Theo chân người đàn ông xứ đảo đi về hướng núi, anh Nguyễn Văn Đào (40 tuổi) kể: Từ khi du lịch trên đảo phát triển, nhu cầu tiêu thụ cua ngày càng lớn nên giá cua đá rất cao. Chính vì thu nhập cao từ nghề này, nên có thời điểm người dân trên đảo đổ xô đi bắt cua, bất kể kích thước lớn nhỏ. Cứ vì thế mà cua đá ở đảo này hiếm dần”...
Vượt qua những tảng đá to lớn, gồ ghề, chân anh Đào chạm một hang cua. Ngay lập tức anh ra hiệu giữ im lặng. Cây sắt trên tay anh chặn ngay miệng hang, ngăn đường di chuyển của con cua sẫm tím. Bị bít lối vào hang, chú cua nhanh chóng bò ngang trở ra, nhưng cú sải tay trong tích tắc của “thợ săn cua xứ đảo” đã tóm gọn.
Ước chừng con cua mai dài trên 7cm, anh Đào nhanh tay cho vào bao đựng. Những con khác nhỏ hơn, anh bỏ qua. “Cua đá muốn bán ra thị trường thì kích thước mai phải đạt từ 7cm trở lên và được dán tem. Cái tem không chỉ với mục đích quy định về kích thước, số lượng cua đá được phép đánh bắt, mà còn đảm bảo cho sự phát triển của loài cua này” - anh Đào giải thích.
“Mỗi năm, từ tháng 3 đến tháng 6, tổ được phép bắt cua. Từ tháng 7 đến hết tháng 2 năm sau là thời điểm cua sinh nở nên cấm khai thác. Những ai hành nghề bắt cua đá phải tham gia tổ này và tuân thủ quy định" - bạn săn cua của anh Đào góp chuyện.
Cua đá được dán tem để phân biệt với cua đá bị khai thác bất hợp pháp. |
Trải qua đêm trắng lùng sục khắp các ngóc ngách ở Bãi Nần, hai thợ săn thu được 3kg cua đá. Dùng thước đo từng con, trong đó 10 con đủ kích cỡ, 2 con mai dưới 7cm anh Đào thả lại về rừng. “Chiến lợi phẩm” bắt về được nhốt vào thùng và hôm sau đưa ra Hợp tác xã cua đá Cù Lao Chàm cân, bán. Điều đặc biệt là trước khi từng chú cua được phép bán đều phải lần lượt qua tay cán bộ Hợp tác xã cua đá Cù Lao Chàm dùng thước đo tỉ mỉ để kiểm duyệt.
“Con cua nào trên 7cm thì mới được dán tem, những con nhỏ, hay có dấu hiệu mang thai sẽ thu giữ, thả lại môi trường tự nhiên ở đảo Hòn Dài - nơi “bất khả xâm phạm” để quản lý nguồn gen cua đá bản địa. Tem dán trên lưng cua rất khó bong tróc và sẽ theo nó cho đến khi được bán làm thương phẩm. Bất cứ người dân hay nhà hàng nào bán cua không có tem đều bị xử phạt rất nặng, thậm chí tước Giấy phép kinh doanh nếu tái phạm. Đây là cách bà con Cù Lao Chàm bảo vệ cua đá” - ông Nguyễn Duy Khanh, Chủ nhiệm Hợp tác xã cua đá Cù Lao Chàm khẳng định.
Câu chuyện về con cua đá khiến chúng tôi - nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường thêm cảm phục những ngư dân trên đảo, dù sống rất xa đất liền nhưng vẫn luôn đảm bảo ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn gen quý của cua đá để các thế hệ công dân trên đảo hôm nay và mai sau có thể khai thác bền vững loài cua quý này.