Long An: Điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp

23/05/2018 10:39

UBND tỉnh Long An vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Với hệ thống các giải pháp đồng bộ, thiết thực, văn bản này được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những nút thắt trong công tác quản lý CCN trên địa bàn hiện nay.

Theo số liệu từ Sở Công Thương Long An, trên địa bàn hiện có 17 CCN đang hoạt động với tổng diện tích trên 878,5ha, thu hút được 541 dự án, tỷ lệ lấp đầy rất cao, trên 90%. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định của các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất tại CCN đã góp phần đáng kể trong mức tăng giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) chung toàn tỉnh. 4 tháng đầu năm, giá trị SXCN đã tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.

long an

Mặc dù vậy, công tác quản lý hoạt động, nhất là quản lý DN trong CCN của tỉnh đang gặp nhiều trở ngại. Cụ thể, việc chuyển nhượng giữa các DN trong CCN được thực hiện theo Luật DN, không thông qua các tổ chức quản lý CCN. Quy chế quản lý CCN ban hành theo Quyết định số 105/2009/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng chưa quy định bắt buộc DN thực hiện chuyển nhượng phải báo cáo đơn vị, nên việc quản lý DN trong CCN rất khó khăn.

Hơn nữa, một số CCN trên địa bàn đạt tỷ lệ lấp đầy cao, có nhu cầu mở rộng diện tích. Tuy nhiên, để mở rộng CCN buộc phải có chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và trạm xử lý nước thải tập trung. Những yêu cầu này quá khó, rất ít CCN trên địa bàn đủ năng lực đáp ứng.

Để có nền tảng về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các CCN phát triển, nhất là công tác xử lý, đưa CCN thành lập trước khi Quy chế quản lý CCN được ban hành vốn đang bị ách tắc, UBND tỉnh Long An đã quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, giai đoạn đến năm 2020, tỉnh sẽ có 62 CCN với tổng diện tích 3.106,5ha phân bố trên địa bàn 8 huyện và TP. Tân An. Dự kiến, nhu cầu vốn xây dựng hạ tầng các CCN khoảng 27.337 tỷ đồng. Sau khi huy động và đưa nguồn vốn lớn này vào thực thi sẽ giúp tháo gỡ rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác đầu tư hoàn thiện hạ tầng, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thu hút đầu tư thứ cấp vào CCN.

Quy hoạch phát triển các CCN đến năm 2020 cũng là căn cứ để UBND tỉnh Long An xem xét quyết định thành lập; quảng bá, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng CCN; di dời DN, cơ sở sản xuất đang gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ ra khỏi các làng nghề, khu dân cư... Để thực hiện quy hoạch, UBND tỉnh đã đưa ra hệ thống giải pháp toàn diện và đồng bộ CCN, gồm: Vốn đầu tư phát triển hạ tầng; tạo quỹ đất sạch cho phát triển; thu hút đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng; phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trong và ngoài CCN; thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp; liên kết phát triển CCN; đổi mới công tác quản lý nhà nước. 

Dự kiến, nhu cầu vốn thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020 của Long An là trên 27.300 tỷ đồng. Nguồn vốn này được thực thi sẽ giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long An: Điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO