Doanh nghiệp - doanh nhân

Ngành dệt may chuyển đổi sản xuất xanh để phát triển bền vững

Linh Chi 26/07/2024 - 07:24

Sự chuyển đổi xanh ngành Dệt may sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm nhẹ sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, cũng như giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường.

Yêu cầu khắt khe từ đối tác

Ngành dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động. Sau thời gian dài chật vật vì đại dịch Covid-19, từ cuối năm 2023, ngành Dệt may đã có đơn hàng trở lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đơn hàng của ngành thường đến từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay thị trường châu Âu…

Nhưng thời gian qua, những quốc gia này đã ban hành nhiều quy định khắt khe về tiêu chuẩn xanh với hàng hóa nhập khẩu. Điều này khiến ngành dệt may buộc phải thay đổi.

1(7).jpg
Các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng trở lại từ cuối năm 2023

Là doanh nghiệp xuất khẩu vào nhiều quốc gia, nhưng Công ty May mặc Dony (TP. HCM) thời gian gần đây khá chật vật để đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của đối tác ngoại. Đại diện công ty chia sẻ, trước đây doanh nghiệp có xuất khẩu vào châu Âu nhưng hiện nay thị trường này có nhiều quy định, tiêu chí khắt khe về nguồn gốc sản phẩm như truy xuất nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, quy trình sản xuất xanh, sản xuất bền vững...

Công ty gặp không ít khó khăn khi phải xoay vốn để “xanh hóa”. Với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ thì càng thêm chật vật. Nhưng vẫn phải chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu của đối tác nếu còn muốn phát triển bền vững, lâu dài.

Ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (TP. HCM) chia sẻ, xu hướng mua hàng của các nhà nhập khẩu may mặc lớn trên thế giới đang thay đổi. Họ ưu tiên lựa chọn chuỗi cung ứng có khả năng sản xuất nhiều công đoạn, tập trung tại một địa điểm, đồng thời minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm. Trong khi đó, dệt may Việt Nam đang thiếu tính liên kết theo chuỗi cung ứng, phụ thuộc nguyên liệu ngoại.

Chuyển đổi sản xuất xanh để phát triển bền vững

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA), phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là con đường bắt buộc, là sự sống còn không chỉ riêng doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế quốc gia.

2(5).jpg
Chuyển đổi xanh ngành Dệt may sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất

Để hỗ trợ doanh nghiệp, TP. HCM chủ động làm việc với Ngân hàng Thế giới, giao Sở Kế hoạc và Đầu tư xây dựng danh mục dự án chuyển đổi xanh và mời gọi các nhà đầu tư tham gia. Đồng thời phối hợp với các định chế tài chính khác để hỗ trợ về chính sách, tín dụng để chuyển đổi kinh tế xanh. Bên cạnh đó, thành phố có chương trình kích cầu đầu tư, trong đó các dự án chuyển đổi xanh sẽ được ưu tiên hỗ trợ 100% lãi suất để thực hiện chuyển đổi mô hình.

Như Công ty TNHH Việt Thắng Jean đã đầu tư máy móc, chuyển đổi sản xuất xanh, đồng thời thay đổi công nghệ để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Doanh nghiệp này sử dụng công nghệ 3D để thiết kế, rút ngắn 1/4 thời gian so với trước, dùng laser để in, cắt, phun màu cho vải... Qua đó, công suất tăng gấp 3 lần so với trước. Đặc biệt, doanh nghiệp còn lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn Eco, sản xuất theo tiêu chuẩn xanh của châu Âu.

Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ngành Dệt may, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP. Trong đó nêu rõ, phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất, xuất khẩu.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, ngành Dệt may đang hướng tới mục tiêu “xanh hóa” để chứng minh trách nhiệm xã hội với môi trường, đồng thời mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Xanh hóa ngành dệt may không chỉ là vấn đề công nghệ. Xét về lâu dài, sự tăng trưởng có nghĩa là tính tới sự cân bằng các yếu tố môi trường, kinh tế xã hội. Sự chuyển đổi xanh ngành Dệt may sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm nhẹ sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, cũng như giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành dệt may chuyển đổi sản xuất xanh để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO