Hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới, năng lượng lấy từ gió, mặt trời. Điện gió, điện mặt trời, nếu giá thành rẻ, có thể dùng để điện phân nước thành hydrogen. Nhưng giá thành điện gió, điện mặt trời hiện vẫn cao. Điện gió, điện mặt trời còn có nhược điểm không ổn định, không tập trung. Trên thế giới, nhiều quốc gia đang nỗ lực để giảm giá thành điện gió, điện mặt trời.

Cho đến nay, hydrogen chủ yếu được sản xuất từ các nhiên liệu khoáng kèm theo phát thải CO2, đây là điều không mong muốn.

Năm 2022, ước tính toàn thế giới đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào năng lượng tái tạo. Trung Quốc là quốc gia đầu tư nhiều nhất, chiếm 55% đầu tư của toàn thế giới với xấp xỉ 150 tỷ USD cho điện mặt trời và 70 tỷ USD cho điện gió. Xếp sau Trung Quốc là Mỹ và châu Âu. Đức là quốc gia tiên phong ở châu Âu.

Một phương án đầu tư khác để giảm phát thải CO2 đứng sau điện mặt trời và điện gió là CCUS (carbon capture, utilization and storage) - thu hồi, lưu trữ và sử dụng carbon. Đây cũng là một hướng đầu tư lớn, mang lại hiệu quả cao nhưng còn nhiều khó khăn về kỹ thuật.

Còn một nguồn năng lượng mới nữa là nhiên liệu sinh học. Hiện nay, tỷ lệ nhiên liệu sinh học còn thấp, sản lượng của cả thế giới chỉ khoảng trên 100 triệu tấn/năm, quy mô phát triển đang chậm lại. Lý do là xăng hay diesel sinh học đều được sản xuất từ những nguyên liệu ăn được hoặc từ những cây mọc trên đất nông nghiệp, nghĩa là cạnh tranh với nông nghiệp và lương thực.

Về khâu đầu, chúng ta vẫn sẽ phát triển mỏ trong nước, vẫn đầu tư ra nước ngoài. Trữ lượng dầu khí trên thế giới vẫn còn nên chúng ta vẫn tiếp tục làm. Đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài, cần lấy kinh nghiệm từ những dự án thành công để tiếp tục làm.

Được chú ý nhất ngày nay là nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai từ các loại sinh khối. Tất cả các loại phế thải nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, rác thải và nước thải đô thị, rồi đến rừng trồng... đều được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai bằng nhiều cách khác nhau như lên men, nhiệt phân, khí hóa...

Hiện nay, Viện Dầu khí Việt Nam đã thực hiện công nghệ nhiệt phân trong một dự án hợp tác với một viện nghiên cứu tại Đức và chuyển sinh khối nông nghiệp, như lõi ngô, rơm rạ... thành nhiên liệu. Đầu tiên, sinh khối được chuyển thành một hợp chất gọi là dầu sinh học (bio-oil), chứa một lượng oxygen nhưng có thể sử dụng cho các máy nông nghiệp. Theo tôi đây cũng là một con đường mà những nước nhỏ như Việt Nam có thể theo đuổi.

Đó là những hướng đi, những nguồn năng lượng mới phù hợp xu thế tương lai “zero carbon” mà chúng ta có thể đầu tư phát triển về lâu dài.

Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các công ty dầu khí quốc gia cùng với chính phủ đang giữ ít nhất trên 50% trữ lượng dầu khí, còn các tập đoàn dầu khí tư nhân lớn chỉ chiếm hơn 10% trữ lượng dầu khí. Tuy nhiên, đây cũng là một áp lực trong điều kiện cả thế giới đang nỗ lực giảm tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong hoàn cảnh đó, nhiều công ty dầu khí đang cố gắng tìm hướng đi riêng cho mình, thích hợp và cân bằng giữa lợi nhuận trước mắt và hướng phát triển lâu dài. Nếu công ty dầu khí nào không xoay chuyển, thích ứng kịp thì sẽ dễ dàng bị loại khỏi cuộc chơi.

04.jpg
Đạm Cà Mau mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào vận hành sản xuất

PV: Có một vài ý kiến bày tỏ sự lo lắng về nguồn nhân lực, đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao ở khâu đầu. Ông nghĩ sao về điều này?

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Theo tôi, chúng ta có đội ngũ chuyên gia rất giỏi, ngoại ngữ tốt, trình độ kỹ thuật không kém gì chuyên gia nước ngoài, khả năng kinh doanh cũng rất tốt. Đội ngũ kỹ thuật và quản lý của Petrovietnam có thể nói là vượt trội.

Hiện tại, người lao động dầu khí đã có thể làm được mọi việc. PTSC đã có thể thực hiện việc vận chuyển, lắp đặt và chạy thử giàn xử lý trung tâm Sao Vàng, giàn đầu giếng Đại Nguyệt... Kỹ sư của PTSC được các công ty nước ngoài sẵn sàng thuê với giá hàng trăm nghìn USD mỗi năm. Những người làm kỹ thuật ở PVEP, PVTrans, PTSC... đều rất giỏi. Nhân sự tại các doanh nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất, Cà Mau, Phú Mỹ cũng rất giỏi. Giải thưởng Nhà nước trao cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là một minh chứng. Các cán bộ quản lý, kỹ thuật tại các nhà máy đều tiến bộ rất nhanh, làm chủ nhà máy, hơn thế nữa, đã nâng cấp trình độ vận hành nhà máy để không những bảo đảm an toàn tuyệt đối cho vận hành mà còn nâng công suất nhà máy vượt mức thiết kế, tiết kiệm năng lượng đáng kể...

