Tạo nền tảng cho mục tiêu môi trường dài hạn
Đánh giá về tình hình môi trường hiện nay, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến rất nhanh, phức tạp, cạnh tranh ngày càng gay gắt; các nước ngày càng chú trọng hàng rào kỹ thuật về môi trường, cùng với nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn dẫn đến nguy cơ chuyển dịch công nghệ lạc hậu, kém thân thiện với môi trường vào nước ta.
Ở trong nước, quy mô nền kinh tế, dân số ngày càng lớn, mức độ công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh, khai thác tài nguyên, phát sinh các nguồn gây ô nhiễm, chất thải ngày càng lớn dẫn đến áp lực lên môi trường ngày càng cao, ảnh hưởng, tác động xấu đến chất lượng môi trường và đa dạng sinh học (ĐDSH); vẫn còn tư tưởng ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư bằng mọi giá, xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường (BVMT), quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế chưa được thực hiện triệt để; ý thức, trách nhiệm BVMT, việc thực thi công tác BVMT còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao…
Trong khi đó, năm 2020 là năm về đích hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của giai đoạn 2016 - 2020, tạo nền tảng cho các mục tiêu dài hạn hơn đến năm 2030, 2045. Để thực hiện hiệu quả công tác BVMT giai đoạn hiện nay cũng như 5 năm tiếp theo, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý về BVMT.
Cụ thể, cần sửa đổi, bổ sung Luật BVMT để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm của Đảng về BVMT, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa môi trường cùng với kinh tế, xã hội là ba trụ cột trung tâm của phát triển, đưa công tác BVMT sang giai đoạn mới. Các nhóm chính sách lớn được định hình trong dự án Luật là: Phân luồng, phân nhóm các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất theo mức độ tác động đến môi trường để có biện pháp quản lý môi trường phù hợp; phân vùng môi trường và cơ chế sàng lọc các dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường; cơ chế quản lý môi trường theo các giai đoạn của vòng đời dự án; liên thông, tích hợp các loại giấy phép, chứng nhận, công nhận về môi trường theo hướng 1 dự án, cơ sở sản xuất chỉ có 1 giấy phép về môi trường; xác định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về môi trường của nhà nước và quản trị môi trường của chủ đầu tư, doanh nghiệp; quy định về quản lý chất thải rắn theo hướng phù hợp với tình hình phát sinh và bối cảnh kinh tế - xã hội; tăng cường sử dụng công cụ kinh tế, cơ chế tài chính trong quản lý môi trường…
Bộ TN&MT sẽ thực hiện 3 nhiệm vụ lập quy hoạch về BVMT quốc gia, bảo tồn ĐDSH quốc gia, quan trắc môi trường quốc gia với 4 nội dung chính là phân vùng môi trường, bảo tồn thiên nhiên ĐDSH, quy hoạch khu xử lý chất thải rắn tập trung, hệ thống quan trắc môi trường nhằm định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường, giám sát, cảnh báo chất lượng môi trường.
Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường theo hướng rà soát, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam phù hợp chuẩn mực khu vực và quốc tế; xây dựng lộ trình áp dụng để thiết lập hàng rào kỹ thuật ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch chuyển công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.
Sự tham gia của cộng đồng tạo thêm nguồn lực tại chỗ cho sự nghiệp BVMT. Ảnh: MH |
Huy động cộng đồng chung tay BVMT
Đánh giá cao vai trò của cộng đồng trong sự nghiệp BVMT, ông Nguyễn Văn Tài khẳng định: Sự tham gia của cộng đồng vào BVMT không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ cho sự nghiệp BVMT, mà còn là lực lượng giám sát môi trường nhanh và hiệu quả, giúp cho các cơ quan quản lý môi trường phát hiện, giải quyết kịp thời sự ô nhiễm môi trường ngay từ khi mới xuất hiện. Nếu không có sự tham gia của cộng đồng thì không có khả năng thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Do vậy, để khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia tích cực vào công tác BVMT, Dự thảo Luật BVMT sửa đổi đã dành riêng 1 Chương với 5 Điều (tăng 2 Điều so với Luật BVMT 2014), quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tách riêng quyền và trách nhiệm với điều kiện thực thi của cộng đồng dân cư trong BVMT và các cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện thực thi này.
Đặc biệt, dự thảo Luật quy định tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn, đại diện cho đoàn viên, hội viên, cộng đồng dân cư và nhân dân trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở để khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường do hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ra.
“Với những điểm đổi mới này được đưa vào dự thảo Luật BVMT sửa đổi, chúng tôi hy vọng, sẽ nhận được sự đồng thuận của nhân dân, để cùng hướng đến một mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành - một trong những quyền của nhân dân đã được Hiến pháp 2013 ghi nhận”, ông Nguyễn Văn Tài cho biết.