Mùa “lộc biển”

08/05/2014 00:00

(TN&MT) - Mùa này, lút cút, thấp thoáng giữa bãi đá ven bờ biển thuộc Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Bình) là những bóng người đi nhặt rong hay còn gọi là “lộc...

(TN&MT) - Mùa này, lút cút, thấp thoáng giữa bãi đá ven bờ biển thuộc Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là những bóng người đi nhặt rong hay còn gọi là “lộc biển”. Những người này phần nhiều là nông dân nhưng lại không còn đất sản xuất.
   
Lộc biển chỉ có trong vài tháng
   
  Theo từng con nước xuống lên, theo mỗi mùa rong biển sinh chết, những người hái rong biển tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình lại đón những con trăng, đoán mùa nước để hái rong. Thời gian hái rong cũng phụ thuộc vào tiết trời, thường là bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, đây cũng là thời gian mà các loài cá vào đám rong tảo dọc các rạn đá để đẻ trứng. Bà Nguyễn Thị Nhâm, thôn Minh Sơn, xã Quảng Đông nói như giải trình cho công việc của mình: Trước đây người ta ồ ạt khai thác rong biển nên đã ảnh hưởng đến sản lượng cá đánh được mỗi năm, những năm gần đây khi mùa cá đẻ trứng qua đi chính quyền mới cho người dân hái rong. Hiện, ở đây có thêm một hai điểm hái rong khác như Hòn La, Hòn Cỏ (đều thuộc xã Quảng Đông). Theo bà Nhâm, có lẽ xã Quảng Đông là xã duy nhất có nghề hái lộc biển này trong tỉnh Quảng Bình. Ước lượng, hiện toàn xã có khoảng gần 100 người làm nghề hái rong biển hoạt động vào mỗi mùa rong đến.
   
Vận chuyển rong tươi lên bờ để phơi.
   
   Từ sáng sớm, những người đàn ông, phụ nữ ra khỏi nhà, với đôi quanh gánh, đôi bàn tay trần và đôi giày ba ta. Đó tất cả những gì để bảo hộ cho công việc hái rong của họ giữa biển khơi, những nhà khá hơn thì dùng  thuyền thúng, thuyền mủng, hay thuyền tự chế để phục vụ cho công việc vận chuyển rong. Nghe những người nông dân hái rong biển này kể chuyện mới biết công việc của họ có muôn vàn khó khăn vất vả. Ngâm nước cả ngày, trưa về vội vã ăn vài ba miếng cơm lại chạy ra biển hái rong, có người còn chẳng có thời gian thay bộ quần áo ướt đẫm thấm nước biển. Vào những lúc nắng đứng đỉnh đầu, họ lại thực hiện công việc phơi rong trên mặt cát nóng như rang nên đã có không ít người bị ốm.
   
  Công việc hái rong đòi hỏi sự khéo léo và một thần kinh thép. Muốn hái được nhiều rong thì phải bơi ra xa bờ, bởi những chỗ nước sâu có ghềnh đá thì rong mọc nhiều nhưng lại chất chứa không ít những hiểm nguy. Để có được những bao rong, người hái rong lượt thượt dò dẫm từng bước chân rủi may của mình dưới biển, nhiều khi họ phải cắn răng chịu đau khi va vấp phải đá, bị hàu cắt vào chân xót vô cùng. Dù có khỏe đến mấy thì những người hái rong cũng chỉ làm việc 6 - 8 tiếng là phải dừng.
   
  Ngoài ra, sóng và gió biển là những trở lực không nhỏ cho công việc của họ.
   
Thiếu công ăn việc làm
   
  Công việc dẫu có nhọc nhằn, nguy hiểm nhưng họ đành chấp nhận. Bởi, mùa này họ không biết làm gì, ruộng không có họ chạy dạt khắp nơi để kiếm kế sinh nhai. Anh Lê Xuân Hường, thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, thao thức về hoàn cảnh của mình và của những người cùng làng: Trước đây gia đình tôi cũng có mấy mẫu ruộng nhưng từ ngày đất ruộng của gia đình nằm trong khu quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp, cảng biển Hòn La thì đất được thu hồi, giải tỏa phục vụ cho việc xây dựng Khu công nghiệp, số tiền đền bù cũng chẳng được là bao.
   
   Theo anh Hường thì không chỉ riêng gia đình anh mà những gia đình khác trong làng, trong xã cũng chịu chung “số phận”. Những người trẻ, có sức khỏe thì đi vào nam tìm kiếm việc làm, những người không đi xa được thì chạy xe ôm, phụ hồ, hoặc bán hoa, đồ lưu niệm, mở quán nước dọc con đường lên mộ Đại tướng, những người khác thì tìm trăm phương nghìn kế sinh nhai.
   
Những bao rong rất nặng...
   
  Ngồi xuống bên gờ đá, một người đàn ông gần 60 tuổi co rúm trong bộ quần áo bạc thếch vì nước biển và gió nắng. Ông bóp 2 bàn tay trắng nhờ xanh do ngâm nước biển lâu và đầy sẹo do hàu và đá biển cắt phải rồi thở dài: Tôi bây giờ tuổi cao sức yếu xin việc ở các khu công nghiệp người ta không còn nhận nữa, nên mới đeo bám với công việc này. Đã gần 60 tuổi trên đầu ai chả muốn nghỉ ngơi vui vầy bên cháu con, nhưng nông dân là vậy, chẳng có thời gian được nghỉ ngơi bởi phía sau còn gia đình, còn những đứa con học hành. Đàn ông còn đỡ, chị em phụ nữ làm nghề hái rong còn vất vả khổ cực hơn đàn ông trăm lần, đó là lời ông Lê Văn Tường, ở Xóm Mới, xã Quảng Đông nói về công việc hái rong của mình.
   
Phải có sức khỏe mới có thể vận chuyển lên bờ được.
   
  Theo những người hái rong biển, ở thời giá hiện nay thì 1 kg có giá 4 ngàn đồng là phải. Mỗi người trung bình mỗi ngày thu được khoảng 2 - 3 yến rong khô (khoảng 80 - 120 ngàn đồng), người nào khỏe thì nhiều lắm cũng chỉ 4 - 5 yến (khoảng 160 - 200 ngàn). Hái rong cho thu nhập cũng chẳng được nhiều nhặn là bao, nhưng vì không có việc làm nên người dân vẫn phải làm.
  Anh Lê Xuân Hường (thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông) ngậm ngùi cho biết: Những người dân hái rong chỉ mong muốn có một công ăn việc làm ổn định, không muốn làm cái nghề mà suốt ngày bán mặt cho nước bán lưng cho trời này mãi. Nhưng thời buổi khó khăn, người ta có sức khỏe có trình độ học vấn mà vẫn thất nghiệp thì xem ra nghề này còn đeo bám dân dài dài. Thời sự vừa đưa đấy, nước mình 7 vạn con em học hành đàng hoàng mà có xin được việc đâu.
   
Bài và ảnh: HẢI TÂN – ANH DŨNG
   
  
Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa “lộc biển”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO