Ông Nguyễn Thanh Hoài – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu (Nghệ An): Tập trung các nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững
Huyện Quỳ Châu là một trong những huyện nghèo của tỉnh Nghệ An với tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì thế, giảm nghèo là mục tiêu hàng đầu mà cả hệ thống chính trị huyện này đang tập trung thực hiện. Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hoài – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết những nét khái quát về huyện Quỳ Châu?
Ông Nguyễn Thanh Hoài:
Quỳ Châu là huyện miền núi vùng cao nằm phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An. Toàn huyện có 14.676 hộ, với gần 63 nghìn nhân khẩu, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 80% dân số toàn huyện; hiện đang sinh sống trên địa bàn 11 xã, 01 thị trấn với 84 khối/xóm/bản.
Tổng số xã thuộc khu vực 3 (Xã đặc biệt khó khăn): 9/12 xã; có 03/12 đơn vị thuộc khu vực 1.
Quỳ Châu là 1 trong 4 huyện nghèo của tỉnh, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; kinh tế của huyện chưa phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện còn cao (Theo điều tra hộ nghèo cuối 2022, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện là 52,61%); thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp; dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; giá cả thị trường thiếu ổn định đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân và doanh nghiệp.
PV: Vậy xin ông cho biết, trong những năm qua, huyện Quỳ Châu đã thực hiện mục tiêu giảm nghèo như thế nào và đã đạt những kết quả gì cho đến thời điểm hiện nay?
Ông Nguyễn Thanh Hoài:
Trong những năm qua, huyện Quỳ Châu luôn đặt công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội của huyện luôn hướng đến mục tiêu giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện đã ban hành Đề án số 08 –ĐA/HU ngày 30/12/2020 của BTV Huyện ủy về giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Quỳ Châu giai đoạn 2020 – 2025 và các kế hoạch, văn bản để triển khai thực hiện nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Hàng năm UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động TB –XH và các xã, thị trấn Tân Lạc triển khai rà soát, phân loại hộ nghèo theo bộ tiêu chí đánh giá, từ đó có cơ sở để xây dựng các giải pháp giảm nghèo phù hợp, trong đó tập trung giải quyết vấn đề thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, đảm bảo hộ thoát nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo.
Đến nay, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả đáng kể.
Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 giảm xuống 37% (giảm 5,04% so với năm 2021) và các chính sách giảm nghèo được triển khai đầy đủ, đến tận người dân đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân;
Cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được đầu tư xây dựng, đã góp phần vào việc hỗ trợ phát triền kinh tế -xã hội, góp phần vào công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác giảm nghèo có những chuyển biến tích cực. Phong trào “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Tết vì người nghèo”, công tác xã hội hóa giảm nghèo được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
PV: Bên cạnh những thành quả đạt được, huyện đang phải đối mặt với những khó khăn nào trong công tác giảm nghèo, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Hoài:
Trên thực tế, kết quả giảm nghèo trên địa bàn huyện vẫn chưa thật sự mang tính bền vững, chưa tương xứng với công sức, kinh phí mà Nhà nước đã đầu tư, hỗ trợ, vẫn còn một bộ phận hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo.
Nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo dù được đầu tư lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hiện nay các chính sách giảm nghèo chủ yếu đang mang tính hỗ trợ, trong khi chính sách đầu tư, tạo việc làm sinh kế cho người nghèo chưa nhiều, hiệu quả chưa cao. Mặt khác, phần lớn hộ nghèo trình độ học vấn thấp, không có tay nghề, không có bằng cấp, đông con, gia đình có người đau ốm thường xuyên, thiếu phương tiện sản xuất nên khó tìm kiếm việc làm, mức thu nhập thấp gây khó khăn trong công tác giảm nghèo bền vững.
Nhận thức một bộ phận nhân dân, người lao động trog công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao độn chưa cao. Số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tuy vượt chỉ tiêu kế hoạch nhưng thấp so với mặt bằng chung của tỉnh.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện nay vẫn chưa có nhà máy, khu công nghiệp để giải quyết việc làm tại chỗ lao động trên địa bàn.
PV: Vậy, xin ông cho biết các giải pháp chủ yếu trong thời gian tới cho chương trình mục tiêu giảm nghèo của huyện Quỳ Châu như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Hoài:
Trong thời gian tới huyện tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Đó là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác giảm nghèo, cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Triển khai kịp thời, có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia và các chương trình dự án đã được bố trí kinh phí. Trong đó, có đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, đào tạo nguồn nhân lực cho các đối tượng hộ nghèo, người DTTS, phụ nữ… tạo điều kiện cho người dân có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, làm giàu chính đáng góp phần công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của mỗi người dân, toàn xã hội đối công tác giảm nghèo. Quan tâm công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động được xem là mũi nhọn, là giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo. Tăng cường vận động, thu hút doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.
Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo nhằm giải quyết các thiếu hụt về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin, truyền thông cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Tập trung nguồn lực cho việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo chưa có nhà ở, bảo đảm 100 % hộ nghèo có nhà ở theo tiêu chí của Bộ Xây dựng.
Xin trân trọng cảm ơn ông !