Luật Đất đai 2024: Quy định việc thực hiện các quyền sử dụng đất có điều kiện đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Luật Đất đai năm 2024 quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, trong đó có quy định đáng chú ý về thực hiện các quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) tại Điểm c, Khoản 3, Điều 45 và Điều 48.
Quy định cụ thể việc thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện của đồng bào dân tộc thiểu số
Cụ thể, đồng bào dân tộc thiểu số nếu được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Khoản 3, Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 chỉ được thực hiện quyền để thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng QSDĐ cho người thuộc hàng thừa kế thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng ĐBDTTS và miền núi.
Trường hợp người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Khoản 2, Điều 16 của Luật Đất đai năm 2024 thì đất đó được Nhà nước thu hồi và bồi thường tài sản gắn liền với đất cho người được hưởng thừa kế.
Trường hợp người sử dụng đất chuyển khỏi địa bàn cấp tỉnh nơi có đất đến nơi khác sinh sống hoặc không còn nhu cầu sử dụng mà không tặng cho, chuyển nhượng QSDĐ cho người thuộc hàng thừa kế là đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật cho người có đất thu hồi. Diện tích đất đã thu hồi được dùng để tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho cá nhân khác là người dân tộc thiểu số theo chính sách quy định tại Điều 16 Luật Đất đai năm 2024.
Cá nhân là người dân tộc thiểu số được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Khoản 3, Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 được thế chấp QSDĐ tại ngân hàng chính sách; không được chuyển nhượng, góp vốn, tặng cho, thừa kế, thế chấp QSDĐ, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 48 Luật Đất đai năm 2024.
Tại Khoản 3 Điều 16, Luật Đất đai năm 2024 quy đinh: Nhà nước có chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống cho cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sau đó không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như sau: Trường hợp không còn đất ở thì được giao tiếp đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Trường hợp thiếu đất ở thì cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất;
Trường hợp không còn hoặc thiếu đất nông nghiệp thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền hoặc cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất.
Quy định cơ chế tạo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS
Bên cạnh đó, so với Luật Đất đai năm 2013, Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã cụ thể hóa nhiều chính sách về đất đai với ĐBDTTS. Ngoài việc quy định rõ hơn các chính sách giao đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng, đất nông nghiệp đối với cá nhân và cộng đồng DTTS, Luật còn bổ sung các quy định như: cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất… đối với ĐBDTTS thiếu đất. Điều này cũng quy định cụ thể đối tượng và chính sách được hỗ trợ đất đai lần đầu và giao tiếp đất ở, đất sản xuất trong trường hợp đã được giao nhưng còn thiếu đất ở, đất sản xuất.
Việc luật hóa cơ chế tạo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai với ĐBDTTS là điểm mới rất quan trọng so với Luật Đất đai năm 2013 cũng như so với các văn bản hướng dẫn trước đây liên quan đến chính sách đất đai với ĐBDTTS.
Cụ thể, Điều 16, Luật Đất đai năm 2024 đã chỉ rõ, đất để thực hiện chính sách đất đai đối với ĐBDTTS được bố trí từ quỹ đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý hoặc từ quỹ đất do Nhà nước thu hồi.
Đặc biệt, Điều 79 của Luật Đất đai năm 2024 đã quy định dự án thu hồi đất để thực hiện chính sách đất đai đối với ĐBDTTS thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia. Quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các địa phương tháo gỡ được khó khăn về cơ chế khi cần tạo quỹ đất để triển khai các chính sách về đất đai với ĐBDTTS.