Kinh tế

Quảng Nam: Tháo gỡ “điểm nghẽn” cho các dự án trọng điểm chậm tiến độ

Lan Anh 08/05/2024 - 09:39

Nhiều dự án trọng điểm ở Quảng Nam chậm tiến độ, phần lớn do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều khó khăn. Hiện tỉnh Quảng Nam đang tổ chức rà soát, kiểm tra từng công trình nhằm tìm giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Loạt dự án chậm tiến độ

Dự án cầu Tam Giang nối giữa thị trấn Núi Thành và xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam được đầu tư xây dựng năm 2017, có chiều dài 200 m, rộng khoảng 12 m, với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng, do Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Núi Thành làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện 1 năm. Tuy nhiên 6 năm qua dự án này vẫn còn dở dang và chưa có đường dẫn lên cầu. Trong khi đó cầu cũ Tam Giang đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng hằng ngày phải đón hàng nghìn lượt phương tiện lưu thông qua lại.

cautamgiang.jpg
Cầu Tam Giang dang dở sau nhiều năm thi công vì vướng giải phóng mặt bằng

Cũng tại huyện Núi Thành, tháng 5/2019, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng công trình dự án cầu Tam Tiến và đường dẫn nối xã Tam Tiến và Tam Xuân 1 với chiều dài 4,18 km. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 220 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến tháng 12/2022. Thế nhưng, đến thời điểm này, cây cầu vẫn còn ngồn ngang dang dở, người dân đành phải liều mình đi qua cây cầu Máng "tử thần".

Theo lý giải của ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, hai dự án giao thông quan trọng, bức thiết này đều chậm tiến độ, do vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Riêng cầu Tam Giang hiện nay có một số hộ dân chưa đồng ý bố trí chỗ tái định cư nơi ở mới. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động các hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng để sớm triển khai hai dự án bức thiết này.

cautamtien.jpg
Cầu Tam Tiến được khởi công từ tháng 12/2020, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2022 nhưng đến nay vẫn ngổn ngang, dang dở.

Trong khi đó, tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thuộc thị xã Điện Bàn, Dự án khu dân cư dịch vụ - du lịch Làng chài Điện Dương cũng bị “đứng bánh” trong 8 năm qua. Dự án được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2016. Trong quá trình triển khai thực hiện, dự án được UBND tỉnh thống nhất đổi tên chủ đầu tư từ Công ty Cổ phần Beton 6 Miền Trung thành Công ty Cổ phần Xây dựng Bestcon và điều chỉnh tiến độ thực hiện đến quý IV/2020.

Do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên tháng 6/2023, Công ty Cổ phần Xây dựng Bestcon thông báo chấm dứt hoạt động dự án đầu tư khu dân cư dịch vụ - du lịch Làng chài Điện Dương. 8 năm kể từ ngày được chấp thuận đầu tư, khu dân cư dịch vụ - du lịch Làng chài Điện Dương mới thực hiện san lấp nền, còn lại các hạng mục khác đều đang trong tình trạng dang dở.

langchai1.jpg
Khu dân cư dịch vụ - du lịch Làng chài Điện Dương mới thực hiện san lấp nền

Bà Trần Thị Minh, ở khối Hà My Đông B, phường Điện Dương bức xúc cho biết, từ năm 2001, bà cùng các hộ dân ven biển thuộc khối Hà My Đông B tiếp nhận thông báo nhà cửa của mình nằm trong vùng quy hoạch dự án sẽ được giải tỏa, bố trí tái định. Nhưng đến nay mọi thứ vẫn bất động trong khi nhà cửa đã xuống cấp, rất bất an trong mùa mưa bão.

“Tưởng đâu mình sẽ sớm được bố trí đất tái định cư để xây dựng nhà mới, nào ngờ dự án cứ giậm chân tại chỗ từ năm này qua năm khác khiến người dân rất đỗi bức xúc. Chứng kiến nhà cửa xuống cấp nhưng không thể xây dựng mới được vì nhà ở nằm trong vùng dự án này”, bà Minh nói.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Điện Bàn cho biết, công tác GPMB được xem là khâu quan trọng khi triển khai các dự án bất động sản, bởi nó liên quan đến giá đất và thu tiền sử dụng đất. Hiện nay chính quyền thị xã Điện Bàn đang rà soát lại các dự án chậm tiến độ, vướng mặt bằng và chậm triển khai thi công trên địa bàn thị xã để làm báo cáo gửi cho UBND tỉnh Quảng Nam. Do trên địa bàn có rất nhiều dự án nên phải đến cuối tháng 5/2024 địa phương mới thống kê được các dự án chậm tiến độ hay dừng triển khai thi công.

“Chủ trương của thị xã Điện Bàn là rà soát chi tiết từng dự án rồi phân chia các nhóm dự án để có phương án cụ thể. Mục tiêu phải làm sao để có phương án cụ thể về công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch. Nếu cần thiết có thể tính toán đến phương án chỉnh trang, đầu tư thêm hạ tầng thiết yếu.

Trong phạm vi của thị xã Điện Bàn thì chủ động thực hiện, còn không sẽ báo cáo lên tỉnh để tìm hướng giải quyết”, ông Nguyễn Xuân Hà, cho biết thêm.

khunhao.jpg
Quảng Nam sẽ rà soát, kiểm tra từng dự án chậm tiến độ để tháo gỡ từng phần

Liên quan vấn đề này, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: UBND tỉnh đã có công văn số 3021 gửi các Sở, ban ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về việc triển khai thực hiện chủ trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan rà soát, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh xem xét, hủy bỏ các quy định, thủ tục không cần thiết tạo rào cản cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tích cực nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật để tham mưu UBND tỉnh tăng cường phân cấp, ủy quyền, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết trên môi trường điện tử và tăng cường thanh tra trách nhiệm thủ trưởng, thanh tra công vụ của các cơ quan liên quan.

Đối với Sở TN&MT khẩn trương rà soát các tồn tại, vướng mắc, khó khăn liên quan đến công tác bồi thường, GPMB, tái định cư trên địa bàn tỉnh; tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trước ngày 6/5/2024 để xem xét, trình Ban cán sự Đảng UBND tỉnh thảo luận, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy. Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, GPMB, tái định cư; kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, phát sinh.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để GPMB hiện là rào cản lớn trong thu hút đầu tư và triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Luật Đất đai 2024, với nhiều quy định đổi mới trong chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hi vọng từng bước tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại phát sinh từ thực tiễn, góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB bằng giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện phát sinh có liên quan của tỉnh Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Tháo gỡ “điểm nghẽn” cho các dự án trọng điểm chậm tiến độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO