Nan giải bài toán chống rác thải nhựa và túi nilon ở Điện Biên

Trần Hương - Hà Thuận| 14/06/2019 21:53

(TN&MT) – Do nhu cầu thiết yếu của cuộc sống cùng với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, các sản phẩm từ nhựa, túi nilon đã và đang được ưa chuộng ở rất nhiều địa phương và vùng cao Điện Biên cũng không ngoại lệ. Nhu cầu sử dụng nhiều trong khi ý thức của người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải từ nguồn chưa cao dẫn đến lượng rác thải từ nhựa và túi nilon thải ra môi trường ngày càng gia tăng.

Gia tăng lượng rác thải nhựa và túi nilon

Nếu như trước đây, người dân thường dùng các vật gia dụng tự chế, các sản phẩm từ mây tre đan để đựng đồ thì giờ đây, túi nilon và các sản phẩm bằng nhựa đã trở thành những vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Nó không chỉ gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân mà còn dần thay đổi, thích nghi với cuộc sống của đa phần đồng bào vùng cao Điện Biên.

Các sản phẩm từ nhựa xuất hiện ngày càng nhiều, gắn với thói quen của người dân.
Các sản phẩm từ nhựa xuất hiện ngày càng nhiều, gắn với thói quen của người dân.

Bà Lò Thị Lun, bản Co Líu, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên chia sẻ: Trước đây, chúng tôi thường sử dụng bát đĩa bằng sứ nhưng nó thường dễ vỡ, giá lại cao. Do nhu cầu của cuộc sống, cùng với việc các sản phẩm từ nhựa lại giá rẻ, bền, tiện dụng nên chúng tôi vẫn thường mua về để sử dụng. Từ cái bàn, cái ghế, đến rổ rá, bát đĩa đa phần là từ nhựa.

Trên lưng người dân vẫn mang theo chiếc gùi nhưng bên trong gùi lại có rất nhiều những túi nilon đựng các đồ khác nhau, đó là hình ảnh chung chúng tôi bắt gặp ở các phiên chợ vùng cao. Từ đồ ăn chế biến sẵn cho đến những thực phẩm tươi sống, các vật gia dụng đều được đựng bằng túi nilon. Thực tế cho thấy, người bán hàng sẵn lòng phục vụ người mua túi nilon, còn người mua chấp nhận sự phục vụ này…

Trung bình mỗi hộ dân đi mua thức ăn mỗi bữa phải dùng từ 3 - 5 túi nilon.
Trung bình mỗi hộ dân đi mua thức ăn mỗi bữa phải dùng từ 3 - 5 túi nilon.

Ghi nhận tại cửa hàng bán đồ khô tại Chợ Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, chúng tôi được chủ cửa hàng cho biết, trung bình mỗi ngày, cửa hàng phải dùng đến hơn 2kg túi nilon để đựng hàng cho khách. Còn tại các cửa hàng rau, thịt cá, mỗi buổi bán hàng cũng phải sử dụng từ 100 – 200 túi nilon, thậm chí có cửa hàng dùng khoảng 500 túi nilon mỗi ngày.

Chúng tôi gặp bà Lò Thị Miên, người dân xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên đang đi chợ. Trên tay bà Miên có khoảng 4 loại thực phẩm, mỗi loại đựng trong túi riêng trước khi cho vào túi bóng lớn hơn. Bà Miên chia sẻ: Vẫn biết là việc sử dụng túi nilon cũng nhiều độc hại nhưng vì nó tiện, có thể treo ở xe nên mọi người vẫn cứ cho vào. Với lại chỉ cho tạm vào đó về đến nhà rồi rửa sạch…

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi nilon ngày càng cao trong khi ý thức của người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải từ nguồn chưa cao, điều đó đồng nghĩa với lượng rác thải từ nhựa và túi nilon thải ra môi trường ngày càng gia tăng.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Trước những nguy hại của việc thải rác thải nhựa và túi nilon ra môi trường cùng với việc lượng rác thải nhựa gia tăng, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng túi nilon và rác thải nhựa. UBND tỉnh Điện Biên cũng ban hành Kế hoạch số 3816/KH-UBND về việc triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô hiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn chưa có nhiều sản phẩm thay thế các sản phẩm từ nhựa và túi nilon.
Hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn chưa có nhiều sản phẩm thay thế các sản phẩm từ nhựa và túi nilon.

Cùng với đó, tuyên truyền hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần và tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại và tái chế các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì túi nilon.

Tuy nhiên, hầu hết các phong trào, các đợt tuyên truyền trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn chỉ tập trung vào việc nêu cao ý thức của người sử dụng chứ chưa tập trung vào các hành động cụ thể. Hay nói cách khác, truyền thông về rác thải nhựa vẫn chỉ dừng lại ở các khẩu hiệu tuyên truyền, các hoạt động trong những buổi ra quân chứ chưa tạo được sức lan tỏa cũng như có sự chung tay của người dân… Thậm chí, chính những người đi tuyên truyền, vận động người dân cũng vẫn đang sử dụng những sản phẩm từ nhựa và túi nilon. Điều đó dẫn đến hiệu quả tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa và túi nilon đến với người dân chưa cao.

Ông Lò Đức Chung, người dân xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên chia sẻ: Chúng tôi cũng đã được tuyên truyền rất nhiều về phong trào chống rác thải nhựa và việc hạn chế sử dụng túi nilon. Tuy nhiên, do các sản phẩm từ nhựa gọn nhẹ, giá thành lại phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân, cùng với đó là chưa có các sản phẩm thay thế nên chúng tôi vẫn sử dụng. Hy vọng sau này, khi có các sản phẩm thân thiện với môi trường thì chúng tôi sẽ thay thế được thói quen sử dụng sản phẩm từ nhựa và túi nilon.

Khu vực thu mua rác thải nhựa tại xã Nà Tấu, huyện Điện Biên.
Khu vực thu mua rác thải nhựa tại xã Nà Tấu, huyện Điện Biên.

Đi dọc tuyến Quốc lộ 279, chúng tôi bắt gặp một khu thu gom rác thải nhựa rất lớn tại khu vực xã Nà Tấu, huyện Điện Biên. Phải chăng đây là tín hiệu đáng mừng khi rác thải, phế thải từ nhựa đã được người dân thu gom, phân loại từ nguồn để bán lấy tiền hay đó là thực tế mà chúng ta nên nhìn nhận: Lượng rác thải, phế thải từ nhựa đã và đang có xu hướng gia tăng?

Có thể thấy, việc kêu gọi hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa và túi nilon sẽ không hiệu quả khi không quản lý được việc sản xuất và cung cấp. Tuy nhiên đến nay, người dân vẫn chưa có các sản phẩm khác để thay thế hoàn toàn những sản phẩm từ nhựa và túi nilon. Thực tế, phòng chống rác thải nhựa và hạn chế sử dụng túi nilon trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn đang là bài toán khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nan giải bài toán chống rác thải nhựa và túi nilon ở Điện Biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO