Nỗi lo ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt

08/11/2016 00:00

(TN&MT) - Với hơn 1 triệu dân, lưu lượng nước thải sinh hoạt thải ra trên 200.000 m3/ngày-đêm. Tuy nhiên, với 5 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, công nghệ xử lý vẫn lạc hậu nên Đà Nẵng chỉ giải quyết tối đa từ 30-50% lưu lượng nước thải sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, tình trạng ô nhiễm do các nhà máy xử lý nước thải gây ra còn phổ biến, trong đó chủ yếu là mùi hôi.

Những năm qua, Đà Nẵng đang ráo riết thực hiện Đề án xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, vậy nên nước thải sinh hoạt được thu gom tối đa để giải quyết tình trạng ô nhiễm. Để đạt được mục tiêu này, các ngành chức năng đã phải nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, với lưu lượng nước thải sinh hoạt thải ra trên 200.000 m3/ngày-đêm, Đà Nẵng vẫn đang loay hoay tìm nhiều giải pháp, kể cả vấn đề công nghệ xử lý để "triệt hạ" vấn nạn ô nhiễm từ nguồn nước thải sinh hoạt này.

Với 5 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, công nghệ xử lý vẫn lạc hậu nên Đà Nẵng chỉ giải quyết tối đa từ 30-50% lưu lượng nước thải sinh hoạt hằng ngày
Với 5 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, công nghệ xử lý vẫn lạc hậu nên Đà Nẵng chỉ giải quyết tối đa từ 30-50% lưu lượng nước thải sinh hoạt hằng ngày

Qua tìm hiểu của PV, được biết, hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt hiện nay hầu hết tập trung ở các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ... Tại quận Ngũ Hành Sơn chỉ thực hiện được ở các phường Mỹ An, Khuê Mỹ. Riêng quận Liên Chiểu chỉ đạt khoảng 20%.

Trao đổi với PV, ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng cho biết: “Trong tương lai, thành phố nên đầu tư, thu gom nước thải tại các khu vực như các xã Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phong (huyện Hòa Vang)… vì đây là những khu vực xả nước thải trực tiếp xuống sông Cầu Đỏ - nơi có nhà máy cấp nước sinh hoạt cho thành phố nên rất nguy hiểm”.

Cũng theo ông Mai Mã, hiện nay, đối với các khu vực xả ra sông Phú Lộc, dự án hạ tầng ưu tiên thành phố đang triển khai để thu gom, đưa về nhà máy xử lý nước thải Phú Lộc. Đối với khu vực Liên Chiểu, thành phố đang đầu tư xây dựng nhà máy để xử lý nước thải trên địa bàn quận.

Tại các khu vực ven biển Sơn Trà, dự án JICA (Nhật Bản) đang nghiên cứu đầu tư cống bao. Riêng khu vực ven biển Ngũ Hành Sơn, thành phố đang nghiên cứu các giải pháp khả thi để đấu nối nước thải khu dân cư bơm trực tiếp về trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn; đồng thời nâng cấp các trạm bơm tại các cửa xả ven biển, chống tình trạng nước thải quá tải tràn ra biển gây ô nhiễm.

Mới đây, Đà Nẵng đã đầu tư, nâng cấp nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Phú Lộc có công suất 40.000m3/ngày/đêm. Khi đưa vào vận hành, nước xử lý sẽ đạt loại A, nước thải sau khi xử lý sẽ trực tiếp xả ra sông Phú Lộc để súc rửa dòng sông. Đồng thời, thành phố cũng đang đầu tư xây dựng mới nhà máy xử lý nước thải Sơn Trà để xử lý nước thải tại khu vực và Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang. Dự kiến thời gian đến sẽ đưa vào vận hành thử nghiệm.

Trong khi đó, thời gian tới, khi trạm xử lý nước thải Sơn Trà đưa vào vận hành, những bức xúc về ô nhiễm môi trường tại khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cũng sẽ được giải quyết căn bản. Hiện tại, Âu thuyền Thọ Quang có 37 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản; 11 cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền; 12 xưởng sản xuất nước đá; 19 tàu cung ứng dầu của các doanh nghiệp hoạt động thường xuyên. Qua thống kê, lượng nước thải phát sinh trong quá trình buôn bán, sinh hoạt của người dân tại đây trung bình 75m3/tháng.

Đà Nẵng vẫn đang loay hoay tìm nhiều giải pháp, kể cả vấn đề công nghệ xử lý để
Đà Nẵng vẫn đang loay hoay tìm nhiều giải pháp, kể cả vấn đề công nghệ xử lý để "triệt hạ" vấn nạn ô nhiễm từ nguồn nước thải sinh hoạt này

Bên cạnh đó là một khối lượng lớn rác thải do các tàu cá xả trực tiếp xuống mặt nước hàng ngày chưa được thu gom khiến bùn lưu trữ lâu ngày gây mùi hôi thối. Một yếu tố gây nên tình trạng ô nhiễm nữa là từ hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản, tàu cá, các chợ đầu mối đổ trực tiếp xuống Âu thuyền. Trong khi đó 2 trạm xử lý nước thải chưa có cơ chế kiểm soát chất lượng nước sau khi xử lý khiến tình trạng ô nhiễm môi trường khó được kiểm soát.

Hiện tại, Đà Nẵng đang nâng cấp trạm xử lý nước thải Hòa Xuân lên 60.000m3/ngày/đêm để bơm nước thải từ Hòa Cường về xử lý; tránh sốc tải cho Trạm xử lý nước thải Hòa Cường. "Song song việc nâng cấp nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, để nâng cao hiệu suất xử lý nước thải sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tế, thời gian tới, thành phố cần phải đầu tư đấu nối tại các khu vực chưa được xử lý, thu gom trên địa bàn thành phố" - ông Mã cho biết thêm.

Trao đổi với PV, bà Phan Thị Hiền - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, Chi cục đang triển khai công tác giám sát môi trường bằng hệ thống quan trắc tự động tại các nhà máy theo hình thức độc lập, tránh tình trạng các nhà máy chỉ làm đối phó, qua đó sẽ nâng cao hiệu quả trong công tác xử lý nước thải ở các trạm.

Bài & ảnh: Xuân Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO