Nghệ An: Đừng để thành Vinh “thất thủ” khi mưa lớn

Đình Tiệp| 22/10/2019 06:30

(TN&MT) - Tốc độ đô thị hóa quá nhanh, trong khi quy hoạch còn thiếu tính đồng bộ, khoa học nếu không muốn nói là yếu kém đã trở thành nguyên nhân chủ quan khiến cho TP Vinh trở thành “túi nước” khi có mưa lớn kéo dài xảy ra như thời gian vừa qua.

Theo báo cáo của UBND TP. Vinh thì trong các ngày 15-16/10/2019, trận mưa lớn kéo dài đã khiến cho hầu hết các tuyến đường giao thông trên địa bàn bị ngập từ 30 - 60cm. Một số tuyến đường ngập sâu như các đường Lê Ninh, Lý Thường Kiệt, Đặng Thái Thân, Nguyễn Tài, khu vực đình sau chợ Vinh ngập trung bình 1,2m; các tuyến đường Lê Hồng Phong, Phong Định Cảng, Nguyễn Văn Cừ, Lê Nin ngập sâu trung bình 0,9m... Núi Quyết bị sạt lở 60m3 đất làm 04 nhà dân phường Trung Đô bị sập nhà kho, tường rào. Sạt lở gây đổ 01 nhà dân dọc mương số 1, phường Cửa Nam.

Hầu hết các khối, xóm trên địa bàn các phường, xã đều bị ngập từ 30 đến 60cm. Một số khu vực ngập sâu điển hình như: Khối 13,14, 15 phường Bến Thủy ngập sâu trung bình 1,5m; khối 9,12 phường Cửa Nam, khối 1, 14,15 phường Trung Đô ngập sâu trung bình 1,0m; xóm 12, 13,14,15 Nghi Kim ngập sâu trung bình 0,8m…

Thống kê trên toàn thành phố Vinh có 5.680 hộ dân nước vào nhà, phải sơ tán 250 hộ dân, 20.000 con gia cầm bị chết, ngập 370 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản, 54ha lúa, 195 ha rau màu, nhiều hàng hóa của tiểu thương chợ Vinh bị hư hỏng nặng… ước tính tổng thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng. Nguyên nhân khách quan gây ngập nặng là do lượng mưa quá lớn.

TP Vinh ngập kỷ lục sau đợt mưa lũ giữa tháng 10/2019 vừa qua

Tuy nhiên, theo người dân sống lâu năm ở TP Vinh cũng như một số người am hiểu về lĩnh vực xây dựng, thủy lợi…thì nguyên nhân sâu xa của việc TP Vinh “thất thủ” trong đợt vừa qua không chỉ là do lượng mưa quá lớn như nhiều người có trách nhiệm cố giải thích mà phần lớn do tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh nhưng công tác quy hoạch quá yếu kém, thiếu khoa học và đồng bộ.

Khu tái định cư ở xóm Yên Bình, xã Hưng Đông bị ngập băng

Theo đó, liên quan đến việc chống lụt, tiêu úng cho phía Bắc và Đông TP Vinh, dọc theo đê Tả Lam có bốn cống Rào Đừng, cống Thủy Sản, cống Hói Cống, cống Hói Chùa, trong đó cống Rào Đừng ở xã Nghi Thái có quy mô lớn, tới 10 cửa thoát nước.

Mỗi khi mưa lớn kéo dài, nước ở phía Bắc và Đông TP Vinh (như các phường Hà Huy Tập, Hưng Phúc, Hưng Dũng, Trường Thi, Bến Thủy và các xã Nghi Phú, Hưng Lộc, Hưng Hòa) đều chảy tràn tự nhiên về các cánh đồng thuộc các phường Bến Thủy, Hưng Dũng, và các xã Hưng Lộc, Hưng Hòa và con kênh Rào Đừng để tiêu thoát thông qua 4 cống này.

Các cống tiêu úng cho TP Vinh hoạt động hết công suất

Tuy nhiên, theo người dân phản ánh thì khi hồ điều hòa Hưng Hòa được xây dựng và tuyến đường Nguyễn Sỹ Sách kéo dài đang thi công đã như một tuyến đê thấp cản trở tiêu thoát nước cho những cánh đồng thuộc phường Hưng Dũng, Bến Thủy và một phần đồng ruộng xã Hưng Hòa. Mặt khác, tuyến đường 35m nối QL 46B với đường ven sông Lam mới được xây dựng hoàn thành nhưng hệ thống cống thoát nước có quy mô không lớn nên vô tình cũng trở thành một tuyến đê bao nữa ngăn cản việc tiêu thoát lũ.

Ngoài ra, theo phản ánh của người dân ở khối Trung Nghĩa, phường Đông Vĩnh, TP Vinh, việc ngập úng không chỉ do mưa lớn mà chủ yếu là do có sự tắc trách trong thi công các công trình giao thông, làm đường “quên” làm cống. Điều này khiến hàng trăm hộ ở đây ngập chìm trong nước mưa và nước thải;  nhiều diện tích hoa màu, cây ăn quả của người dân bị thiệt hại; ở khối Trung Nghĩa, phường Đông Vĩnh có nơi ngập sâu đến 1,5m và nước rút rất chậm.

Cụ thể, vào đầu năm 2019, UBND phường Đông Vĩnh cho nâng cấp tuyến đường Trần Bình Trọng nhưng đến nay vẫn chưa làm hệ thống cống thoát nước, khiến tuyến đường như một con đê ngăn không cho nước thoát khi có mưa lũ.

TP Vinh nguy cơ trở thành “túi nước” khi mưa lớn

Không chỉ làm đường “quên” làm cống thoát nước mà có xảy ra tình trạng trì trệ trong triển khai thi công của các dự án. Theo đó, công trình đường, mương thoát nước nối giữa đường Phan Thúc Trực với đường Trần Bình Trọng do phường Đông Vĩnh làm chủ đầu tư đang "án binh bất động" dù được phê duyệt từ năm 2018, khiến việc ngập lụt của người dân khối Trung Nghĩa thêm phần trầm trọng.

Về vấn đề này ông Cao Văn Toàn - Chủ tịch UBND phường Đông Vĩnh, thừa nhận do các dự án còn triển khai dang dở là một trong những tác nhân gây ra trận ngập nặng vừa qua.

Không chỉ phường Đông Vĩnh, nhiều địa phương khác ở TP Vinh cũng có chung nguyên nhân nói trên. Có thể kể đến đường Lê Ninh (kéo dài nối với đường Nguyễn Chí Thanh) thi công trì trệ đã hơn 10 năm nhưng chưa hoàn thành nên cốt đường từ lâu đã thấp, các cống còn bị hư hỏng, vùi lấp hết, cỏ dại mọc um tùm nên khu vực chân cầu vượt đường 72 Vinh Hưng Tây cũng như khu tái định cư phường Quán Bàu đợt mưa lụt vừa qua đã bi ùn ứ nước và ngập khá nặng.

Hay như đường Bùi Dương Lịch ở xã Hưng Đông đang thi công dang dở ngay bên cạnh các khu tái định cư mới nằm dọc phía Bắc tuyến đường khiến cho tình trạng ngập đường xảy ra thường xuyên. Thậm chí, nước chảy xiết như sông trên tuyến đường này trong đợt lụt vừa qua.

Người dân TP Vinh nói chung và tiểu thương chợ Vinh nói riêng thiệt hại lớn trong đợt ngập lụt vừa qua (trong ảnh là nhiều hàng hóa hư hỏng do bị ngập nước, tiểu thương chợ Vinh vứt ra đường để vận chuyển về bãi rác)

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, diện tích đất trống tự tiêu thoát nước thu hẹp nhanh chóng, nhiều hồ chứa nước cũng bị san lấp để lấy đất bán, xây chung cư, khu đô thị; đường xá chằng chịt nhưng quy hoạch thiếu khoa học, đồng bộ…là những nguyên nhân chính dẫn đến điệp khúc cứ mưa là ngập ở TP Vinh trong những năm gần đây.

Mưa ngớt sau 1 ngày nhưng lượng nước ngập tại khối Trung Nghĩa, phường Đông Vĩnh vẫn chưa rút hết. Điều này thể hiện sự yếu kém của hệ thống tiêu thoát nước của khu vực

Ông Đinh Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị TP Vinh, nhìn nhận hệ thống thoát nước lũ hiện nay của TP Vinh đã cũ, không theo kịp tốc độ phát triển đô thị hóa. Các phường có hệ thống kênh thoát nước nhưng mang tính nhỏ lẻ, thiếu khoa học, đồng bộ nên khi có mưa lớn, nước không có chỗ thoát kịp thời.

Thực trạng ngập úng mỗi khi trời mưa ở TP Vinh đã đến mức báo động. Nếu UBND tỉnh Nghệ An không sớm chỉ đạo lập quy hoạch chuyên ngành thoát nước cho thành phố một cách khoa học, đồng bộ để giải quyết những vấn đề bất cập như đang diễn ra thì nguy cơ thành phố này trở thành “túi nước” trong mùa mưa lũ là điều đã được dự báo trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Đừng để thành Vinh “thất thủ” khi mưa lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO