Nguồn vốn 30a - hiệu quả từ đầu tư đúng hướng

Tú Nguyễn| 09/01/2015 09:08

(TN&MT) - Năm 2014 là năm thứ 6 thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ đầu tư giảm nghèo nhanh và bền vững cho 6 huyện khó khăn của tỉnh Cao Bằng: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hạ Lang, Thông Nông, Hà Quảng và Thạch An. Nguồn vốn được tỉnh và các huyện tập trung đầu tư đúng hướng, phù hợp với thực tiễn tại địa phương, tiếp tục thúc đẩy xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện đặc biệt khó khăn.

Ông Hà Minh Trần - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30a tỉnh Cao Bằng cho biết: Mục tiêu Nghị quyết 30a giảm nghèo nhanh và bền vững, trong khi đó nguồn vốn hằng năm so với nhu cầu từ cơ sở chưa đáp ứng theo kế hoạch. Vì vậy, Ban Chỉ đạo quán triệt các huyện, xã khảo sát kỹ tình hình kinh tế - xã hội, đặc thù địa phương đề xuất các hạng mục, chương trình đầu tư. Do đó, nguồn vốn cơ bản được đầu tư trọng tâm, trọng điểm, trúng, đúng hướng, tạo điều kiện cho đồng bào các xã đặc biệt khó khăn phát huy nội lực giảm nghèo nhanh và bền vững.

nho-nguon-von.jpg

Gia đình anh Lý Văn Nhánh, xóm Lũng Hoài, xã Hạ Thôn (Hà Quảng) được hỗ tr bò từ nguồn vốn 30a của Chính ph.

Nguồn vốn đầu tư từ Nghị quyết 30a gần 200 tỷ đồng/năm/6 huyện, đã đầu tư xây dựng hàng trăm công trình hạ tầng cơ sở: Điện lưới, đường giao thông, trường học, công trình thủy lợi, nuớc sạch sinh hoạt, trạm y tế xã, hỗ trợ xóa nhà dột nát... Qua đó, bộ mặt nông thôn miền núi xã đặc biệt khó khăn thay đổi rõ rệt đời sống được cải thiện, nâng cao dân trí.

Nói về hiệu quả hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở, ông Hoàng Chí Cốt, Bí thư Đảng ủy xã Vần Dính (Hà Quảng) chia sẻ: Xã Vần Dính là xã vùng cao, địa bàn chia cắt mạnh, đường đi lại từ xã đến thôn, bản rất khó khăn. Từ nguồn vốn 30a kết hợp với nguồn vốn khác, xã đầu tư làm đường từ xã đến một số thôn bản, tạo điều kiện cho bà con đem bò, ngô, lạc đi chợ bán dễ dàng, trẻ em đi từ nhà đến lớp học gần hơn nên giảm tình trạng bỏ học giữa chừng.

Bên cạnh đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, căn cứ vào nhu cầu từ cơ sở, nhân dân địa phương đề xuất, nguồn vốn Nghị quyết còn hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con vùng đặc biệt khó khăn phát triển các mô hình sản xuất kinh tế nông, lâm nghiệp phù hợp để ổn định cuộc sống, như các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng phát triển chăn nuôi bò, lợn, trồng ngô, lạc giống, cây hồi; Thông Nông trồng lúa, ngô giống mới, chăn nuôi; Hạ Lang trồng mía... Năm 2014 trên 10.000 hộ được hỗ trợ sản xuất, nâng mức hộ được hỗ trợ những năm qua hơn 100 tỷ đồng. Nguồn vốn Nghị quyết hỗ trợ hàng nghìn tấn giống ngô lai, lúa lai, lạc giống, khoai tây, mía, trúc sào, thuốc lá, phân bón; hơn 1.300 con bò cái sinh sản, trâu, lợn, gà giống... Từ nguồn hỗ trợ này góp phần tích cực cho đồng bào các xã, huyện được thụ hưởng hình thành vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa, thay đổi tư duy sản xuất: Hạ Lang trở vùng trồng mía nguyên liệu xuất khẩu; Hà Quảng, Thông Nông trồng thuốc lá, lạc giống, ngô, chăn nuôi bò; Bảo Lâm, Bảo Lạc chăn nuôi bò, trồng cây hồi. Ngoài hỗ trợ sản xuất, nguồn vốn Nghị quyết 30a còn hỗ trợ hộ nghèo biên giới nhận chăm sóc, khoanh nuôi bảo vệ rừng, góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp, vừa củng cố quốc phòng, an ninh biên giới. Hỗ trợ gần 400 nghìn tấn gạo, trị giá 6 tỷ đồng cho 2.300 hộ. Tổ chức hội nghị tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xuất khẩu lao động, tư vấn lao động việc làm cho khoảng 2.000 - 4.000 lượt người/năm. Tăng cuờng gần 200 trí thức trẻ tình nguyện về làm cán bộ tăng cường cho xã đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho các huyện. Huy động công ty, doanh nghiệp hỗ trợ vốn, giống cây con trị giá hơn 6 tỷ đồng cho các xã đặc biệt khó khăn.

halang2_zcei.jpg

Từ nguồn vốn 30a của Chính phủ huyện Thông Nông đầu tư làm đường vào xóm Hoan Bua, xã Bình Lăng.

Nói về nguồn vốn Nghị quyết 30a đầu tư trúng, đúng hướng để giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện Hà Quảng, ông Vương Văn Võ - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ nguồn vốn Nghị quyết 30a và các chương trình dự án khác đầu tư tập trung phát triển sản xuất, nguời dân thay đổi tư duy từ sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa chuyên canh. Xã đặc biệt khó khăn được đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở đã làm cho bộ mặt nông thôn huyện thay đổi. Đến nay, 19/19 xã, thị trấn của huyện có đường giao thông được nhựa hóa đến trung tâm xã, có điện sinh hoạt, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm gần 5%; hiện toàn huyện còn 1.849 hộ nghèo, chiếm 23%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn vốn 30a - hiệu quả từ đầu tư đúng hướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO