Xã hội

Nỗi niềm nghề biển – Bài 3: Đồng hành cùng ngư dân phát triển kinh tế biển bền vững

Văn Dinh 31/07/2024 - 14:01

(TN&MT) - Có thể khẳng định rằng, nghề đi biển cũng lênh đênh như con sóng, bởi sự gian nan, khó khăn bủa vây. Với ngư dân Thừa Thiên – Huế, ngoài tình yêu với biển, bám biển là cuộc sống thì chắc chắn họ đang mong chờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành địa phương để công cuộc mưu sinh từ biển sẽ “đổi thay”, và từ đó kinh tế biển của tỉnh sẽ phát triển bền vững hơn, góp phần đưa tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

PV Báo TN&MT có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.

bai-3-anh-0.jpg
Ông Hoàng Hải Minh. Ảnh: Văn Dinh

PV: Xin ông cho biết, tình hình khai thác nguồn lợi hải sản của địa phương hiện nay?

Ông Hoàng Hải Minh: Toàn tỉnh có hàng nghìn tàu cá lớn nhỏ và hiện có hơn 680 tàu cá đăng ký trên hệ thống dữ liệu quốc gia, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 m trở lên là 431 chiếc và đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có 14 chiếc từ 24 m trở lên; tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản đạt 99,4 %. Số lượng thuyền nan truyền thống công suất nhỏ hoạt động khai thác hải sản bãi ngang ven bờ khoảng 1.400 chiếc. Ngư trường khai thác hải sản của ngư dân Thừa Thiên - Huế hoạt động chủ yếu từ vĩ tuyến 140 Bắc lên đến vịnh Bắc Bộ và ranh giới ngoài của vùng biển Việt Nam.

Trên địa bàn tỉnh có 2 cảng cá đang vận hành khai thác là Cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) và Cảng cá Tư Hiền (huyện Phú Lộc), có 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là Khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải (xã Phú Hải, huyện Phú Vang), đáp ứng khoảng 200 tàu cá xa bờ và Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá tại xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc), đáp ứng cho khoảng 420 tàu có công suất từ 35-200 CV.

bai-3-anh-1.jpg
Thừa Thiên – Huế có nhiều tiềm năng, lợi thế về biển. Ảnh: Văn Dinh

Sản lượng khai thác thủy sản năm 2023 vừa qua đạt gần 42.000 tấn, tăng 2,4 % so với năm 2022. Nghề lưới vây hoạt động hiệu quả cho sản lượng lớn, chủ yếu là cá nục. Các tàu dịch vụ hậu cần nhờ thế cũng hoạt động hiệu quả do chủ yếu thu mua cá nục. Kết quả đội tàu khai thác vùng khơi hoạt động sản xuất kinh doanh khá ổn định.

Cụ thể, đội tàu lưới vây kết hợp ánh sáng doanh thu mỗi tàu trung bình trên dưới 1 tỷ đồng (chi phí khoảng 30 %); đội tàu lưới rê tầng đáy, rê mực khơi xã Vinh Thanh đạt hiệu quả tốt, doanh thu mỗi tàu trung bình từ 2 – 3 tỷ đồng (chi phí khoảng 30 – 40 %); Các tàu dịch vụ hậu cần toàn tỉnh đều thu mua có lãi từ 1 – 1,5 tỷ đồng, có tàu lãi từ 2 - 3 tỷ đồng. Trong năm 2023 đầu tư thêm 9 tàu xa bờ.

bai-3-anh-2.jpg
Cảng cá Thuận An được nâng cấp, hoàn thiện để đồng hành cùng ngư dân phát triển kinh tế biển. Ảnh: Văn Dinh

PV: Hiện nay, ngư dân của tỉnh nhà đang gặp những khó khăn gì? Tỉnh có những biện pháp, cách làm nào để giúp bà con tăng thu nhập, yên tâm bám biển?

Ông Hoàng Hải Minh: Ngành khai thác, đánh bắt thủy hải sản của tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc, do cửa biển hẹp và cạn nên tàu chuyên khai thác lớn khó khăn lúc ra vào cửa biển. Muốn đánh cá tốt, năng suất cao điều đầu tiên đòi hỏi vàng lưới lớn, nặng – tàu vỏ phải lớn để chứa được nhiều lưới. Chính vì thế, tàu không lớn - không thể chứa nhiều lưới nên sản lượng, năng suất, hiệu quả không cao... Riêng vấn đề này, giải pháp cơ bản phải nạo vét cửa biển thường xuyên duy trì luồng lạch bảo đảm tàu cá cỡ lớn – chứa được nhiều lưới ra vào thuận lợi cho khai thác hải sản có nhiều sản lượng.

bai-3-anh-3.jpg
Một thực tế hiện nay, lao động biển ngày càng ít hơn vì nhiều nguyên nhân. Ảnh: Văn Dinh

Trong khi đó, lao động đi biển ngày càng ít, khan hiếm là tình trạng chung đang diễn ra ở khắp các địa phương ven biển của tỉnh. Nghề nghiệp khai thác hải sản gắn liền 3 từ đặc trưng: vất vả, dơ bẩn và nguy hiểm (3D trong tiếng Anh: Difficult, Dirty, Dangerous). Bản chất con người thì ai cũng muốn tránh, nên lao động biển khi có cơ hội tốt hơn thường chuyển rời khỏi nghề biển. Vì vậy, ngày càng có ít hơn lao động yêu nghề biển. Rất nhiều nguyên nhân tác động chéo gây nên tình trạng trên, mà trực tiếp tác động nhất đó là thu nhập không ổn định, trong khi đó lao động nghề cá là lao động nguy hiểm, vất vả so với nhiều ngành nghề lao động khác. Bên cạnh đó, những năm gần đây nguồn lợi thủy hải sản suy giảm, ngư trường khai thác truyền thống bị thu hẹp. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết, chi phí sản xuất trên biển tăng cao như xăng dầu, giá nhân công tăng, … dẫn đến hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ không thể hoạt động.

Cũng có một điều, lâu nay nhiều ngư dân vẫn có quan niệm là nghề biển không cần học, mà cứ đi biển rồi học dần từ những ngư dân khác. Do vậy, việc đào tạo nghề là hết sức quan trọng để những người làm nghề biển cần có kỹ năng tồn tại trên biển, kỹ năng tay nghề đối với từng loại nghề biển. Trong khi, dù các ngành, đơn vị liên quan rất nỗ lực những tỉ lệ đào tạo nghề cho lao động biển vẫn chưa cao.

bai-3-anh-4.jpg
Nghề biển đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con,. Ảnh: Văn Dinh

Trong 6 tháng đầu năm 2024, theo Cục Thống kê, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 23.500 tấn. Đến nay, tàu cá Thừa Thiên - Huế chưa từng vi phạm đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài

Trước mắt, tỉnh và các ngành liên quan sẽ tuyên truyền, hướng dẫn bà con ngư dân thường xuyên cải tiến ngư cụ, mạnh dạn đầu tư thêm nghề mới, nhân rộng mô hình đánh bắt có hiệu quả như nghề đánh bắt cá lạc, rê cá chim, rê hổn hợp, rê chuồn, rê mực khơi, bẩy ghẹ ốc hương... Đảm bảo các tàu được trang bị 2 nghề chính nhằm hoạt động đánh bắt quanh năm (2 vụ Bắc và Nam). Ưu tiên phát triển các nghề khai thác sản phẩm có giá trị xuất khẩu như rê bùng nhùng, rê mực nang, câu mực, chụp mực, rê tôm, giã tôm, rê cá chim, rê mực khơi,... để tăng hiệu quả khai thác.

Khuyến khích các chủ tàu cá ứng dụng các trang thiết bị mới, hiện đại vào khai thác, như: Ứng dụng máy dò cá Sonar vào nghề lưới vây, nghề chụp; ứng dụng máy thu lưới trong nghề lưới rẻ, nghề câu, đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu thả lưới, thu lưới nhằm tăng hiệu quả khai thác, giảm sức lao động, giảm số lao động trên tàu cá.

bai-3-anh-5.jpg
Lực lượng chức năng đồng hành cùng ngư dân Thừa Thiên – Huế vươn khơi. Ảnh: Văn Dinh

Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ và UBND các cấp có chính sách tốt, vĩ mô cho lao động động khai thác hải sản. Vì sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có tri thức khoa học, công nghệ liên quan đến khai thác biển là điều rõ ràng hiện nay. Ngành truyền thông, báo chí cũng nên quan tâm, động viên, nêu gương những chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân kiên cường, anh dũng bám biển vừa sản xuất, phát triển kinh tế giỏi vừa góp phần tham gia giữ gìn biển, đảo cho Tổ quốc. Ngoài khuyến khích vật chất thì việc được tôn vinh, ghi nhận cũng động viên lao động gắn kết, tham gia nghề biển lâu dài.

bai-3-anh-6.jpg
Ngư dân Thừa Thiên – Huế ngoài nỗ lực đánh bắt hải sản còn nhặt rác trên biển để mang về đất liền bán lấy tiền ủng hộ người nghèo. Ảnh: Văn Dinh

PV: Để trở thành tỉnh “mạnh về biển, giàu từ biển”, qua đó giúp ngư dân yên tâm bám biển, thời gian tới, tỉnh sẽ có những hướng đi nào?

Ông Hoàng Hải Minh: Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế phải trở thành tỉnh “mạnh về biển, giàu từ biển” với cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Mục tiêu của tỉnh là phát triển hiệu quả các nghề khai thác hải sản vùng khơi gắn với các vùng biển chủ quyền quốc gia; phát triển đội tàu công suất lớn, có trang thiết bị hiện đại, như máy dò cá, máy định vị, bảo quản đông lạnh hoặc đầu tư hầm bảo quản PU... để tăng chất lượng sản phẩm thủy sản trên tàu xa bờ.

Để đạt được điều trên, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện các dự án cơ sở hạ tầng nghề cá tại Cảng cá Thuận An, Vinh Hiền, khu neo đậu Phú Hải, cùng nạo vét luồng lạch để sớm đưa vào sử dụng phục vụ nghề cá xa bờ. Tiếp tục tổ chức, triển khai tốt chính sách hỗ trợ biển xa để khuyến khích ngư dân đầu tư sản xuất tàu xa bờ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển xa. Tăng cường hoạt động kiểm soát nghề cá tỉnh, bảo đảm điều phối chống khai thác IUU có hiệu quả, góp phần tháo dỡ thẻ vàng nghề cá khai thác của Ủy ban Châu Âu. Triển khai mạnh mẽ và thực hiện các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

bai-3-anh-7.jpg
Thừa Thiên – Huế sẽ phát triển kinh tế biển bền vững để giúp ngư dân yên tâm bám biển. Ảnh: Văn Dinh

Ngoài ra, tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát khai thác hải sản trên biển nhằm hạn chế khai thác hủy diệt, bất hợp pháp. Tiếp tục ngăn chặn các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Quản lý tốt, thông thoáng thủ tục hành chính trong thủy sản, để khuyến khích sản xuất, tạo điều kiện cho bà con đầu tư tàu cá xa bờ mạnh mẽ.

Thành lập từ năm 2015, đến nay ở Thừa Thiên - Huế đã có gần 100 “tổ tàu thuyền an toàn trên biển” với trên 300 phương tiện, khoảng 1.300 thuyền viên. Mỗi tổ khoảng 10 - 12 người. Nếu thành viên nào trong tổ đau ốm, tàu bị hư hại, mất mát ngư lưới cụ, máy móc hỏng hóc… thì các thành viên còn lại sẽ tham gia đóng góp, hỗ trợ. Các tàu cá đã phát huy được vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, hướng dẫn các tổ viên trong tổ hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ, chấp hành nội quy, quy định khi đánh bắt trên biển. Cũng nhờ vậy, các ngư dân trở nên mạnh dạn, tự tin giữa biển cả bao la

bai-3-anh-8.jpg
Lực lượng chức năng tuần tra trên biển để hỗ trợ ngư dân
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm nghề biển – Bài 3: Đồng hành cùng ngư dân phát triển kinh tế biển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO