Doanh nghiệp - doanh nhân

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường

Trung Minh 22/07/2024 - 11:35

Bắt kịp xu hướng mới trong ngành thời trang, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và phát triển những sản phẩm làm từ nguyên liệu thiên nhiên thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu bền vững của khách hàng và đối tác.

Châu Âu “siết” thời trang nhanh

Tháng 3/2024, Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật trừng phạt các sản phẩm thời trang nhanh. Theo đó, đến 2030, mỗi sản phẩm này sẽ tăng phí môi trường lên tới 10 euro và các nhà sản xuất cấm quảng cáo sản phẩm thời trang nhanh. Nếu dự luật trở thành luật chính thức, các thương hiệu thời trang nhanh sẽ gặp nhiều thách thức hơn.

Những động thái từ EU được xem là tín hiệu tích cực với môi trường, nhưng lại đặt ra thách thức mới với các nhà sản xuất trong lĩnh vực này, đặc biệt các nhà sản xuất đến từ Việt Nam, top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Theo thống kê của Trung tâm WTO và Hội nhập, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của hàng dệt may thành phẩm từ Việt Nam sang EU giai đoạn 2018-2022 đạt 10,9%, trong đó giá trị xuất khẩu năm 2022 có sự tăng trưởng vượt bậc với 24,2%.

1.png
Thời trang nhanh bắt đầu đụng “tường lửa” tại châu Âu

Liên quan vấn đề này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang và sẽ dần áp dụng hàng loạt những biện pháp thương mại như: Cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), cơ chế CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) và Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...

Tất cả các quy định trên đã tạo ra những thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vì mọi quy tắc trên bắt buộc cho ngành dệt may xuất khẩu phải lấy thời trang bền vững làm định hướng phát triển thay vì thời trang nhanh, rẻ như trước đây.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và phát triển những sản phẩm từ nguồn nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường như tre, sơ dừa, bã cà phê…

Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Kết nối Thời trang (Faslink) đã hợp tác với Singtex - đơn vị cung cấp vải sợi "xanh" hàng đầu tại Đài Loan (Trung Quốc), để ra mắt sản phẩm áo sơ mi cà phê đầu tiên trên thế giới và thương mại hóa tại Việt Nam. Tận dụng lợi thế xuất khẩu thứ 2 thế giới và tiêu thụ hơn 2,5 triệu túi cà phê của Việt Nam, Faslink hướng đến mục tiêu sử dụng nguồn nguyên liệu bã cà phê nội địa, cung ứng gần 3 triệu sản phẩm từ vải sợi cà phê cho hơn 40 nhãn hàng thời trang như: Owen, Yody, Coolmate, Routine…

Hay đứng trước sự báo động của ngành công nghiệp dệt may, nhãn hàng thời trang Santino bắt đầu tiến vào cuộc cách mạng "xanh hóa", tức là dần loại bỏ những chất liệu trong thời trang nhanh như làm từ nhựa, chất tổng hợp mà thay thế bằng chất liệu từ thiên nhiên như sợi tre, lá dứa, cà phê, ngải cứu, bạc hà...

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng thư ký VITAS, cho biết vải làm từ bã cà phê cùng với các loại vải làm từ gai, dứa, chuối, tre, sen, bạc hà, bắp... đang phát triển thời gian gần đây đã trở thành xu hướng mới trong ngành thời trang, được thị trường đón nhận tích cực.

“Đây là cách ngành dệt may Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu bền vững của khách hàng, đối tác trong và ngoài nước. Bởi sản phẩm may mặc hiện nay không chỉ đáp ứng tiêu chí về thời trang mà còn phải thân thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe”, Tổng thư ký VITAS nói.

2.jpg
Ngành dệt may cần phát triển bền vững theo hướng “xanh hoá” để đáp ứng tiêu chí của các thị trường khó tính như EU

Xanh hoá ngành dệt may

Để chủ động định hướng cho doanh nghiệp thích ứng và bắt kịp xu hướng phát triển bền vững của thế giới, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hàng loạt quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền con người. Đồng thời, cam kết mạnh mẽ với quốc tế về lộ trình hướng đến phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển ngành thời trang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, định hướng ngành dệt may Việt Nam từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững theo mô hình kinh tế toàn hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước, tham gia vào vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu và xây dựng được thương hiệu riêng của Việt Nam để xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, VITAS đã chủ động phối hợp với tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) thực hiện Chương trình xanh hóa dệt may Việt Nam. Qua đó góp phần tiết kiệm, tái chế đáng kể lượng nước sử dụng. Nếu như trước đây phải sử dụng đến 80 lít nước để sản xuất một cái quần jean thì hiện nay chỉ tốn nửa lít nước.

Theo bà Phan Thị Quỳnh Chi, Chuyên gia cao cấp của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), GIZ và các đối tác gồm 19 nhãn hàng, 4 hiệp hội là VITAS, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã xây dựng chương trình Không lãng phí (Waste no more) hợp tác trong vòng 1 năm. Chương trình nhằm đặt nền móng thúc đẩy hành động tập thể tái chế khép kín rác thải trong chuỗi cung ứng thời trang và thúc đẩy việc làm bền vững trong lĩnh vực rác thải ở Việt Nam. Hiện đã có khoảng 500 nhà máy tham gia chương trình này.

Bà Chi cho biết, nhiều đơn vị cung cấp giải pháp đang nhìn nhận Việt Nam như một quốc gia rất có lợi thế để đầu tư tái chế khép kín. Quỹ H&M đã cam kết 5 triệu USD hỗ trợ cho 5 nước; trong đó có Việt Nam để duy trì mối liên kết thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong dệt may.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO