Luật Dầu khí (sửa đổi) cần đánh giá trách nhiệm khi xảy ra rủi ro về môi trường

PV| 05/08/2022 14:23

Ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhấn mạnh, trong Luật Dầu khí (sửa đổi) cần phải tăng cường trách nhiệm trong việc khi xảy ra rủi ro về môi trường.

Tại Hội thảo “Luật Dầu khí (sửa đổi): Hoàn thiện nội dung những chính sách về Dầu khí” do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam vừa tổ chức, ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam chia sẻ, trong dự thảo Luật Dầu khí, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động dầu khí đối với việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường chưa được chú trọng; nội dung liên quan đến phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường không được nêu trong “Điều” luật riêng mà lồng ghép không rõ ràng trong một số “Điều” trong dự thảo luật mới nhất ngày 29/4/2022, cụ thể: “Sự cố đáp ứng yêu cầu an toàn và bảo vệ mội trường” tại Điểm C khoản 4, Điều 38; “Sự đáp ứng yêu cầu về an toàn và bảo vệ mội trường” tại điểm Đ khoản 4, Điều 39; “Sự đáp ứng yêu cầu về an toàn và bảo vệ mội trường” tại điểm Đ khoản 4, Điều 40.

Hay “Kế hoạch quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, kế hoạch quan trắc môi trường, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, kế hoạch bảo đảm an toàn trong quá trình thu dọn công trình dầu khí” tại tại điểm C khoản 3, Điều 43; “Nhà thầu có nghĩa vụ thực hiện thu dọn công trình dầu khí theo kế hoạch thu dọn công trình dầu khí khi được phê duyệt. Việc thu dọn công trình dầu khí phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam” tại khoản 1, Điều 45.

luat-dk-1.jpeg
Ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Với chỉ đạo của Thủ tướng “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, nhằm tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí và trách nhiệm của cơ quan quản lý, ông Phạm Văn Sơn đề xuất làm rõ, bổ sung vào trong Luật Dầu khí cần có những điều khoản đó là: Thứ nhất là đối với các doanh nghiệp, các tổ chức tiến hành các hoạt động dầu khí phải thực hiện 2 nội dung: Phải xây dựng trình cơ quan quản lý có thẩm quyền (có thể là Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí hoặc đơn vị nào đó…) thẩm định phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp các sự cố môi trường; triển khai thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp sự cố môi trường sau khi được phê duyệt.

Thứ 2 là thực trạng hiện nay kể cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp đều coi thủ tục đấy giống như một thủ tục hành chính. Rất nhiều kế hoạch như: Kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất, ứng phó sự cố tràn dầu, sự cố chất thải… sau khi làm xong được phê duyệt thì coi như việc đó là xong và thường cất vào tủ. Do đó 2 nội dung doanh nghiệp và tổ chức cần làm là phải xây dựng kế hoạch và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó triển khai thực hiện. Nếu chỉ thẩm định xong không triển khai thực hiện thì nó không có giá trị gì cả.

Ông Phạm Văn Sơn cũng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có trách nhiệm kiểm tra trước khi thẩm định, phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp sự cố môi trường của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí; phải thực hành, diễn tập kiểm tra đánh giá thực tế trước khi thẩm định, phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp sự cố môi trường. Đồng thời cần phải kiểm tra thực tế việc triển khai kế hoạch của tổ chức, cá nhân sau khi thẩm định phê duyệt.

luat-dk-2.jpeg
Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tổ chức Thực tập ứng phó sự cố tràn dầu năm 2020

Theo TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, thực ra những hoạt động dầu khí, từ các hoạt động thu nổ địa chấn nhỏ đến khoan và hoạt động khai thác bao giờ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng có đánh giá tác động môi trường, đều có thanh tra, giám sát việc thực hiện. Tất cả đã nằm trong quy trình thực hiện các hợp đồng dầu khí mà nhà đầu tư phải tuân thủ.

Nhìn lại từ lúc chúng ta bắt đầu có các hợp đồng dầu khí đến hiện nay thì chưa để xảy ra bất kể một vụ vi phạm nghiêm trọng nào bị phạt về vấn đề không tuân thủ liên quan đến môi trường. Tất cả các sự cố đều có báo cáo với cơ quan chức năng để cùng vào cuộc xử lý. Công tác đánh giá, giám sát thực hiện và sau thực hiện đều được tiến hành nghiêm túc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Dầu khí (sửa đổi) cần đánh giá trách nhiệm khi xảy ra rủi ro về môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO