Trong những năm gần đây, khi Chính phủ có các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, UBND tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển cải hoán, nâng cấp, đóng mới tàu cá có công suất lớn, gắn với chuyển đổi nghề đánh bắt, giữ lại những nghề truyền thống gần bờ có hiệu quả, tích cực vươn khơi, mở rộng ngư trường xa bờ; việc thực hiện Nghị định 67 và Nghị định 89 của Chính phủ đã tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới 25 tàu, nâng cấp 93 tàu cá.
Đến nay, Quảng Trị có hơn 2.300 tàu thuyền cơ giới với tổng công suất trên 100.000 CV, trong đó có 235 tàu xa bờ với trang thiết bị hiện đại, đủ sức vươn khơi xa khai thác hải sản và bảo vệ biên cương Tổ quốc, sản lượng khai thác hàng năm đạt 24.000 - 26.000 tấn, trong đó nhiều loài có giá trị như tôm, mực, cá ngừ, cá cơm… đem về lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng để làm giàu cho người lao động nghề cá.
Cùng với việc đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản biển, việc nuôi trồng thủy sản tại địa phương cũng phát triển đa dạng, có thêm nhiều mô hình nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, nhất là nuôi tôm 2 giai đoạn. Năm 2018, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt hơn 3.300 ha, sản lượng 8.395 tấn.
Tại lễ ra quân khai thác cá vụ Nam, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị các cơ quan ban ngành cấp tỉnh phối hợp với các địa phương vùng biển tiếp tục tổ chức thực hiện đầy đủ, phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân, khuyến khích các chủ tàu, tàu dịch vụ xa bờ tăng cường mua sắm trang thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc, máy khai thác hiện đại để phát triển mạnh đánh bắt thủy sản xa bờ. Đề nghị bà con ngư dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh vùng biển tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng, phát triển các Tổ, đội sản xuất trên biển, hỗ trợ nhau làm ăn có hiệu quả. Các ngành chức năng triển khai các biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn bà con ngư dân sớm tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh theo Nghị định 17 của Chính phủ.
“Tiếp tục đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ, mở rộng diện tích nuôi thủy sản theo đúng quy hoạch. Song song với đó, bà con ngư dân cần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển đa dạng hóa các ngành nghề dịch vụ du lịch biển, chế biến thủy sản, hậu cần nghề cá, chủ động tìm kiếm thị trường; kết hợp với việc bảo vệ môi trường sinh thái, tạo chuyển biến mới về chất lượng dịch vụ du lịch trên tuyến biển…”- ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Ngay sau lễ phát động đã diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống trên vùng biển Cửa Việt của huyện Gio Linh với 80 VĐV đến từ 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện với hy vọng khởi đầu may mắn, thắng lợi cho vụ đánh bắc cá sắp tới.