Có thể cơ chế còn nhiều bó buộc, nhưng chúng ta vẫn phải tìm cách phát triển. Dư địa còn nhiều, cả với khâu đầu và khâu sau, nhưng phải quyết liệt và sáng tạo. Trong đó, yếu tố đầu tiên là con người, còn khoa học công nghệ, trang thiết bị chỉ là một phần.

05.jpg
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã có sự chuyển dịch nhất định khi tăng olefin, giảm xăng, tạo ra những sản phẩm mới

Tôi tin con người Việt Nam không hề thua kém bất kỳ quốc gia nào, nhưng phải rèn luyện, phải học, phải biết làm việc. Biết làm việc không có nghĩa là ngồi xuống làm việc, mà phải biết hợp tác, liên kết, liên doanh. Không chỉ hợp tác ở trong nước mà hợp tác với nước ngoài cũng rất cần thiết. Chúng ta phải hợp tác và học hỏi từ những công ty lớn sẵn sàng bỏ tiền ra để làm những dự án mạo hiểm trong các dự án về công nghệ sinh học, hydrogen... Đây là những dự án hoàn toàn mới, chưa được thương mại hóa.

Trong xu thế chuyển đổi năng lượng như hiện nay, các trung tâm nghiên cứu của các đơn vị trong Petrovietnam phải hoạt động mạnh hơn nữa thì mới đủ sức hấp thụ những kiến thức mới của thế giới và áp dụng những công nghệ đó trong điều kiện của đất nước mình. Do đó, cần phải tập trung đào tạo nhân lực, bao gồm đào tạo trong nước, đào tạo ở nước ngoài, đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau... Nhân lực dầu khí rất giỏi, nhưng càng giỏi càng phải học.

Một điều đáng quan tâm, làm thế nào để cán bộ khoa học trong Petrovietnam làm việc với nhau như một khối thống nhất, khi đó mới tạo ra được sản phẩm mới.

PV: Ngành Dầu khí nói chung, Petrovietnam nói riêng, phải chuẩn bị thế nào cho sự phát triển bền vững trong tương lai, thưa ông?

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Về khâu đầu, theo tôi, chúng ta vẫn sẽ phát triển mỏ trong nước, vẫn đầu tư ra nước ngoài. Trữ lượng dầu khí trên thế giới vẫn còn nên chúng ta vẫn tiếp tục làm. Đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài, cần lấy kinh nghiệm từ những dự án thành công để tiếp tục làm. Các đơn vị như PTSC, PVTrans, PV Drilling... có thể làm thuê cho nước ngoài, làm thuê theo mùa, mở rộng hình thức kinh doanh... Luật Dầu khí sửa đổi đã tạo ra những hành lang pháp lý thuận lợi hơn để Petrovietnam phát triển. Nếu khó khăn về tài chính, chúng ta có thể quay lại hợp đồng sản phẩm PSC, đây là dạng hợp đồng đầu tiên chúng ta đã làm.

Về khâu sau, phải khảo sát và tìm những phương án để lĩnh vực hóa dầu phát triển. Trước hết, phải chuyển một phần lọc dầu sang hóa dầu. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã làm được một việc rất đáng khuyến khích là tăng olefin, giảm xăng, tạo ra những sản phẩm mới, đã có sự chuyển dịch nhất định. Theo lý thuyết, phải thay đổi các công đoạn của nhà máy thì mới có được sản phẩm hóa dầu. Có thể nói, cơ sở của ngành hóa dầu là các olefin và các hợp chất thơm (các hydrogen có mạch benzen). Hiện nay trên thế giới chỉ mới có 10% dầu được chuyển thành sản phẩm hóa dầu, còn 90% vẫn là chuyển thành nhiên liệu. Nhu cầu về các sản phẩm hóa dầu đang tăng lên, cuộc sống càng văn minh, sản phẩm hóa dầu càng được sử dụng nhiều.

06.jpg
Lễ ký kết hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi giữa PTSC và Orsted

Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ lọc dầu sang hóa dầu cần thận trọng từng bước, nhưng phải quyết tâm, phải nghiên cứu nhằm tìm ra những giải pháp rẻ tiền hơn để tăng khả năng cạnh tranh.

Theo tôi, đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của Petrovietnam trong tương lai. Muốn chuyển đổi, đầu tiên vẫn phải có khoa học công nghệ, con người và tổ chức, sau đó là các loại dự án tạo ra nhiên liệu, tạo ra năng lượng, tạo ra methanol, diesel, hydrogen... Chúng ta cũng nên triển khai việc tạo ra hydrogen từ một hướng đi mới là từ rác thải, nước thải, chất thải nông nghiệp, công nghiệp, hải sản... bằng các công nghệ khác nhau. Trên thế giới đang có nhiều dự án như vậy được thực hiện, mặc dù quy mô không lớn bằng các dự án điện gió, điện mặt trời, nhưng vẫn có lợi ích kinh tế.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Về khâu sau, phải khảo sát và tìm những phương án để lĩnh vực hóa dầu phát triển. Trước hết, phải chuyển một phần lọc dầu sang hóa dầu. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã làm được một việc rất đáng khuyến khích là tăng olefin, giảm xăng, tạo ra những sản phẩm mới, đã có sự chuyển dịch nhất định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển hóa dầu - Mục tiêu quan trọng của Petrovietnam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO