Năng lượng tái tạo - Con đường phát triển tất yếu
Tại COP26, Việt Nam cùng 146 quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Mục tiêu này là con đường phát triển tất yếu của thế giới kèm theo các tuyên bố chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp, hướng tới đạt mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hiện tại, Việt Nam tiêu thụ điện năng tăng hơn 11% mỗi năm, nhanh hơn đáng kể so với GDP quốc gia. Trong khi đó Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đánh giá Việt Nam là nước sử dụng điện lớn thứ hai Đông Nam Á. Tiêu thụ năng lượng trong khu vực là một trong những mức tăng nhanh nhất thế giới, với nhu cầu tăng ở mức ổn định 6% mỗi năm trong 20 năm qua.
Trong bối cảnh sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước không thể đáp ứng kịp nhu cầu, để tránh phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu để vận hành hệ thống điện và biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chuyển hướng phát triển năng lượng tái tạo.
Thực tế hiện nay, khoảng 80 - 90% các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tại Việt Nam không tích hợp tính hiệu quả sử dụng năng lượng vào khâu thiết kế cơ bản và vận hành công trình. Đây là một sự lãng phí rất lớn, gây ra áp lực cao với hệ thống cung cấp năng lượng. Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn khi tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn là một bài toán nan giải gây ô nhiễm gia tăng.
Đa số phương tiện đều sử dụng xăng, dầu, thải ra môi trường một lượng lớn khí độc hại. Đồng thời, nhiều phương tiện hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí đô thị. Tại TP.HCM, tính đến tháng 9/2020, số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm tới gần 68% tổng lượng xe đang lưu hành.
Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời nhiều nhất trên toàn cầu vào năm 2020. Hệ thống điện mặt trời cung cấp khoảng 10,6 TWh điện vào năm 2020, chiếm gần 4% tổng sản lượng. Dự báo năng lượng mặt trời trên mái nhà sẽ chiếm khoảng một nửa tổng công suất năng lượng mặt trời của Việt Nam vào năm 2030.
Tiềm năng điện mặt trời cao và các mục tiêu năng lượng xanh đầy tham vọng vào năm 2050 giúp Việt Nam có mọi cơ hội để trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo.
Cần nhiều nguồn vốn để phát triển những sáng kiến năng lượng "xanh" cho đô thị
Các mục tiêu năng lượng xanh đầy tham vọng vào năm 2050 giúp Việt Nam có mọi cơ hội để trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo. Vì vậy, tận dụng các nguồn vốn đầu tư để thực hiện hóa các mục tiêu cam kết tai COP26 là điều cần được quan tâm.
Bà Ella Hoxha, Giám đốc Dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam (trực thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID) cho biết “Để đảm bảo một tương lai bền vững cho các đô thị Việt Nam, việc phát triển các giải pháp năng lượng đô thị "xanh" là rất quan trọng. Năng lượng tái tạo và các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả nếu được áp dụng rộng rãi sẽ có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cũng như môi trường trong lành và chất lượng cuộc sống được cải thiện cho người dân thành phố".
Từ năm 2019, Dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam do USAID tài trợ với kinh phí 14 triệu USD đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam ở các cấp nhằm cải thiện khung hỗ trợ, huy động vốn đầu tư và thúc đẩy áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng phân tán, tiên tiến.
Thông qua Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo “Người kiến tạo năng lượng tương lai”, Dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam tìm kiếm và hỗ trợ các đơn vị đang cần triển khai thí điểm/trình diễn các sản phẩm, mô hình kinh doanh mới cho hệ thống năng lượng đô thị phân tán, tiên tiến tại Đà Nẵng và TP.HCM. Thông qua Chương trình, các tổ chức tham gia sẽ có cơ hội nhận tài trợ lên đến 100.000 USD mỗi đề án để thí điểm/trình diễn giải pháp, tiến đến nhân rộng hoặc ứng dụng thương mại.
Dự án được thực hiện trong 4 năm (2019 - 2023) với 3 vòng. Sau vòng đầu tiên, 5 dự án được tài trợ, gồm: Hệ thống pin lưu trữ năng lượng, Hệ thống lưu trữ lạnh, Hệ thống điều khiển cụm máy nén khí thông minh, Bộ đo đếm điện sinh thái và ứng dụng điện thoại di động khuyến khích người dùng sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Dự án đang đánh giá và lựa chọn các chương trình tiềm năng cho Vòng 2. Hiện tại, Chương trình đang kêu gọi các dự án thí điểm/trình diễn tham gia nộp đề án Vòng 3 với thời hạn đăng ký hồ sơ vào ngày 27/5/2022.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tài trợ cho hơn 20 dự án thí điểm hoặc trình diễn sản phẩm, mô hình kinh doanh hoặc mô hình tài chính mới cho hệ thống năng lượng đô thi phân tán, tiên tiến thuộc các lĩnh vực giao thông vận tải, hiệu quả sử dụng điện tại các toà nhà, phát điện, cung cấp và quản lý điện, hiệu quả sử dụng nước".
Dự án sẽ góp phần giúp giải quyết nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam và vấn đề ô nhiễm không khí ở các khu vực đô thị thông qua phối hợp với chính quyền các thành phố và tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp. Dự án cũng hỗ trợ triển khai các giải pháp năng lượng phân tán tiên tiến như điện mặt trời áp mái, xe điện, điện rác và nhiều giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả khác.
Để đảm bảo một tương lai bền vững cho các đô thị Việt Nam, việc phát triển các giải pháp năng lượng đô thị "xanh" là rất quan trọng. Năng lượng tái tạo và các biện pháp sử dụng năng lượng tiệt kiệm hiệu quả nếu được áp dụng rộng rãi sẽ có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cũng như môi trường trong lành và chất lượng cuộc sống được cải thiện./.