Môi trường

Quảng Nam: Ngư dân bảo vệ môi trường biển, giữ gìn sinh kế

Lan Anh 19/08/2024 - 16:59

Trong hành trình vươn khơi, bám biển, nhiều ngư dân ở Quảng Nam thêm nhiệm vụ gom rác thải bỏ vào từng túi mang vào bờ xử lý. Giữ đại dương xanh hơn, sạch hơn đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của chính ngư dân.

Đưa rác từ biển vào bờ

Vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An) có thể xem là điển hình trong việc nỗ lực bảo vệ môi trường biển hiệu quả tại Quảng Nam. Tại đây, từ rất sớm người dân đã nói không với túi nilon, đồ nhựa sử dụng một lần để bảo vệ môi trường biển. Giảm thiểu rác thải đã không chỉ là khẩu hiệu ở Cù Lao Chàm. Cứ sau mỗi chuyến ra khơi mang về khoang tàu đầy ắp tôm cá còn có những bao tải phế liệu được ngư dân Cù Lao Chàm phân loại, buộc gọn gàng để đợi đến ngày hội “Đổi rác lấy quà”. Những món quà dù nhỏ như rổ đựng hải sản, cà mèn, giỏ đi chợ… nhưng đầy niềm vui và quan trọng đó là cách mà họ làm để trả ơn đối với biển cả.

bien1.jpg
Ngư dân Cù Lao Chàm tích cực tham gia mô hình ngư dân gom rác về bờ

Theo đại diện Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, hoạt động "Đổi rác lấy quà" trong ngày hội "Ngư dân xanh - Biển trong lành" là hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, từng bước giúp người dân thay đổi, hình thành thói quen phân loại rác thải sinh hoạt và thực hành tiết giảm - tái chế - tái sử dụng.

Cùng chung tay làm sạch biển, Hội Phụ nữ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cũng có cách làm hay, nhận được sự hưởng ứng của người dân địa phương. Đó là chương trình thu gom rác thải nhựa từ biển, biến rác thành tiền để gây quỹ giúp đỡ trẻ em mồ côi và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình này được Hội Phụ nữ xã Bình Minh, phát động từ tháng 4/2022. Qua thời gian triển khai, đến nay đã có gần 40 chủ tàu cam kết mang rác từ biển vào đất liền. Hội Phụ nữ xã Bình Minh đã thu gom, bán được gần 30 triệu đồng để gây quỹ hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.

bien2.jpg
Sau mỗi chuyến vươn khơi, tàu cá của ngư dân ở xã Bình Minh mang về túi đựng đầy ắp vỏ chai nhựa

Ông Đặng Bảy (chủ tàu cá ở thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) cho biết, trước đây, nhiều ngư dân có thói quen sau khi uống nước đóng chai sẽ vô tình vứt xuống biển làm ô nhiễm môi trường. Sau khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã kêu gọi bảo vệ môi trường, ông cùng các thuyền viên cũng bắt đầu thay đổi thói quen bảo vệ môi trường biển.

“Không vứt rác xuống biển, không những bảo vệ môi trường mà còn bảo vệ được nguồn hải sản để chúng tôi đánh bắt. Ngoài ra, việc này rất ý nghĩa bởi nguồn lon, chai nhựa thu gom có thể bán, tạo quỹ hỗ trợ cho trẻ em khó khăn tại địa phương” – ông Bảy nói.

Hướng đến kinh tế biển xanh

Bà Lê Thủy Trinh – Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam sở hữu bờ biển dài gần 125 km với nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi về vị trí địa lý, thế mạnh, tiềm năng để tạo động lực phát triển thì việc phát triển "kinh tế biển xanh" cũng đặt ra nhiều bài toán khó khăn, thách thức cho chính quyền tỉnh Quảng Nam từ các hoạt động những hoạt động khai thác hải sản, sinh kế và du lịch đã và đang tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển.

bien3.jpg
Rác thải nhựa được thu gom trong hành trình đánh bắt ngoài khơi của các tàu cá ở Bình Minh

Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo của tỉnh được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển trong lành, hài hòa với thiên nhiên. Do đó, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường biển được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh thời gian tới.tiếp tục thực hiện các kế hoạch hành động bảo vệ môi trường biển, đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Theo bà Lê Thủy Trinh, mô hình “ngư dân gom rác về bờ” sẽ giảm được lượng rác thải khó phân hủy ra môi trường biển và đại dương, góp phần bảo vệ môi trường biển và hệ sinh thái, các động vật thủy sinh trong môi trường biển. Triển khai nhân rộng mô hình này sẽ giúp Quảng Nam đạt được kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để khai thác hợp lý, bền vững tài nguyên biển, phát triển các hoạt động kinh tế biển và vùng ven biển, góp phần xóa đói giảm nghèo, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường, xác định cấp độ rủi ro ô nhiễm môi trường biển cho phát triển kinh tế biển; phân vùng rủi ro và lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển; công bố các khu vực biển, hải đảo vượt sức chịu tải môi trường.

bien4.jpg
Quảng Nam khai thác hợp lý, bền vững tài nguyên biển, phát triển các hoạt động kinh tế biển và vùng ven biển, góp phần xóa đói giảm nghèo

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, áp dụng triệt để các chế tài kiểm soát các nguồn thải lớn, xử lý các tổ chức có hoạt động phát thải gây ô nhiễm môi trường biển. Triển khai các chương trình, kế hoạch bảo vệ, quản lý và khai thác hợp lý, bền vững các hệ sinh thái của tỉnh, như: Hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh, hệ sinh thái rạn san hô xã Tam Hải, Tam Tiến... Hình thành các khu bảo tồn mới như Khu bảo tồn biển Tam Hải, Khu dự trữ thiên nhiên Cù Lao Chàm...

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2030 có 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị, rác thải nhựa tại các bãi biển, khu du lịch biển, khu bảo tồn biển và 85% tổng lượng chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo theo quy định; 95% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn vùng biển, đảo được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Ngư dân bảo vệ môi trường biển, giữ gìn sinh kế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO