Yên Bái xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố chất thải
(TN&MT) - Trong giai đoạn 2024 - 2030, tỉnh Yên Bái đã lên kế hoạch ứng phó với sự cố chất thải. Theo đó, tỉnh đã dự kiến tình huống, biện pháp xử lý và phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng Sở, ngành, địa phương và đơn vị khi có tình huống xảy ra.
Theo 17 loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái có một số loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản (chì kẽm, quặng sắt); chế biến lâm, nông sản (sản xuất giấy đế, chế biến tinh bột sắn); sản xuất vật liệu xây dựng (sản xuất xi măng); chăn nuôi gia súc quy mô trang trại (chăn nuôi lợn).
Cụ thể, về chất thải rắn trong đó có hoạt động khai thác khoáng sản, chế biến khoáng sản. Đặc biệt, là sự cố do trượt lở bãi thải, hồ chứa bùn thải quặng đuôi từ hoạt động khai thác, chế biến quặng chì kẽm, quặng sắt...
Chất thải khí, có quá trình hoạt động sản xuất xi măng khi hệ thống xử lý bụi, khí thải bị sự cố có nguy cơ gây ra sự cố, ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh và đời sống sinh hoạt của người dân trên phạm vi rộng.
Chất thải lỏng, có hoạt động chăn nuôi lợn có quy mô công nghiệp; hoạt động sản xuất giấy đế, chế biến tinh bột sắn... khi bị vỡ các hồ, công trình xử lý nước thải; các cơ sở tuyển quặng sắt, chì kẽm khi bị vỡ hồ, đập xử lý bùn thải quặng đuôi...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có tính chất, quy mô của các cơ sở trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố theo 17 loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ. Cụ thể: Nhóm chế biến khoáng sản kim loại; chế biến khoáng sản sử dụng hoá chất; Nhóm sản xuất giấy; Nhóm lọc hoá dầu; Nhóm xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Nhóm sản xuất xi măng; Nhóm sản xuất tinh bột sắn và nhóm chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung.
Ngoài các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nêu trên, trên địa bàn tỉnh còn có một số khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất phát sinh lượng chất thải lớn có nguy cơ gây ra sự cố chất thải.
Trên cơ sở thực tế đó, tỉnh Yên Bái đã phân tích thực trạng lực lượng, phương tiện ứng phó với sự cố chất thải và dự kiến các khu vực có nguy cơ cao. Từ đó, tỉnh tổ chức lực lượng, phương tiện ứng phó trên phương châm “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả”.
Từ đó, đảm bảo sẵn sàng và ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có sự cố chất thải xảy ra, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác động phát sinh từ sự cố chất thải đến môi trường sinh thái, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hoàn chỉnh hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách, lực lượng cho hoạt động ứng phó sự cố chất thải. Đây cũng là cơ sở để xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết, bảo đảm cho hoạt động ứng phó các sự cố có thể xảy ra.
Đồng thời, phân định trách nhiệm, xây dựng lực lượng chuyên trách làm nòng cốt cho hoạt động ứng phó sự cố chất thải của tỉnh, cung cấp thông tin cần thiết để các tổ chức, cá nhân và cơ quan, đơn vị có liên quan có thông tin, hướng dẫn đảm bảo công tác ứng phó nhanh chóng, an toàn và hiệu quả khi có sự cố.
Bên cạnh đó, đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn diễn tập nâng cao năng lực cho các cấp và các lực lượng, sẵn sàng thực hiện ứng phó sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”. Xây dựng và thiết lập được quy trình phản ứng kịp thời, cơ chế phối hợp kịp thời, hiệu quả khi có sự cố chất thải xảy ra.