Luật có vẫn khó thực thi

23/05/2019 15:29

(TN&MT) - Mặc dù, ở nước ta đã có quy định cụ thể xử lý hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, nhưng thực tế cho thấy, chuyện xử phạt chỉ "năm khi mười họa", không đủ tác dụng răn đe, dẫn đến nhờn luật.

Thuoc la trong nha hang
Vì lợi nhuận, nhiều nhà hàng vẫn làm ngơ để khách vô tư hút thuốc

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn tại các khu vực trong nhà của nhà hàng. Tại Điều 11 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Khoản 1, quy định rõ địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, bao gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

Và Khoản 2 có quy định địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này và Khoản 1 Điều 12 của Luật này. Tại Khoản 3 cũng quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn trên các phương tiện giao thông công cộng như ô tô, tàu bay, tàu điện.

Nghị định 176/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định rõ: Hút thuốc lá ở khu vực trong nhà tại các nhà hàng sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng. Cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống không treo biển “cấm hút thuốc lá”, không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá, không tổ chức thực hiện, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại nhà hàng sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

Đọc các quy định xử phạt và hình dung nếu chúng ta thực hiện được, Việt Nam sẽ sạch như Singapore. Nhưng, giữa ban hành quy định và áp dụng nó vào đời sống là hai việc khác nhau. Chúng ta đã từng có những quy định cấm các hành vi vi phạm tương tự, nhưng những quy định đó, không hiện diện trong đời sống xã hội. Với thuốc lá cũng vậy. Chúng ta cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nhưng người ta vẫn thản nhiên hút, không có trường hợp nào bị xử phạt.

Minh chứng là theo báo cáo của Bộ Y tế, những con số về thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho thấy, hoạt động này mới chỉ diễn ra ở một số địa bàn nhất định, không thường xuyên, kết quả thu được không nhiều.

Cụ thể, năm 2015, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 191 triệu đồng. Năm 2016, Thanh tra Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra 151 cơ sở tại 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, xử phạt 16 cơ sở với số tiền 136 triệu đồng; Năm 2017, Hà Nội phạt 23 đơn vị với số tiền gần 60 triệu đồng. Tại Hải Phòng, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 62 đơn vị, cơ sở kinh doanh, các khách sạn nhà hàng, cửa hàng bán lẻ thuốc lá, phạt 12 đơn vị với số tiền 30 triệu đồng. Bộ Công an xử phạt 15 trường hợp, phạt 13,5 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền phạt tính đến nay là 430 triệu đồng.

Một con số quá khiêm tốn! Đây là thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu môi trường không khói thuốc ở nước ta.

Theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quyết định tăng mức phạt đối với một loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Trong đó, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, khu thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng, gấp 10 lần mức phạt được quy định trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật có vẫn khó thực thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO