Nơi vẫn đợi ta về

04/02/2019 06:55

(TN&MT) - Tôi lại về quê sau một tuần nơi phố thị. Đặt chân lên con đường làng, mọi ồn ào của cuộc sống thời mở cửa, hội nhập hầu như tan biến hết. Tất cả vẫn còn đây nguyên vẹn một làng quê, cây đa, bến nước, cổng làng… Chiếc cổng đã bao đời nay tiễn người đi, đón người về. Đã bao nhiêu thế hệ trên con đường này ra đi mang lại bao điều vẻ vang cho quê hương, đất nước… Rồi lại trở về làng sống bình dị như một người làng mà nhiều đời này thường vẫn thế. Quê hương là nơi chôn rau, cắt rốn, nguồn cội để di dưỡng tinh thần. Về quê, về với những truyền thống tốt đẹp trên mảnh đất này!

ND20
Đường Lâm là ngôi làng đầu tiên được trao bằng Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia. Ảnh: MH

Về quê, như một thói quen, tôi thích đi một mình trong những con ngõ khúc khuỷu, vắng vẻ và yên tĩnh đến kỳ lạ. Nhiều khi, nghe tiếng bước chân mình rộn vang trong từng ngõ nhỏ mà như thấy thời gian ngưng đọng ở đất này. Vẫn những tường đá ong sừng sững chạy, những mái ngói rêu phong âm thầm đổ bóng… Mặc cho những biết động thăng trầm của lịch sử, đá ong còn đây, qua thời gian, đá vẫn cất tiếng hát trầm hùng của trí tuệ, của mồ hôi công sức con người đã tạo dựng nêm một làng quê, cho đến tận bây giờ vẫn đẹp như cổ tích.

Cũng con ngõ nhỏ này, bao thế hệ những người đi trước từ thuở khai ấp, mở làng đã đặt chân lên. Năm tháng qua đi, khi nói về họ vẫn là những câu chuyện đằm sâu trong ký ức dân làng. Hết thế hệ nọ đến thế hệ kia, cha truyền cho con, ông truyền cho cháu… Đời sống ấy được bồi đắp như những bức tường… đá chống lên đá, đá làm thành nhà, thành cổng và mãi còn vang vọng một bài ca về sự lao động sáng tạo, để cho đến hôm nay, chúng ta còn một kiến trúc độc đáo có một không hai trên đất nước này.

20181218 142157
Những bức tường đá ong như chứng nhân lịch sử của làng

Nếu như Hội An là đô thị cổ Việt Nam đầu tiên được công nhận là di sản thế giới, làng Đường Lâm là ngôi làng đầu tiên được trao bằng Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia. Trên thực tế, Đường Lâm là đơn vị hành chính cấp xã. Trong xã Đường Lâm có 9 làng, những làng này xưa kia thuộc tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Thọ, trấn Sơn Tây. Trong 9 làng này có 5 làng liền thổ. Đó là các làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và một phần của làng Cam Lâm cũ. Du khách đến đây không thể phân biệt được ranh giới giữa các làng. Song, trên thực tế đây vẫn là 5 làng riêng biệt, riêng phong tục, tập quán, tín ngưỡng, thổ âm… Các làng này trong diễn tiến lịch sử đã gắn kết với nhau thành một thực thể thống nhất với cái tên: Làng Việt cổ đá ong Đường Lâm.

Nói đến Đường Lâm cổ ấp là nói đến hai di tích nổi tiếng toàn quốc. Đền Phùng Hưng và lăng Ngô Quyền. Vào thế kỷ thứ VIII, Phùng Hưng cùng với em là Phùng Hãi đã phất cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ nhà Tùy - Đường. Trải qua nghìn năm, trên mảnh đất này với những địa danh như: Đồi Hổ Gầm, đồi Viễn Sơn, Nghẽn Sơn vẫn gắn lền với sự tích oai hùng của Phùng Hưng. Vào thế kỷ thứ X, trên mảnh đất này lại xuất hiện một vị anh hùng hào kiệt nữa là Ngô Quyền. Sau khi thắng quân Nam Hán, Ngô Vương đã mở ra một kỷ nguyên độc lập sau 1.000 năm Bắc thuộc. Trong Đại Việt sử ký toàn thư viết: Ba mươi sáu quả đồi gò, cùng mười tám giộc sâu đã tạo nên cho Đường Lâm một thế đất hùng hiểm. Đến tận bây giờ, vẫn còn đây những địa danh như: Bè Xe, Bến Thuyền, Sà Mâu, Mũi Giáo, Đồi Gậy, Cội Đa Gươm… Chí lớn như vẫn được tỏa ra từ những cỗi duối buộc voi nghìn năm tuổi với những cái tên đã đi vào lịch sử của mảnh đất làng.

