Mạnh dạn chuyển đổi
Xã Cư Drăm được biết đến là địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở huyện Krông Bông. Điển hình là hàng chục hộ dân ở thôn 2 đã mạnh dạn chuyển đổi hàng trăm héc-ta cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao.Từ quê hương Hà Nam vào định cư tại thôn 2, xã Cư Drăm từ năm 1986, đến nay, vợ chồng anh Trần Văn Hùng và chị Trần Thị Nhung đã có hơn 6ha đất trồng trọt. Khi đất còn màu mỡ, anh Hùng trồng các loại đậu như: đậu xanh, đậu nành, đậu cove lùn… cho thu nhập cao.
Những năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường do BĐKH, việc canh tác các loại đậu, đỗ không còn cho năng suất cao, anh Hùng đã trồng xen và dần chuyển đổi sang trồng hơn 3ha cà phê. Nhờ chăm sóc cẩn thận, đúng quy trình kỹ thuật nên cà phê phát triển tốt, năng suất cao, giá cả ổn định. Khi năng suất cà phê thấp do thời tiết thường xảy ra mưa khi cà phê trổ hoa, giá cả có chiều hướng giảm, anh Hùng lại quyết định phá bỏ hơn 1ha cà phê để trồng 1.200 trụ hồ tiêu.
Vườn hồ tiêu phát triển tốt, quả nhiều, khi giá đạt từ 150 nghìn đến hơn 200 nghìn đồng/kg, gia đình anh Hùng thu về từ 500 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Vườn hồ tiêu đang phát triển tốt thì bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Anh Hùng lại phá bỏ tiêu, đầu tư trồng gần 300 cây sầu riêng ghép và một số loại cây ăn quả khác. Ngoài giữ lại 2ha cà phê, gia đình anh Hùng còn trồng hơn 4ha dứa đồi. Đến nay, các loại cây ăn quả đã bắt đầu cho thu hoạch, ước tính mỗi năm thu về trên dưới 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Tương tự, gia đình anh Trần Văn Hòa và chị Trần Thị Nghiệp cũng là một trong những hộ nhanh nhạy, mạnh dạn trong chuyển đổi cây trồng, đem lại lợi nhuận kinh tế cao ở xã Cư Drăm. Hiện tại, anh Hòa có hơn 3ha đất canh tác, trước đây, phần lớn diện tích đất trồng các loại đậu và cây ngắn ngày. Sau đó anh chuyển đổi hơn 1ha sang trồng hơn 1.000 trụ hồ tiêu. Chất đất phù hợp, thời tiết thuận lợi, chăm bón đúng kỹ thuật nên vườn tiêu của gia đình anh Hòa luôn đạt sản lượng cao, có năm anh thu hơn 6 tấn hồ tiêu khô. Thu được hơn 4 năm thì vườn hồ tiêu có hiện tượng nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm. Biết loại bệnh này khó chữa, hơn nữa, lúc đó giá hồ tiêu xuống thấp nên gia đình anh Hòa quyết định chuyển đổi cây trồng khác.
Anh dành thời gian đi tham quan mô hình trồng cây mắc ca ở huyện Krông Năng rồi phá bỏ diện tích tiêu bị bệnh để trồng xen hơn 300 cây mắc ca, cùng hơn 100 cây dổi lấy hạt, sầu riêng và một số loại cây ăn quả khác. Anh cũng xử lý đất trồng xen hàng chục nghìn mắt dứa đồi. Anh đầu tư gần 30 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước. Đến nay, vườn mắc ca hơn 300 cây đã cho thu hoạch vụ thứ hai, sản lượng hơn 600kg. Ngoài ra, gia đình anh Hòa còn tận dụng diện tích đất ranh ven đồi trồng xen hàng nghìn mét vuông cỏ nuôi bò nhốt chuồng; nuôi 10 con heo nái và hơn 100 heo thịt, thu nhập gần 500 triệu đồng mỗi năm.
Ứng dụng công nghệ với sản xuất
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, ngoài việc thay đổi cơ cấu cây trồng, bà con nông dân đã từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trước những thay đổi cực đoan về thời tiết, nhất là nguồn nước đang thiếu. Cụ thể, gia đình ông Trần Đình Nam ở xã Yang Reh, huyện Krông Bông quyết định chuyển đổi gần 1ha cà phê lâu năm sang trồng cây ngắn ngày hơn là chanh dây. Từ đó, vườn chanh dây phát triển ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp đời sống gia đình ông ngày một ổn định hơn.
Theo Sở NN&PTNT, những năm qua, nông nghiệp Đắk Lắk đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, năng suất một số cây trồng như lúa, ngô, cà phê, cao su, điều và tiêu luôn cao hơn so với các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt và hạn hán ở Tây Nguyên cho thấy biểu hiện của BĐKH ngày càng rõ rệt, làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Để duy trì sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng, ngoài mô hình nông nghiệp tích hợp công nghệ thông minh, còn có các mô hình liên quan đến quản lý nước và tưới tiêu thông minh được áp dụng trong hầu hết các hệ thống sản xuất cây trồng ở Đắk Lắk như cà phê, tiêu, cây ăn quả... Bên cạnh đó, còn những ứng dụng khác có thể kể tới như: áp dụng các giống cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh (các giống lúa lai, các giống cà phê lai tạo…); phát triển hệ thống nông lâm kết hợp; áp dụng trồng xen canh trong sản xuất cà phê... cũng giúp điều hòa nhiệt hoặc trồng cây che phủ đất để giữ ẩm cho đất. Điều này cũng giúp nông dân đa dạng hóa thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng thích ứng với BĐKH.
Nội dung trích dẫn...
Dự án tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (SACCR) đã được khởi động. Đắk Lắk là 1 trong 5 tỉnh được hưởng lợi từ dự án, mở ra nhiều cơ hội cho các nông hộ nhỏ tiếp cận với các giải pháp thích ứng với BĐKH. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, trong 5 năm triển khai, dự án sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho hàng nghìn nông hộ ở Đắk Lắk bằng việc nâng cao năng lực thông qua đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và triển khai vùng nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu... Các mục tiêu của dự án đề ra sẽ giúp người dân ở những khu vực này tiếp cận được các mô hình nông nghiệp thông minh, từng bước cải thiện sản xuất và cuộc sống.