Đặt chân trên đất Đường Lâm, âm hưởng của bài ca dựng nước và giữ nước như níu lấy mỗi bước chân người. Đây là nhà thờ của cụ Thám Hoa Giang Văn Minh. Trong một không gian thờ tự u tịch và trang nghiêm, vẫn còn sang sảng đâu đây vế đối làm bạt vía giặc thù: Đằng giang tự cổ huyết do hồng! Người xưa như vẫn còn đây, ngàn năm bất diệt với lời truy tặng của vua Lê: Sứ bất nhục quân mệnh khả vi thiên cổ anh hùng! Tinh thần ấy, ý chí ấy đã nâng bước chân bao lớp người bước tiếp trong cuộc trường chinh kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ.

Về quê là về với không gian văn hóa truyền thống. Nguồn cội là đây, trong khói hương của tín ngưỡng, vẫn thấp thoáng đâu đây hình bóng của tổ tiên, ông bà, cha mẹ… Mọi thế hệ vẫn như hằng ngày mỗi ngày, dõi theo từng bước trưởng thành của cháu con. Tôi tự hào về lớp lớp người đi trước đã để lại những công trình kiến trúc trên mảnh đất này. Những công trình ấy là kết tinh của văn hóa, để đến hôm nay, làng quê này trở thành một bảo tàng sống của những cộng đồng cư dân nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ... Căn nhà của chúng tôi đã trải mười bốn đời sinh sống...

Cùng với làng cổ, nhà cổ, nghề làm tương cũng có từ rất lâu trong làng. Từ ngày kinh tế thị trường rộng mở, nghề nghiệp càng có điều kiện phát triển. Nghề làm tương đã gắn bó với chúng tôi hơn ba mươi năm qua. Thu nhập từ làm tương góp một phần không nhỏ cho thu nhập của gia đình. Người xưa đã từng nói: “Tương cà gia bản”… Mỗi khi về đến nhà nhìn thấy những chum tương chen vai nhau đứng trong sân nhà, tôi thấy lòng mình ấm áp. Một cảm giác thân thuộc, gần gũi và gắn bó máu thịt trong đời sống gia đình.

Sau nhiều năm, cùng với chính quyền, các cấp bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của ngôi làng độc đáo này. Một trong những hướng mở cho phát triển kinh tế của làng đó là du lịch. Các công ty lữ hành đã đưa khách về Đường Lâm. Đường Lâm giờ đây trở thành địa điểm thăm quan du lịch. Hoa trái được trồng trên những mảnh ruộng quanh làng, quanh vườn đã mang lại cho khách nhưng trải nghiệm thú vị và dân dã của một làng quê.

Một chiều đầu đông, ánh nắng vàng vọt khe khẽ đọng lại trên mái đình làng…

Chiều nay, tôi lại ra đình. Đình được xây dựng từ đời vua Lê Vĩnh Tộ đã cách nay gần bốn trăm năm, đã được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên dáng dấp thủa ban đầu. Đó là lối kiến trúc cổ Việt - Mường. Dưới mái đình này, bao nhiêu hội làng đã đi qua, dẫu cho ở lại làng hay lập thân xứ người nhưng hẳn trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn còn vang vọng âm hưởng một vùng quê.

Còn có gì thú vị bằng một chiều nào đó, ta bỏ lại tất những bộn bề của đời sống. Không định đi đâu, cứ lang thang trên những con đường làng, rồi tạt vào một quán quà quê nào đó với bát nước chè xanh bên sân đình. Như đã từ bao đời làng quê vẫn tồn tại như thế. Bao nhiêu âm thanh của đời sống, những câu chuyện không đầu không cuối của thời vụ, của cưới gả, giỗ chạp… bên cạnh nhưng tiếng cười đùa trong trẻo của tuổi thơ. Tôi đã có một tuổi thơ và từng có một tuổi thơ như thế tại nơi này. Phải chăng đó cũng là một may mắn, một diễm phúc là con dân của cái nôi văn hóa xứ Đoài - vùng đất một thời vang danh trong tứ xứ của đế đô kinh kỳ Thăng Long - Kẻ Chợ… Những giá trị ấy chỉ có thể được gìn giữ bởi chính mỗi con người nơi đây. Có như vậy, di sản sẽ thật sự là một bảo tàng sống trong một cộng đồng cư dân, tình cảm ấy bền chặt trong từng nếp nhà, trong cả một công đồng dân cư… chỉ có con người mới gìn giữ được.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi vẫn đợi ta về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO